Hội nghị Phát triển thị trường chứng khoán năm 2024 đang được khẩn trương chuẩn bị, dự kiến có sự tham gia của đầy đủ các bên, được kỳ vọng giúp tìm kiếm giải pháp cho mục tiêu nâng hạng được đề ra nhiều năm nay.
Nghi thức đánh cồng khai trương giao dịch đầu Xuân Giáp Thìn được thực hiện tại HoSE sáng 19/2. Ảnh: Lê Toàn |
Rốt ráo ngay từ đầu năm
Tại Lễ đánh cồng khai trương giao dịch đầu Xuân Giáp Thìn đầu tuần qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, đang khẩn trương chuẩn bị để tổ chức Hội nghị Phát triển thị trường chứng khoán năm 2024. Bên cạnh sự tham dự và phát biểu chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Hội nghị cũng có sự góp mặt và chia sẻ ý kiến của đại diện các bộ, ngành, định chế tài chính quốc tế, cùng doanh nghiệp niêm yết và các thành viên thị trường.
Một hội nghị với sự góp mặt đầy đủ các bên là điều cần thiết cho mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán mà Việt Nam đã theo đuổi nhiều năm nhưng chưa đạt được. FTSE (tổ chức lớn về xếp hạng thị trường chứng khoán) đã đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi kể từ tháng 9/2018 và duy trì trong danh sách chờ để xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp trong năm 2024. Trong khi đó, đối với MSCI – một tổ chức về xếp hạng thị trường có các tiêu chí khắt khe, cứng rắn hơn, Việt Nam vẫn chưa được đưa vào danh sách xem xét nâng hạng.
Mục tiêu nâng hạng vốn đã được nêu rõ tại Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 11/7/2022 của Chính phủ và đưa vào Chiến lược Phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030. Gần nhất, tại Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 15/2/2024 về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Bộ Tài chính được giao chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xử lý nhanh các vướng mắc thuộc lĩnh vực phụ trách để đáp ứng tiêu chí nâng hạng thị trường từ cận biên lên thị trường mới nổi.
Từ chỉ thị ngay những ngày đầu xuân, các giải pháp cho mục tiêu nâng hạng đã được vạch ra cho năm mới. Việc nâng hạng thị trường phụ thuộc vào sự đánh giá khách quan của các tổ chức xếp hạng quốc tế thông qua trải nghiệm thực tế của các nhà đầu tư nước ngoài. Sự xuất hiện của các định chế tài chính quốc tế tại Hội nghị trên để họ chia mong muốn và các ý kiến cũng nhằm đáp ứng các tiêu chí nâng hạng, mà xa hơn là mục tiêu kết nối dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài.
Trước đó, những bước đi tích cực trong năm 2023 về việc lắng nghe ý kiến từ định chế tài chính quốc tế đã được ghi nhận. Tại báo cáo phân loại thị trường định kỳ mỗi nửa năm công bố gần nhất vào tháng 9, FTSE đánh giá cao, thậm chí đưa ra nhận xét khá tích cực về một “luồng năng lượng tươi mới” trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp nâng hạng.
Cần sự chung tay của các bên
Theo chuyên gia phân tích từ Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), FTSE đang đánh giá 2 tiêu chí còn hạn chế gồm “Chu kỳ thanh toán (DvP)” và “Thanh toán – các chi phí liên quan đến giao dịch thất bại”. Do việc kiểm tra có sẵn tiền trước khi thực hiện giao dịch để đảm bảo an toàn là thông lệ tại Việt Nam, thị trường sẽ không có các giao dịch thất bại. Vì vậy, tiêu chí “Thanh toán – các chi phí liên quan đến giao dịch thất bại” không được đánh giá.
Hoàn thành chuyển đổi sang cơ chế thanh toán mới DvP dựa trên cơ chế bù trừ trung tâm CCP và hệ thống KRX sẽ là giải pháp căn cơ để được FTSE xem xét nâng hạng thị trường Việt Nam lên nhóm thị trường mới nổi thứ cấp một cách sớm nhất. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang tìm kiếm giải pháp để gỡ bỏ yêu cầu cần ký quỹ trước khi giao dịch (pre-funding) bên cạnh sớm đưa vào vận hành hệ thống giao dịch KRX.
Về vấn đề ký quỹ, việc áp dụng mô hình đối tác bù trừ trung tâm CCP với sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước, trong đó ngân hàng lưu ký phải là thành viên bù trừ sẽ là phương án tối ưu để xử lý vướng mắc pre-funding. Vai trò của Ngân hàng Nhà nước rất quan trọng trong việc triển khai CCP, cũng như mức độ linh hoạt trong việc điều hành chính sách tỷ giá.
Thực tế, mô hình trên đã được quy định tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP với định hướng dự kiến triển khai 3 năm kể từ ngày Nghị định có hiệu lực thi hành. Không kịp hoàn thành trước hạn chót, Nghị định trên đang phải sửa đổi để nới thời gian từ 3 năm lên 5 năm.
Còn về tiêu chí tỷ lệ sở hữu nước ngoài, sẽ cần thay đổi các quy định đối với từng ngành nghề, danh mục hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài đang được quy định tại Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán.
Ngoài ra, chuyên gia phân tích từ BSC cũng nhấn mạnh việc nghiên cứu và thí điểm áp dụng chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) – sản phẩm mà thị trường chứng khoán Thái Lan đã triển khai khá thành công. Điều này cũng cần có cơ chế phù hợp với quy định tại Luật Doanh nghiệp.
Hội nghị với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành nêu trên được kỳ vọng tháo gỡ được vấn đề thuộc thẩm quyền của nhiều cơ quan liên quan. Ngoài ra, việc nâng hạng phụ thuộc lớn vào sự trải nghiệm thực tế của nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam.
Do đó, trong chia sẻ mới đây, bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng nhấn mạnh vai trò của sự chung sức giữa các thành viên thị trường trong cung cấp dịch vụ, các công ty niêm yết, đặc biệt là các tổ chức niêm yết lớn trong vấn đề công bố thông tin minh bạch, công bố thông tin bằng tiếng Anh, quản trị công ty theo thông lệ tốt…
Hai trong các điểm cần được cải thiện mà MSCI chỉ ra, đó là ngoài quy trình đăng ký mở tài khoản cho nhà đầu tư nước ngoài, còn là việc công bố thông tin về quy định pháp luật, doanh nghiệp bằng tiếng Anh để nhà đầu tư nước ngoài có thể tiếp cận và nắm bắt kịp thời – công bằng như nhà đầu tư trong nước. Nếu cải thiện được những điểm này, việc được MSCI đưa vào danh sách theo dõi cũng sẽ là một dấu mốc quan trọng đối với thị trường chứng khoán Việt Nam kể từ khi đi vào hoạt động.