Mỗi độ xuân sang, trời đất giao hòa, vạn vật sinh sôi, lòng người phơi phới, ấy là khi người ta rủ nhau khoác những tấm áo mới cùng trẩy hội du xuân. Giữa thời khắc linh thiêng ấy, để tận hưởng trọn vẹn sắc xuân đất trời thì không gì bằng vui hội đất Bắc.
Non nước chùa Hương
Đến hẹn lại lên, cứ tới mùng 6 tháng Giêng hằng năm, lễ hội chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) tưng bừng khai hội. Chùa Hương không những là thắng cảnh nổi tiếng mà còn là chuyến hành hương về miền đất Phật, nơi Bồ tát Quan Thế Âm ứng hiện tu hành, để dâng một nén hương thành kính.
Khởi hành từ bến Đục, những con thuyền đưa ta qua dòng suối Yến để đến với chùa Hương. Ngồi thuyền vãn cảnh nước non hữu tình, ngắm núi đá hùng vĩ soi bóng dòng sông hiền hòa… thật không còn gì bằng! Mùa này hoa gạo trổ bông rực rỡ, sắc đỏ điểm xuyết cho bức tranh sơn thủy say lòng người.
Trong không khí náo nức của ngày hội, dù ở chùa Thiên Trù hay động Hương Tích, nơi đâu cũng văng vẳng tiếng hát chèo đò. Các vãi có giọng hay vừa mô phỏng động tác chèo đò vừa hát những đoạn văn trên sáu dưới tám liên quan đến tích nhà Phật.
Linh thiêng hội xuân Yên Tử
Mỗi độ xuân về, hàng ngàn du khách đến đây dâng hương vãn cảnh. Trên đường lên chùa Đồng, bạn bắt gặp nhiều cụm kiến trúc chùa, bia, am, tháp… ẩn hiện giữa những con suối và cây rừng. Lên đến đỉnh núi cao 1.068m, bạn ngỡ mình đang đi giữa cõi tiên bồng bềnh mây trắng. Dù ở lứa tuổi nào, khi đứng giữa đất trời bao la mà thanh tịnh, bạn như tạm lánh thế giới phàm trần để hòa mình vào cõi Phật.
Tưng bừng Hội Lim
Hội Lim tổ chức từ 12 – 14 tháng Giêng Âm lịch, trên địa bàn huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh. Không biết từ bao giờ, Hội Lim chính là dịp người già tìm lại tuổi thanh xuân còn người trẻ tìm bạn, tìm duyên. Vào ngày 13/1 chính hội, hội Lim mở đầu bằng lễ rước của đoàn người mặc lễ phục cầu kì kéo dài cả cây số.
Về hội Lim, ta đắm chìm trong âm thanh, thơ ca và âm nhạc. Đặc sắc hơn cả là phần hát hội – nét đặc trưng nhất của hội Lim. Từ hát “mời trầu, gọi đò, con sáo sang sông, con nhện giăng mùng…”, bạn sẽ đắm say cùng những khúc hát dân gian mượt mà.
Nhưng say mê hơn cả vẫn là những làn điệu quan họ đã trở thành di sản văn hóa nhân loại. Những liền anh khăn xếp áo the, liền chị áo mớ ba mớ bảy, nón quai thao đến hẹn lại lên gặp nhau thân tình, tinh tế theo lề lối của người quan họ. Những làn điệu là sự hội tụ tuyệt vời của thơ ca – nhạc họa, bày tỏ tình yêu với đầy đủ cung bậc trong mối giao cảm giữa nam – nữ, con người – vạn vật.
Khai ấn đền Trần
Là một trong những lễ hội lớn dịp đầu xuân, lễ hội đền Trần luôn thu hút hàng vạn du khách bốn phương. Họ kiên nhẫn chờ đợi từ nửa đêm để được ban ấn thiêng. Xưa kia, tại đây vua Trần Thái Tông đã mở tiệc chiêu đãi và phong chức cho những quan quân có công đánh thắng giặc Nguyên Mông lần thứ nhất. Sau này, nhân dân đã xây dựng khu di tích đền Trần thờ 14 vị vua nhà Trần, cùng các quan văn – võ, đồng thời duy trì nghi thức khai ấn để tưởng nhớ công đức của các vua Trần, giáo dục con cháu truyền thống yêu nước.
Nghi lễ khai ấn cầu mong thiên hạ thái bình, năm mới mạnh khỏe, lao động hăng say, học tập và công tác tốt. Bốn chữ “Tích phúc vô cương” trên ấn Nhà Trần ban cho con cháu chính là dạy cho bách gia trăm họ phải biết giữ gìn phẩm chất đạo đức, tích phúc đức để được hưởng lộc. Đó là ý nghĩa giáo dục sâu sắc nhất của việc ban ấn. Qua nhiều năm, lễ khai ấn vẫn được người dân duy trì và trở thành nét văn hóa đẹp trong những ngày đầu năm.
Hào hùng Côn Sơn – Kiếp Bạc
Trong tiết xuân nắng đẹp, một trong những điểm đến lý tưởng cho chuyến du xuân đất Bắc bạn không nên bỏ qua là Côn Sơn – Kiếp Bạc. Ở đây, có núi Kỳ Lân và Ngũ Nhạc với rừng thông bát ngát, suối chảy rì rầm, nước hồ trong mát. Người ta tìm đến Côn Sơn như tìm về cõi thiền giữa thiên nhiên thanh khiết. Trong khi đó, Kiếp Bạc là thung lũng trù phú, xung quanh có dãy núi Rồng bao phủ vừa kín đáo, vừa thơ mộng.
Từ Tết Đinh Dậu, Côn Sơn có thêm một số công trình kiến trúc đặc sắc. Nổi bật là tòa Cửu phẩm liên hoa uy nghi phía sau chùa Côn Sơn. Bên trong là tháp Cửu phẩm liên hoa hình bát giác cao 7,9 m với 9 tầng chạm cánh sen, gắn 216 pho tượng Phật A Di Đà, Quan Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát.
Ngoài việc vãn cảnh, đừng quên tham gia những nghi lễ truyền thống: Lễ khai hội, Lễ Liên Hoa Hội Thượng, Lễ tế trên núi Ngũ Nhạc, Lễ rước nước, Lễ giỗ Đệ Tam tổ Trúc Lâm, Lễ Mông Sơn thí thực… Ngoài ra, các trò chơi dân gian độc đáo: hội thi gói bánh chưng, giã bánh dày, liên hoan pháo đất, thi đấu vật dân tộc… cũng rất thu hút.
(Ảnh: Internet)
Nguồn: https://www.vietravel.com/vn/non-nuoc-viet-nam/ru-nhau-du-xuan-kinh-bac-v12175.aspx