(BGĐT) – Con đường học tập của học sinh sau khi hoàn thành chương trình THCS, THPT ngày càng rộng mở. Hình thức tuyển sinh, mô hình đào tạo đa dạng với nhiều mức chi phí khác nhau giúp học sinh có cơ hội chọn trường, ngành nghề phù hợp với năng lực và điều kiện kinh tế của gia đình.
Đa dạng mô hình đào tạo
Toàn tỉnh hiện có 63 trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên, trường cao đẳng. Kết thúc kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2023-2024, toàn tỉnh có hơn 16 nghìn thí sinh trúng tuyển, hơn 3 nghìn em còn lại chuyển hướng sang học trường tư thục hoặc cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Nhờ làm tốt công tác tư vấn, phân luồng nên có hơn 6 nghìn học sinh lớp 9 không có nguyện vọng thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT mà lựa chọn mô hình học tập khác.
Bộ phận tuyển sinh của Hệ thống Phổ thông cao đẳng FPT tư vấn tuyển sinh lớp 10 năm học 2023-2024. |
Từ tháng 6 đến nay là thời gian cao điểm các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường THPT ngoài công lập mở cửa tuyển sinh. Chị Vũ Lan Hường, cán bộ tuyển sinh của Hệ thống Phổ thông cao đẳng FPT cho biết: “Hiện đơn vị đã tiếp nhận hồ sơ đăng ký của 150 học sinh trong tỉnh Bắc Giang, đạt 50% chỉ tiêu kế hoạch. Nhà trường mở cửa tiếp nhận hồ sơ đăng ký học đến hết tháng 7 để tháng 8 khai giảng năm học 2023-2024”.
Hình thức xét tuyển bằng học bạ lớp 9 kết hợp với kiểm tra đánh giá năng lực. Với mô hình giáo dục liên cấp phổ thông cao đẳng hiện đại, trong 3 năm học, các em được trang bị kiến thức văn hóa với các môn cơ bản (Toán, Ngữ văn, Lịch sử +1 môn học tự chọn) kết hợp với trải nghiệm thực tế, giáo dục nghề nghiệp, kỹ năng sống và học chuyên ngành.
Bên cạnh đó, các trường THPT ngoài công lập như: Nguyên Hồng (TP Bắc Giang), Đồi Ngô (Lục Nam), Nguyễn Bỉnh Khiêm (Việt Yên), các trường cao đẳng nghề trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận từ 220-300 hồ sơ đăng ký với hình thức xét tuyển bằng học bạ.
Năm học 2023- 2024, Trường Cao đẳng Công nghệ Việt – Hàn Bắc Giang được giao tuyển 700 chỉ tiêu giáo dục THPT kết hợp với trung cấp nghề và 700 chỉ tiêu hệ cao đẳng. Đối với hệ trung cấp, từ tháng 6, trường tiếp nhận hồ sơ xét tuyển gồm kết quả học tập năm lớp 9 và bằng tốt nghiệp THCS. Phương thức xét tuyển lấy điểm từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu tuyển sinh.
Những năm gần đây, do số hồ sơ đăng ký ngày một đông nên chất lượng tuyển sinh đầu vào của nhà trường cao hơn năm trước. Hiện số hồ sơ đăng ký dự tuyển đã vượt chỉ tiêu được giao. Nhiều học sinh có điểm trúng tuyển bình quân các môn văn hóa đạt 6,5-7 điểm/môn. Em Nguyễn Hoàng Anh, xã Kiên Thành (Lục Ngạn) mới nộp hồ sơ cho biết: “Qua tìm hiểu, em quyết định chọn học văn hóa và học nghề để được miễn phí học nghề, giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình”.
Cân nhắc năng lực và điều kiện gia đình
Những năm gần đây, nhiều trường đại học, học viện đổi mới phương thức tuyển sinh bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ hoặc tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực. Vì thế, trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, nhiều học sinh lớp 12 đã nhận tin vui có kết quả trúng tuyển, giảm đáng kể áp lực cho thí sinh khi chỉ cần đạt mục tiêu điểm bình quân các môn trên 5 điểm, không có môn bị liệt (từ 1 trở xuống) là đỗ tốt nghiệp.
Em Nguyễn Thị Minh Ngọc, ở phường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang) cho biết, từ tháng 5, em đủ điều kiện trúng tuyển vào Học viện Ngoại giao bằng bài thi kiểm tra năng lực. Đây là trường Minh Ngọc ước mơ nên ba năm học THPT em luôn cố gắng học tập, trau dồi kiến thức, đồng thời tham gia các câu lạc bộ phát triển kỹ năng để đáp ứng các tiêu chí.
Thị trường lao động luôn cần nguồn nhân lực đa dạng với nhiều ngành nghề cũng như các trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp hay sơ cấp. Mỗi học sinh cần dựa trên năng lực, sở trường, điều kiện bản thân và gia đình để lựa chọn con đường học tập phù hợp nhất. |
Để việc học tập phù hợp với nhu cầu và điều kiện của các gia đình, hầu hết các trường thông báo chỉ tiêu, kế hoạch đào tạo, mức phí học tập để người học tham khảo.
Đối với các trường THPT ngoài công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, chương trình đào tạo, kế hoạch giảng dạy được Sở Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan chuyên môn thẩm định, các khoản đóng góp thực hiện theo quy định của HĐND tỉnh.
Còn tại Hệ thống Phổ thông cao đẳng FPT Bắc Giang, học phí giai đoạn trung cấp là 13 triệu đồng/học kỳ; giai đoạn cao đẳng từ gần 10 triệu đồng đến 12,4 triệu đồng/học kỳ.
Theo ông Ngô Quốc Đường, Trưởng Phòng Giáo dục Trung học – Giáo dục thường xuyên (Sở Giáo dục và Đào tạo), mỗi mô hình đào tạo có hình thức, thời gian đào tạo và kinh phí đóng góp khác nhau. Người học cần xuất phát từ nguyện vọng, năng lực bản thân, nhu cầu thị trường lao động và điều kiện kinh tế của gia đình để đưa ra quyết định phù hợp.
Thị trường lao động luôn cần nguồn nhân lực đa dạng với nhiều ngành nghề cũng như các trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp hay sơ cấp. Mỗi học sinh cần dựa trên năng lực, sở trường, điều kiện bản thân và gia đình để lựa chọn con đường học tập phù hợp nhất. Đợt xét tuyển vào các trường THPT, cao đẳng, đại học chưa kết thúc. Các cơ sở giáo dục vẫn đang mở rộng cửa, đẩy mạnh truyền thông, tư vấn, giới thiệu chính sách ưu đãi thu hút học sinh tham gia học tập trên tinh thần tự nguyện.
Bài, ảnh: Hải Vân
Chọn nghề, chọn trường
(BGĐT)- Theo kế hoạch, ngày 18/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi tốt nghiệp THPT, căn cứ kết quả, thí sinh tiếp tục đăng ký, điều chỉnh và bổ sung nguyện vọng xét tuyển đại học năm 2023 cho đến 17 giờ ngày 30/7 trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung. Trong thời khắc quan trọng phải đưa ra quyết định với mức điểm như vậy, nên chọn trường, ngành nào để chắc đỗ theo đúng nguyện vọng cao hơn là điều mà thí sinh cũng như phụ huynh đặc biệt quan tâm.
Bắc Giang, học sinh, kỳ thi tuyển sinh, mô hình đào tạo, chọn trường, chọn nghề, đại học, ngành nghề phù hợp, nguồn nhân lực,Thị trường lao động, trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên, trường cao đẳng