Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2025 ước đạt 573,3 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng cao
Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch đã góp phần tích cực vào tăng trưởng của ngành thương mại dịch vụ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 01/2025 ước đạt 573,3 nghìn tỷ đồng, tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2024 tăng 8,0%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,6% (cùng kỳ năm 2024 tăng 5,6%).
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 01/2025 tăng cao so với cùng kỳ năm trước nhờ sự đóng góp tích cực của ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành.
Đặc biệt, du lịch được coi là điểm sáng do năm nay kỳ nghỉ Tết kéo dài, giúp thu hút đông người dân đi đến các điểm du lịch. Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, dịp Tết Ất Tỵ 2025 (từ 25/1-2/2, tức 26 tháng Chạp đến hết mùng 5 Tết), ngành du lịch cả nước ước đón và phục vụ 12,5 triệu lượt khách nội địa, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2024. Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam cũng tăng cao ở nhiều địa phương, như Quảng Ninh ước đón 228.700 lượt khách; Đà Nẵng ước đón hơn 228.000 lượt khách; Quảng Nam ước đón 157.000 lượt...
Cụ thể, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 01/2025 ước đạt 441,4 nghìn tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Nhiên liệu khác (trừ xăng dầu) tăng 31,1%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 15,5%; ô tô các loại tăng 11,6%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 8,9%; hàng may mặc tăng 8,3%; nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 7,8%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 1,5%.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 01/2025 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương như sau: Hải Phòng tăng 9,2%; Hà Nội tăng 9,0%; Quảng Ninh tăng 8,5%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 8,4%; Đà Nẵng tăng 7,9%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 01/2025 ước đạt 67,3 nghìn tỷ đồng, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành tháng 01/2025 ước đạt 5,1 nghìn tỷ đồng, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu du lịch của khách trong nước và quốc tế tăng cao trong các kỳ nghỉ lễ, Tết của tháng Một.
Doanh thu dịch vụ khác tháng 01/2025 ước đạt 59,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước.
Điểm nổi bật trong việc cung ứng hàng hoá tháng 1 chính là việc chuẩn bị hàng Tết. Theo thông lệ hàng năm, hàng hóa chuẩn bị Tết Ất Tỵ năm nay tập trung chủ yếu vào một số mặt hàng thiết yếu như: gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, xăng dầu...
Nguồn cung hàng hoá được các địa phương và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chuẩn bị từ rất sớm, nguồn hàng đa dạng, phong phú đáp ứng nhu cầu người dân. Tình hình thời tiết dịp trước Tết khá thuận lợi nên nguồn cung các mặt hàng nông sản dồi dào, nguồn cung thịt lợn, gia súc, gia cầm ổn định, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, giá không có biến động lớn. Theo báo cáo của các địa phương, giá trị tổng lượng hàng dự trữ dự kiến cung ứng của các doanh nghiệp ước tăng khoảng 10-15% so với các tháng thường trong năm.
Đáng chú ý, để chuẩn bị nguồn hàng bình ổn cho thị trường Tết, các địa phương đã chủ động triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, tạo nguồn hàng phục vụ Tết nhất là giữa Hà Nội, TP Hồ Chí Minh với các địa phương. Thông qua các chương trình này, hàng nghìn đặc sản, sản phẩm OCOP đã được tiếp cận tới tay người tiêu dùng, vừa góp phần hỗ trợ các địa phương tiêu thụ sản phẩm, vừa giúp đưa đặc sản vùng miền đến với người tiêu dùng thành phố, nhất là các dịp Lễ, Tết, phù hợp với xu hướng tiêu dùng ngày càng ưu thích sử dụng các đặc sản vùng miền trong dịp Tết và làm quà biếu, tặng.
