Nằm trong chuỗi các hoạt động tại Festival Ninh Bình 2022-Tràng An kết nối di sản, nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống đã diễn ra tại thành phố Ninh Bình. Nổi bật là Lễ hội đường phố và Triển lãm Di sản văn hóa, lịch sử truyền thống, thu hút hàng nghìn người dân và du khách tham gia diễu hành, trải nghiệm, cổ vũ.
Hò reo, cổ vũ nhiệt tình và chụp ảnh liên tục để lưu lại những khoảnh khắc hiếm có khi tham gia Festival, bạn trẻ Đinh Việt Phương, phường Đông Thành (thành phố Ninh Bình) thấy rất thú vị trong một buổi tối đẹp trời. Việt Phương cho biết: Các hoạt động diễn ra tại lễ hội đường phố rất vui và náo nhiệt. Trong đó màn biểu diễn các trò chơi dân gian truyền thống như múa Rồng, múa Lân, trò diễn “Cờ lau tập trận”, đi cà kheo và biểu diễn Cồng chiêng, múa trống, biểu diễn trống nhảy… đã tạo ấn tượng đặc biệt.
Với các hộ kinh doanh tại tuyến đường Lê Hồng Phong – Đinh Tiên Hoàng, nơi diễn ra lễ hội đường phố, ai cũng ý thức giữ gìn vệ sinh chung, chỉnh trang lại nhà cửa, sân, hè trước nhà để đảm bảo vỉa hè thông thoáng, đẹp mắt, văn minh nhất khi đón khách về dự lễ hội.
Anh Đinh Văn Thái, một hộ kinh doanh tại đường Lê Hồng Phong, phường Đông Thành cho biết: Chúng tôi vui mừng khi tuyến đường được chọn tổ chức hoạt động lễ hội đường phố trong khuôn khổ Festival Ninh Bình 2022. Vì vậy khi được các lực lượng chức năng hướng dẫn chuẩn bị các điều kiện để góp phần đảm bảo cho lễ hội diễn ra thành công, chúng tôi sẵn sàng và thực hiện nghiêm túc.
Lễ hội đường phố có sự tham gia biểu diễn của 24 đoàn thuộc tỉnh Ninh Bình và các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Đăk Lăk, Thành phố Hồ Chí Minh, Bạc Liêu, Cà Mau. Cùng với đó, có sự tham dự của Đoàn Nghệ thuật tỉnh U Đôm Xay, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và các Hoa hậu du lịch của các nước tham dự vòng chung kết Cuộc thi Hoa hậu Du lịch Thế giới 2022 tại Việt Nam.
Lễ hội đường phố diễn ra với các hoạt động diễu hành trên tuyến đường Đinh Tiên Hoàng, gồm nhiều hoạt động hấp dẫn nhằm quảng bá tinh hoa di sản của nhiều tỉnh, thành phố cũng như quảng bá du lịch của tỉnh Ninh Bình đến đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Trong đó, tỉnh Ninh Bình tham gia diễu hành, biểu diễn múa Rồng; múa Lân; Trò diễn cờ lau tập trận; đi cà kheo và trình diễn Cồng chiêng; múa trống; hát xẩm; trống nhảy của các đoàn đến từ 8 huyện, thành phố.
Các đoàn trong nước và quốc tế tham gia diễu hành cũng đã thể hiện những nét văn hóa rất riêng của dân tộc, quê hương mình. Như với đất nước Lào, biểu diễn nghệ thuật múa khèn Lào và những điệu múa dân tộc; các địa phương gồm Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nam biểu diễn hát quan họ, múa rối, hát chầu văn; các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế biểu diễn trò Xuân Phả, biểu diễn dân ca Ví dặm và trình diễn cổ phục thời Nguyễn; tiếp đến là Gia Lai, Đắk Lắk với các màn biểu diễn Cồng chiêng và múa mừng mùa của Tây Nguyên…
Không kém phần độc đáo là phần trình diễn của đoàn thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau với các tiết mục Đờn ca tài tử rất riêng của các vùng đất phương Nam đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể và là 1 di sản có vùng ảnh hưởng lớn, với phạm vi 21 tỉnh, thành phía Nam, trở thành di sản mang tính biểu tượng, niềm tự hào của người dân Nam Bộ.
