Giá ruble chiều nay xuống 100 ruble đổi một USD, lần đầu tiên chạm mốc tâm lý quan trọng này kể từ giữa tháng 8.
Đầu giờ chiều nay, giá nội tệ Nga có thời điểm xuống 100,25 ruble một USD. Đây là mức thấp nhất 7 tuần. Hiện tại, đồng tiền này đã tăng giá trở lại, lên 99,58 RUB một USD.
Ruble cũng tăng 0,6% so với euro và ổn định so với nhân dân tệ. Hiện một euro tương đương 104,2 ruble. Một nhân dân tệ đổi được 13 ruble.
Lần cuối ruble vượt mốc 100, Ngân hàng Trung ương Nga đã phải nâng lãi khẩn cấp thêm 350 điểm cơ bản (3,5%) để đưa lãi suất lên 12%. Giới chức Nga khi đó cũng thảo luận việc tái áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn để hỗ trợ nội tệ.
“Mốc 100 không phải là ngưỡng cản kỹ thuật. Đó là rào cản tâm lý quan trọng. Hiện tại, mọi dự đoán đều là ruble sẽ mất giá”, Alexei Antonov – nhà phân tích tại Alor Broker cho biết.
Ruble thường chịu sức ép vào đầu tháng. Do cuối tháng mới là thời điểm các hãng xuất khẩu đổi doanh thu từ ngoại tệ sang nội tệ để nộp thuế.
“Giá dầu tăng và lãi suất cao sẽ cải thiện triển vọng cho đồng ruble trong trung hạn”, các nhà phân tích tại Promsvyazbank cho biết. Họ dự báo đồng ruble tiếp tục vượt ngưỡng 100 ruble đổi một USD nếu giới chức không có biện pháp hỗ trợ mới.
Tháng trước, Ngân hàng Trung ương Nga tiếp tục nâng lãi lên 13%. Theo khảo sát của Reuters, khi sức ép lạm phát vẫn cao, cơ quan này sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách trong phiên họp sắp tới vào 27/10.
Ruble biến động mạnh từ sau khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022. Tháng 3 năm ngoái, ruble có thời điểm xuống thấp kỷ lục, với 120 ruble đổi một đôla Mỹ. Nhưng chỉ vài tháng sau, đồng tiền này lại lên đỉnh 7 năm so với ISD, nhờ các chính sách kiểm soát vốn và doanh thu xuất khẩu của Nga tăng vọt.
Sang năm nay, xuất khẩu giảm sút (một phần do các lệnh trừng phạt của phương Tây và dòng chảy thương mại toàn cầu đổi hướng) và nhập khẩu tăng trở lại, đã khiến ruble yếu đi. Thặng dư tài khoản vãng lai 8 tháng đầu năm cũng giảm 86% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 25,6 tỷ USD.
Hà Thu (theo Reuters)