Là thành viên của 2 hiệp định thương mại tự do, Việt Nam và Chile có nhiều cơ hội tăng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá, trong đó có mặt hàng giày dép.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, 9 tháng năm 2024, Việt Nam xuất khẩu trên 103 triệu USD giá trị mặt hàng giày dép sang thị trường Chile. Dù không thuộc top 5 thị trường xuất khẩu giày dép lớn của Việt Nam sang thị trường khối Hiệp định Đối tác Toàn diện Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhưng vị trí thứ 6 cũng khiến Chile là thị trường đầy tiềm năng của da giày Việt Nam.
Trong CPTPP, đối với mặt hàng giày dép, Chile cam kết lộ trình xóa bỏ thuế quan dài nhất là 4 năm (danh mục B4). Tuy nhiên, ngoài CPTPP, Việt Nam còn ký với Chile Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Chile (VCFTA), có hiệu lực từ năm 2014. Vì vậy, các mặt hàng giày dép xuất khẩu từ Việt Nam sang Chile đã được xóa bỏ thuế quan hoàn toàn vào năm thứ 5 kể từ khi VCFTA có hiệu lực (nghĩa là vào năm 2019).
‘Rộng cửa’ xuất khẩu giày dép sang Chile. Ảnh: Gia Định |
Tại thị trường Chile, dù mặt hàng giày dép của Việt Nam có nhiều lợi thế cho xuất khẩu, tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải đối mặt với những rào cản phi thuế quan như yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm và quy định về nhãn mác.
Hơn nữa, Chile là một thị trường mở cửa, Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất muốn xuất khẩu vào đây. Các quốc gia khác có mối quan hệ thương mại tốt với Chile là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam. Chile có thói quen tiêu dùng khác so với thị trường Việt Nam nên việc nắm bắt xu hướng tiêu dùng và thị hiếu khách hàng là một thách thức với doanh nghiệp.
Để đẩy mạnh xuất khẩu sang Chile, Bộ Công Thương lưu ý doanh nghiệp nên chủ động nghiên cứu kỹ về thị trường để hiểu rõ nhu cầu và xu hướng tiêu dùng, cũng như cập nhật chính sách kinh tế – thương mại – đầu tư của Chile thông qua các cơ quan, đơn vị hỗ trợ của nhà nước như Bộ Công Thương, Đại sứ quán Việt Nam tại Chile, Đại sứ quán Chile tại Việt Nam…
Cùng đó, tích cực tham gia xúc tiến thương mại – đầu tư, kết nối giao thương với đối tác Chile để tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh; chú ý tiêu chuẩn chất lượng, yêu cầu an toàn thực phẩm và chứng nhận xuất xứ của Chile. Đặc biệt, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý xuất khẩu và logistics để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả và đảm bảo giao hàng đúng hẹn. Ngoài ra, chú trọng đến chiến lược marketing, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm qua kênh truyền thông và sự kiện quốc tế để gia tăng sự hiện diện của sản phẩm Việt Nam tại Chile.
Mặt khác, doanh nghiệp cần hiểu rõ về VCFTA và CPTPP để tận dụng cơ hội và ưu đãi từ hiệp định, cũng như nắm vững quy định về xuất khẩu, nhất là rào cản thương mại, thuế quan, thủ tục hải quan tại Chile để giảm thiểu chi phí phát sinh và tránh sự cố không mong muốn trong quá trình xuất khẩu. Mặt khác, chú trọng yếu tố phát triển bền vững bởi đây là xu hướng quan trọng trong các thị trường quốc tế, bao gồm Chile.
Nguồn: https://congthuong.vn/rong-cua-xuat-khau-giay-dep-sang-thi-truong-chile-357795.html