Báo cáo tình hình thị trường Tết của Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương cho thấy, sức mua đối với các nhóm hàng thực phẩm tươi sống bắt đầu tăng từ ngày 20 Tết (ngày 19/01/2025) để phục vụ lễ cúng ông Công, ông Táo và bắt đầu sôi động hơn từ ngày 26 Tết (bắt đầu kỷ nghỉ Tết sớm), nhu cầu mua sắm các mặt hàng thực phẩm công nghiệp như bánh, mứt, kẹo, rượu bia, nước giải khát... tăng cao. Đối với các mặt hàng thực phẩm tươi sống, nhu cầu tăng cao nhất trong hai ngày 28 và 29 Tết. So với cùng kỳ năm trước, sức mua năm nay tăng hơn năm trước.
Các chương trình hội chợ Xuân, hội chợ nông sản thực phẩm, phiên chợ Tết, chợ hoa... được tổ chức tại nhiều địa phương từ đầu tháng 01 năm 2025 nhằm kích cầu tiêu dùng của người dân. Các điểm bán hàng Tết thuộc hệ thống phân phối của các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường cũng được triển khai tại nhiều địa phương, nhất là tại các khu vực đông dân cư, tập trung nhiều lao động, các khu công nghiệp để người dân tiện mua sắm.
Doanh nghiệp bán lẻ thu lợi lớn sau mùa hàng Tết
Tại các siêu thị, trung tâm thương mại, nguồn hàng được chuẩn bị tăng lên 20-30% so với ngày thường. Lượng hàng dồi dào, mẫu mã đa dạng, giá cả ổn định cùng với nhiều chương trình khuyến mại được áp dụng nên đã thu hút rất nhiều người dân, nhất là tại các thành phố lớn đến mua sắm.
Nhìn chung, sức mua tăng cao dịp Tết đã giúp các doanh nghiệp bán lẻ thu được lợi nhuận tăng trưởng tốt. Thông tin từ Saigon Co.op cho biết, trong 8 tuần kinh doanh Tết, toàn hệ thống phân phối của Saigon Co.op đã đón tiếp hơn 100 triệu lượt khách đến tham quan và mua sắm với doanh số cán mức gần 7.000 tỷ đồng. Mùa kinh doanh Tết năm nay ghi nhận sự tăng trưởng của kênh mua sắm trực tuyến Co.op online, đạt 120% so với kế hoạch đặt ra.
Ông Nguyễn Anh Đức - Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết năm nay, nhu cầu giỏ quà Tết phục vụ cho người lao động, người dân có thu nhập thấp tăng cao so với nhiều năm. Do đó, giỏ quà Tết được Saigon Co.op phân phối ra thị trường thông qua 800 điểm bán trực tiếp và chương trình Gắn kết tình thân – Tết xa thêm gần trên kênh mua sắm trực tuyến, đã có mức doanh số vượt xa kỳ vọng, đạt 120%. Tết Ất Tỵ 2025, Saigon Co.op cũng tổ chức gần 200 chuyến bán hàng lưu động đưa hàng bình ổn giá đến phục vụ các khu công nghiệp - khu chế xuất và vùng sâu vùng xa.
Tại MM Mega Market, tình hình bán Tết của hệ thống này năm nay khả quan. Doanh số bán lẻ vượt trên 70 tỷ đồng (chỉ tính riêng nhóm khách hộ gia đình, và chưa tính doanh thu 3 ngày trước Tết). Trong đó nhóm hàng thực phẩm tươi sống vượt 50% so với năm ngoái.
Tại các chợ dân sinh, mặc dù hàng hóa cũng được cung ứng khá dồi dào đa dạng, lượng mua hàng vài ngày cận Tết cũng tăng mạnh so với ngày thường nhưng giá hàng hóa không có biến động bất thường. Nhìn chung, sức mua tổng thể của cả nước dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 ước tăng khoảng 10% so với tháng thường và tăng so với Tết năm trước. Bên cạnh đó, xu hướng mua sắm qua các sàn thương mại điện tử vẫn được nhiều người lựa chọn nhờ vào sự tiện lợi và nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn.
Nguồn
Comment (0)