Từ Hà Nội, chúng tôi lại có một cái hẹn lên Tây Bắc khám phá những vùng đất mới. Không chỉ có những thắng cảnh hùng vĩ, thiên nhiên tươi đẹp, Tây Bắc còn được mệnh danh là xứ sở của muôn hoa. Du khách đã quá quen thuộc với những loài hoa mang vẻ đẹp hoang sơ chốn núi rừng như: hoa ban, hoa mơ, hoa đào, hoa trẩu, hoa tam giác mạch.. và đặc biệt không thể bỏ qua loài hoa mận.
Không phải là xứ Mộc Châu với bạt ngàn những rừng hoa mận, lần này, đích đến của chúng tôi là xã Xím Vàng, huyện Bắc Yên, Sơn La. Sau hành trình vượt hơn 230 km từ Hà Nội, chúng tôi đến trung tâm xã Tà Xùa, Bắc Yên. Nghỉ lại một đêm ở trung tâm du lịch Tà Xùa, sáng hôm sau mọi người dậy sớm để bắt đầu hành trình di chuyển vào xã Xím Vàng.
Cung đường dài khoảng 17 km uốn lượn theo những sườn núi cao chót vót mang lại cho du khách cảm giác choáng ngợp. Đứng trên mỏm núi để vọng cảnh, mọi người ồ lên khi nhìn thấy cả một vạt rừng trắng xóa hoa mận.
Những nếp nhà Mông tỏa khói bếp ẩn hiện giữa miền hoa mận khiến cho bức tranh phong cảnh vừa có sắc đẹp vừa đầy hơi ấm tình người. Hỏi thăm vài người đi nương, chúng tôi được họ chỉ đến bản Xím Vàng, xã Xím Vàng – là nơi đang có những gốc mận cổ thụ bung nở hoa đẹp nhất.
Cung đường dốc lượn uốn cong như những con rắn khổng lồ dẫn mọi người dần tới bản Xím Vàng. Gần 100% người dân ở bản là đồng bào Mông. Cuộc sống của họ vẫn bình yên với các công việc thường nhật như mọi khi. Kẻ lên nương, người ở nhà chăn gà, nuôi lợn, còn lũ trẻ hồn nhiên chơi đùa bên hiên nhà, góc sân… Nhưng giữa một không gian của sắc hoa mận, khung cảnh bình dị ấy lại đẹp lạ thường.
Rẽ vào đôi ba ngôi nhà để tìm kiếm vài cuộc trò chuyện làm quen, chúng tôi được dân bản đón tiếp nhiệt tình, dù họ nói tiếng Kinh có phần khó nghe. Bọn trẻ bẽn lẽn nhưng khá tò mò khi thấy các cô, chú cầm máy ảnh và chiếc smartphone đưa lên chụp hình.
Chúng tôi khá may mắn khi có cuộc trò chuyện với anh Hạng A Củ ( 47 tuổi), một người con sinh ra và lớn lên ở bản Xím Vàng, rất am hiểu vùng đất này. Anh Củ cho biết, đây là bản tập trung nhiều gốc mận cổ nhất trong vùng. Hàng trăm gốc mận có tuổi đời hơn 1 thế kỷ. Nhiều cây quá già, cằn cỗi không thể ra hoa và quả nên người dân bản đã chặt đi.
Theo anh Củ, điều thú vị và khác biệt là giống mận Mông này không được trồng bằng hạt, cũng không ghép cành, mà tất cả được trồng bằng rễ. Chính những gốc mận hàng trăm năm tuổi cằn cỗi chết đi, rồi từ rễ lại mọc lên những cây mận mới.
Theo người dân bản địa, tùy theo thời tiết mà hoa mận nở muộn hay sớm. Năm sớm, hoa nở vào dịp Tết Nguyên đán. Còn năm muộn, sau tết 1 – 2 tháng mới là thời gian hoa nở rộ. Năm nay khá may mắn cho chúng tôi khi xuất hành sau Tết Nguyên đán hơn 1 tháng mà vẫn gặp đúng lúc hoa mận cổ Xím Vàng nở đẹp nhất.
Gửi xe tại một nhà dân, chúng tôi bắt đầu rong ruổi khắp bản. Những gốc mận cổ thụ với đường kính tới 40 – 50cm được trồng ngay bên nhà. Nhiều gốc mận cổ đã được người chơi cây trả 5 – 10 triệu, nhưng dân bản không bán. Chính quyền địa phương đang khuyến khích dân trồng thêm mận để tạo cảnh quan, làm du lịch…
Nhiều cây mận lâu năm, vươn cao chót vót trên nóc nhà và từ thân tỏa đi thành nhiều nhánh. Hoa trên các cây mận cổ thụ bung nở một màu trắng muốt, khoe vẻ đẹp riêng tinh khôi, thuần khiết giữa mây trời Tây Bắc.
Mọi người đi bộ từ đoạn đã được trải bê tông cho đến những đoạn đường đất, cứ uốn lượn vòng vèo lên lên, xuống xuống…, nhưng được ngắm sắc hoa, hà hít hương thơm, nên chẳng ai thấy mệt.
Mỗi khi qua một nếp nhà, mọi người lại được gia chủ chào mời vào chơi nhiệt tình. Cuộc sống miền rẻo cao vẫn còn gian khó, nhưng du khách sẽ cảm nhận được khi đến đây là hơi ấm tình người, sự quý mến khách.
Xím Vàng đang trở thành điểm đến ưu thích của du khách, đặc biệt dân đi bụi. Nơi này có những thửa ruộng bậc thang đẹp mê hồn và dịp tháng 9 – 10 dương lịch, có những suối thác ấn tượng…
Một điều lưu ý là dịch vụ du lịch ở đây vẫn còn sơ khai, gần như chưa có gì. Nếu khách có nhu cầu ngủ nghỉ, homestay đàng hoàng…. thì có thể chọn trung tâm du lịch ở xã Tà Xùa. Tuy nhiên, du khách cũng có thể xin ngủ lại qua đêm ở Xím Vàng trong các hộ người Mông để cảm nhận sự dân dã, bình dị.