Đến tham dự có các đồng chí lãnh đạo: ông Phan Văn Mãi – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP HCM, Ông Dương Anh Đức – Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP HCM. Các lãnh sự quán các nước tại TP HCM và lãnh đạo một số tỉnh tham dự.
Qua 4 ngày tranh tài ở bảng A, 22 ban nhạc Tài tử của các quận, huyện TP HCM đã giới thiệu đến khán giả những ngón đờn, giọng ca hay, qua các tiết mục, chương trình có nội dung chủ đề gắn liền với đời sống văn hóa đương đại.
Ở bảng B là Liên hoan ca tài tử với gần 100 tiết mục. Thành công của Liên hoan đã đánh dấu bước phát triển của phong trào Đờn ca Tài tử (ĐCTT) TP HCM trong những năm qua, đặc biệt, sau 10 năm ĐCTT được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Có 3 chương trình được trao HCV: “Những dòng sông hò hẹn” của Trung tâm Văn hóa – Thể thao Quận 8; “TP HCM tự hào vùng đất phương Nam” của Trung tâm Văn hóa Quận 1 và “Nhớ mãi ơn người” của Trung tâm Văn hóa – Thể thao Quận Tân Bình.
Nghệ thuật ĐCTT đã hình thành và phát triển ở Nam Bộ từ cuối thế kỷ 19, dựa trên dòng nhạc lễ, nhã nhạc cung đình và sáng tác mới trên nền tảng âm nhạc dân ca, hát đối, hò vè của vùng đất Nam bộ.
Đây là loại hình nghệ thuật đặc sắc của miệt vườn sông nước Nam bộ thể hiện những đức tính cần cù, bình dị, chân thật, phóng khoáng, nghĩa hiệp, nhân văn.
Dịp này, UBND TPHCM đã trao tặng Bằng khen cho các cá nhân tích cực trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của ĐCTT Nam bộ trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2013-2023.
Chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc biệt chủ đề “Đờn ca tài tử Nam Bộ – Di sản tỏa sáng” đã diễn ra thật hấp dẫn, giàu tính nhân văn. Thu hút đông đảo nhân dân và du khách quốc tế tham dự.
Chương trình biểu diễn nghệ thuật do Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP HCM chủ trì phối hợp với Trung tâm Văn hóa Thành phố, Nhà hát nghệ thuật Hát Bội và Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang thực hiện.
“Đờn ca tài tử Nam Bộ – Di sản tỏa sáng” có 3 chương: chương 1 “Mối tơ duyên” – khắc họa khởi nguồn hình thành nên loại hình ĐCTT, chương 2 “Hội tụ thăng hoa” – thể hiện sức sống của ĐCTT trong đời sống của người dân Nam Bộ và chương 3 “Di sản tỏa sáng” – phản ánh sức lan tỏa của ĐCTT trong lòng đô thị hiện đại và nhịp sống xã hội hôm nay.
Chương trình có sự tham gia biểu diễn của nhiều Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, tài tử đờn, tài tử ca, NSƯT Lê Tứ, NSƯT Lê Hồng Thắm, NS Hà Như, Võ Minh Lâm, ca sĩ Quốc Đại, Cao Công Nghĩa, nhóm FM, nhóm 135, nhóm Mắt Ngọc, các vũ đoàn Mây Trắng, Mặt Trời, ABC…
Sau 10 năm chính thức được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, TP HCM đã nỗ lực không ngừng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật đặc sắc này.
Lãnh đạo TP HCM cho biết TP HCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam bộ, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đưa di sản vô giá này đến gần hơn với công chúng trẻ, đồng thời khuyến khích sáng tạo và lưu truyền để mãi mãi là niềm tự hào của người dân Việt Nam.
Nguồn: https://nld.com.vn/ruc-ro-chuong-trinh-nghe-thuat-don-ca-tai-tu-nam-bo-di-san-toa-sang-196231208210713435.htm