Nhiều doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức bị tin tặc tấn công, chiếm quyền kiểm soát đã xảy ra trong thời gian qua. Việc bị tấn công này xuất phát từ một số nhân sự sử dụng các phần mềm không mua bản quyền để phục vụ công việc. Điều này gây ra nhiều rủi ro về bảo mật dữ liệu, an ninh mạng, khủng hoảng cho doanh nghiệp.
Việc trang bị các sản phẩm bản quyền sẽ giảm thiểu các rủi ro về bảo mật dữ liệu và an ninh cho doanh nghiệp. Ảnh: C.T |
Doanh nghiệp bị tấn công mạng vì tiết kiệm chi phí
Tại nhiều doanh nghiệp, vấn đề quản lý cài đặt, thiết lập các chương trình, ứng dụng có bản quyền để hỗ trợ cho công việc đang bị bỏ ngỏ hoặc một số lựa chọn những sản phẩm trôi nổi trên các trang web. Điều này đã tạo ra nhiều rủi ro về bảo mật dữ liệu và an ninh mạng khiến doanh nghiệp rơi vào tình trạng khủng hoảng công nghệ thông tin.
Ông Vũ Văn Dũng, Trưởng Văn phòng đại diện Công ty CP BKAV tại Đà Nẵng cho biết, nhiều doanh nghiệp đang bị theo dõi bởi một hoặc nhiều phần mềm gián điệp nhưng không hề hay biết. Những phần mềm này sẽ theo dõi các hoạt động, khai thác lỗ hổng bảo mật an ninh trong các tập tin văn bản, ứng dụng, thậm chí cả giao dịch và từ đó phát tán các loại mã độc nhằm chiếm quyền làm chủ qua hệ thống mạng của doanh nghiệp. Các đối tượng khi nắm được quyền kiểm soát thường đe dọa tống tiền hoặc sử dụng thông tin tài khoản máy tính của người dùng, của doanh nghiệp, xem đây là một món hàng để rao bán trên mạng.
Là doanh nghiệp từng chịu ảnh hưởng nặng nề khi bị tin tặc tấn công vì chương trình chỉnh sửa hình ảnh không rõ nguồn gốc, ông Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát Văn Vinh, hiểu rõ những vất vả khi phải mất hàng tháng trời khôi phục lại dữ liệu khách hàng, tư liệu doanh nghiệp trên hệ thống nội bộ công ty.
“Chỉ vì muốn tiết kiệm gần 500.000 đồng/tháng cho ứng dụng Adobe Photoshop mà doanh nghiệp tôi đã phải chi hơn 50 triệu đồng để thuê dịch vụ về khôi phục dữ liệu sau khi hệ thống bị tin tặc tấn công. Các đối tượng thường hướng dẫn người dùng khi cài đặt phải tắt tường lửa rồi mới sử dụng được, sau khi tôi tắt tường lửa thì toàn bộ hệ thống thiết bị kết nối mạng đều gặp vấn đề”, ông Vinh cho hay.
Ông Nguyễn Bá Thành Trung, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn thiết kế xây dựng & Thương mại JDS, chia sẻ, doanh nghiệp của ông cũng như nhiều doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ trên địa bàn thành phố thường chỉ quản lý được những ứng dụng, phần mềm, tập tin được cài đặt trên máy tính cố định, chưa thể quản lý những thiết bị cá nhân của người lao động trong doanh nghiệp nên vẫn thường xuyên phải khắc phục các sự cố về an ninh mạng. Những sự cố này thường mất rất nhiều thời gian, tiền bạc để khôi phục lại trạng thái ban đầu chưa kể đến việc để lộ những bí mật trong kinh doanh khác.
Bảo đảm an ninh, bảo mật bằng cách cài ứng dụng bản quyền
Ông Nguyễn Bá Thành Trung cho hay, sau những thiệt hại vì bị tấn công mạng, ông đã phải yêu cầu người lao động trong doanh nghiệp hạn chế tối đa việc truy cập thiết bị cá nhân vào hệ thống mạng nội bộ để bảo đảm an ninh mạng. Sắp tới, doanh nghiệp ông sẽ triển khai thuê chương trình bản quyền các ứng dụng cần thiết cho công việc, an ninh mạng. Cùng với đó là việc mở ra các chương trình tập huấn cho người lao động nhằm phòng tránh các nguy cơ về bảo mật thông tin trong doanh nghiệp.
Theo ông Lê Trọng Thanh, Giám đốc Công ty CP Hạ tầng viễn thông CMC – chi nhánh miền Trung, các doanh nghiệp cần chủ động hơn để phòng tránh các rủi ro, nguy hiểm từ việc sử dụng phần mềm, chương trình, tài liệu, cụ thể là việc sử dụng phần mềm bản quyền.
“Việc phá hủy cấu trúc bản quyền của một chương trình sẽ tạo điều kiện để tin tặc xâm nhập vào máy tính, từ đó chiếm quyền điều khiển, lấy cắp thông tin. Nếu như dùng phần mềm không bản quyền sẽ tự tạo ra nhiều rủi ro tới người dùng, doanh nghiệp. Hiện nay, doanh nghiệp, người lao động có thể chọn thuê phần mềm mà không cần trả trọn gói như trước đây, việc thuê phần mềm giúp doanh nghiệp tạo ra nhiều lợi thế với chi phí thuê hằng tháng thấp trong khi vẫn được bảo mật dữ liệu thông tin, cập nhật, vá lỗi thường xuyên”, ông Thanh phân tích.
Ông Đặng Ngọc Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng nhìn nhận, việc nhiều doanh nghiệp, người lao động đang sử dụng các phần mềm, ứng dụng, hỗ trợ chỉnh sửa văn bản, hình ảnh, video… không chính thống được tải ở các website trôi nổi đang diễn ra phổ biến, điều này gây hệ lụy rất lớn đến an ninh, bảo mật thông tin của doanh nghiệp.
Những phần mềm bản quyền chỉ chiếm dưới 5% tổng doanh thu của những doanh nghiệp nhưng sẽ có thể bảo vệ được cho doanh nghiệp trước nhiều sự cố, rủi ro bị tấn công mạng do sử dụng phần mềm không có giấy phép gây ra. Ngoài việc thiết lập, cài đặt các phần mềm bản quyền, lãnh đạo doanh nghiệp cần đề ra những quy định khắt khe với người lao động khi sử dụng mạng nội bộ để truy cập, tải xuống những chương trình, ứng dụng, tài liệu có nguồn gốc không rõ ràng, qua đó góp phần bảo vệ an ninh, an toàn thông tin cho doanh nghiệp.
Đại diện Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao (Công an Đà Nẵng) đề nghị người lao động nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo mới của tội phạm mạng; tuyệt đối không truy cập các trang tin không chính thống; không cài đặt các phần mềm, ứng dụng từ các nguồn không chính thống. Thời gian tới, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao sẽ phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp mở rộng điều tra các hành vi phát mã độc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhằm xử lý nghiêm minh các đối tượng theo quy định của pháp luật.
CHIẾN THẮNG