14:43, 12/06/2023
BHG – Từ chỗ để cây mận phát triển tự nhiên, nông dân huyện Quản Bạ đã từng bước thay đổi phương pháp canh tác, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, nâng cao chất lượng và giá trị quả mận, góp phần tăng thu nhập cho người trồng. Một số gia đình đã kết hợp trồng mận với phát triển du lịch, cho du khách tham quan vườn mận và thưởng thức quả mận do chính tay mình hái tại vườn.
Vườn mận của hộ dân Lý Tà Lành, thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ vào vụ thu hoạch. |
Thời điểm này, mùa mận chín đang rộn ràng trên khắp các đồi, nương ở huyện Quản Bạ, người dân trồng mậntất bật bước vào vụ thu hoạch. Thực hiện đề án phát triển cây ăn quả ôn đới theo tiềm năng thế mạnh của huyện, hiện nay Quản Bạ có trên 46 ha mận, tập trung ở các xã Quản Bạ, Thái An, Nghĩa Thuận. Đến thăm vườn mận nhà ông Lý Tà Lành, thôn Nặm Đăm được ông Lành chia sẻ: “Gia đình tôi trồng mận từ lâu lắm rồi, từ đời cha ông để lại, cách đây hơn chục năm gia đình bắt đầu phát triển mận bằng cách tự nhân giống, triết cành tại vườn nhà. Đến nay, gia đình có hơn 300 cây mận, mỗi năm cho thu nhập hơn 30 triệu đồng. Cách đây vài năm, gia đình tôi xây dựng homestay cho khách du lịch ở và cũng phát triển mô hình cho khách tham quan vườn mận, chế biến các món ăn, đồ uống từ mận. Rất nhiều du khách thích thú khi được thưởng thức các món ăn, đồ uống đó”. Anh Nguyễn Văn Bình đến từ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, đây là lần đầu tiên tôi được tận tay hái và thưởng thức quả mận tươi tại vườn nên cảm thấy rất thích thú và mới mẻ. Cây mận được trồng tại vườn nhà dân, không phun thuốc trừ sâu nên tôi cũng cảm thấy yên tâm hơn khi ăn trái mận.
Cũng giống hộ ông Lành, ông Lý Đại Thông là một trong những hộ tiên phong phát triển cây mận trong thôn, gia đình ông đã chuyển hơn 1 ha đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng mận Tam hoa và các giống mận khác từ năm 2017. Những năm qua, cây mận phát triển tốt, cho năng suất cao, trung bình khoảng 10 tấn quả mỗi năm. Ông Thông cho biết: “Do được đầu tư thâm canh chăm sóc nên quả mận to, đều, mẫu mã đẹp, bán được giá. Mấy năm gần đây cây mận phát triển mạnh, Nặm Đăm dần được biết đến là nơi có diện tích mận lớn của huyện, được nhiều thương lái đến mua, tạo thuận lợi cho người trồng mận”. Đặc điểm của mận Tam hoa Nặm Đăm là khi xanh rất giòn, có vị chua nhưng không gắt, khi chín thì mọng nước, có vị chua ngọt vừa phải nên được nhiều người ưa thích. Thông thường, mận sẽ được thương lái đến thu mua tại vườn, sau đó vận chuyển đi tiêu thụ tại chợ huyện và một số huyện khác.
Thời điểm đầu vụ, mận được thương lái thu mua với giá dao động từ 20 đến 30 nghìn đồng/kg. Hiện nay, bước vào chính vụ, sản lượng lớn nên thu mua tại vườn với giá từ 6 đến 10 nghìn đồng/kg và bán lẻ với giá từ 15 đến 20 nghìn đồng/kg. Từ trồng mận, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện có thu nhập ổn định từ 20 đến 30 triệu đồng/vụ.
Để nâng cao giá trị cho quả mận, thời gian qua, chính quyền địa phương đã hỗ trợ, khuyến khích người dân thay đổi tư duy trong canh tác. Bà con đã quan tâm chăm sóc cây mận, thường xuyên đốn tỉa, tạo tán và bón phân theo từng chu kỳ. Nhờ vậy, mận cho chất lượng ngon, kích thước to đều. Cây mận đang trở thành một trong những cây trồng chủ lực tại huyện Quản Bạ, giúp người nông dân thoát nghèo, làm giàu trên mảnh đất quê hương. Huyện Quản Bạ định hướng tiếp tục phát triển cây mận gắn với du lịch, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao để cây mận phát triển tốt hơn, an toàn hơn, tiêu thụ tốt hơn để người dân yên tâm gắn bó với cây mận.
Bài, ảnh: LÊ HẢI