Đặc biệt, màn diễu hành của các Hoa hậu Du lịch các nước đã thể hiện xuất sắc thần thái, nét đẹp rạng rỡ, với các trang phục dân tộc thể hiện nét đẹp riêng của mỗi đất nước, mỗi nền văn hóa khác nhau. Các người đẹp tham gia diễu hành nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của đông đảo người dân và du khách.
Mang tâm trạng thích thú xen lẫn ngạc nhiên, chị Tố Nga, Trưởng đoàn ca múa dân tộc tỉnh Đăk Lăk cho biết: Về dự Festival Ninh Bình, chúng tôi được biết thêm nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống dân gian rất độc đáo và đa dạng của Ninh Bình. Những em bé mới có 6-8 tuổi mà hát Xẩm đầy da diết, luyến láy, tay phách, kéo nhị nhịp nhàng, điêu luyện… Ninh Bình không chỉ có các danh lam thắng cảnh đẹp mà còn có một nền văn hóa, di sản đa sắc màu.
Tại Triển lãm di sản văn hóa và lịch sử truyền thống có 13 gian trưng bày, trong đó có 11 gian trưng bày chuyên về di sản văn hóa. Các gian trưng bày trang trí ấn tượng, giới thiệu một cách tổng thể văn hóa của mỗi tỉnh.
Trong những ngày diễn ra Festival, Triển lãm thu hút sự quan tâm của khá đông du khách. Nhìn chung, các gian được trưng bày khá ấn tượng, có chủ đề, chủ điểm, tập trung giới thiệu cho công chúng hiểu một cách cơ bản về các di sản văn hóa, những điểm đặc sắc của văn hóa các địa phương, giá trị về khoa học, lịch sử của các di sản trong dòng chảy chung của văn hóa dân tộc.
Nhiều di sản, khi được giới thiệu, thuyết minh kèm các mô hình, di vật lịch sử, các di vật khảo cổ gây sự ngạc nhiên, thú vị đối với công chúng. Chị Phit-Sạ-Mo, thành viên đoàn nghệ thuật tỉnh Udomxay (nước CHDCND Lào) chia sẻ: Tham quan các gian trưng bày tại Triển lãm, tôi rất ấn tượng và thích thú với cách bài trí ở đây. Đây là cơ hội hiếm có khi có rất nhiều di sản cùng đồng thời được giới thiệu tại Festival Ninh Bình. Qua triển lãm, tôi cảm nhận được sự giàu có, phong phú các loại hình di sản văn hóa của Việt Nam, chiều sâu văn hóa của dân tộc các bạn. Triển lãm thực sự là một trải nghiệm thú vị với cá nhân tôi và các thành viên trong đoàn.
Theo chị Phit-Sạ-Mo, các hình ảnh về Quần thể danh thắng Tràng An; nghệ thuật hát Xẩm hay sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các làng nghề chiếu cói Kim Sơn; thêu ren Văn Lâm… khiến chị và nhiều thành viên trong đoàn cực kỳ thích thú. Nếu có thời gian lưu lại Ninh Bình lâu hơn, đoàn nghệ thuật tỉnh Udomxay sẽ đi tham quan các điểm du lịch, khu di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng của Ninh Bình.
Với đa dạng các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật truyền thống, dân gian được tổ chức tại Festival Ninh Bình 2022 đã thu hút và nhận được sự quan tâm, chờ đón của nhiều người dân và du khách. Qua đó góp phần quảng bá hình ảnh, di sản văn hóa, con người của tỉnh Ninh Bình nói riêng và các tỉnh, thành phố trong nước, các địa phương quốc tế tham gia Festival tại Ninh Bình nói chung đến bạn bè trong và ngoài nước. Thông qua Festival lần này, Ninh Bình hướng tới việc đưa Festival trở thành thương hiệu về văn hóa, du lịch của tỉnh nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa để cùng kết nối, cùng lan tỏa.
Hạnh Chi-Mai Phương