(QNO) – Tết Đoan ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch) tồn tại từ lâu trong văn hóa dân gian phương Đông và có ảnh hưởng đến sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người Việt. Tùy phong tục, tập quán, Tết Đoan ngọ trở thành nét văn hóa vùng miền rất riêng.
Tại chợ Trung Phước (thị trấn Trung Phước, Nông Sơn), từ sáng mùng 4 tháng 5 âm lịch đã đông kín lối chen chân. Các bà, các chị người mua kẻ bán với nhiều sản phẩm nhà làm chất lượng, bắt mắt đã tô đẹp thêm phiên chợ Tết Đoan ngọ.
Rất nhiều nhu yếu phẩm phục vụ ngày Tết Đoan ngọ, ngoài các loại bánh được bày bán mang đậm truyền thống người Việt như bánh in, bánh thuẫn, bánh tổ, bánh chưng… thì bánh ú tro truyền thống trở thành đặc sản, được ưa chuộng và thu hút người mua nhiều nhất tại phiên chợ mùng 5.
Để chuẩn bị cho việc xuất bán bánh ú tro, trước đó hơn một tuần, các hộ gia đình đã lên núi bứt lá. Lá để gói bánh ú tro là lá đót – một loại lá ở rừng, khi gói bánh có mùi thơm đặc trưng, tùy vào sở thích mỗi người mà người gói cho ra lò bánh có màu xanh và bánh có màu vàng. Bánh màu vàng thường hái lá sớm hơn, để lâu hơn. Lá được cắt gọn vừa khuôn khổ rửa sạch, trụng để ráo.
Bà Nguyễn Thị Ngọc (thị trấn Trung Phước) năm nay đã ngoài 70 tuổi và có thâm niên gói bánh ú tro hơn 40 năm. Hễ tới mùng 1 tháng 5 âm lịch trở đi là gia đình bà làm bánh để bán.
Theo bà Ngọc, bánh ú tro công đoạn nào cũng quan trọng, từ khâu chẻ lạt phải mỏng và đều, chọn lá đẹp, không sâu bệnh rửa sạch, cho tới nếp phải chọn loại nếp mới dẻo và thơm. Tuy nhiên, khâu lấy nước tro, ủ nếp vẫn là quan trọng nhất và quyết định đến chất lượng chiếc bánh.
Bà Ngô Thị Liên (người địa phương) cho biết, gia đình bà gói và bán hơn 15 nghìn bánh các loại dịp này, trong đó gần hơn 12 nghìn bánh ú tro. Ngoài bánh ú tro truyền thống, bà đã cải tiến làm bánh ú tro có nhân, được người tiêu dùng ưu chuộng vì được khám phá hương vị mới. Bánh ú tro rất được ưa chuộng vào dịp Tết Đoan ngọ nên làm ra bao nhiêu bán cũng hết.
Thương lái Nguyễn Thị Thu Thủy (xã Phước Ninh, Nông Sơn) cho biết, từ mùng 1 đến mùng 5, chị ship bánh đi các nơi như Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh hay các địa phương trong tỉnh như Quế Sơn, Tam Kỳ, Đại Lộc, Duy Xuyên, mỗi ngày hơn 10 nghìn bánh.
Theo chị Thủy, dường như đã thành thói quen, cứ đến những ngày này thì bạn hàng khắp nơi đặt hàng, thường là khách quen, nhờ bánh ngon, đảm bảo chất lượng nên được tin dùng. Với người mua, ai ai cũng tranh thủ đi chợ từ sớm để chọn mua những món đồ thật ưng ý nhất, chỉn chu nhất để bày mâm lễ gia tiên.
Chị Nguyễn Thị Vĩnh (người địa phương) cho biết: “Lệ thường, mỗi năm dịp mùng 5 tháng 5 là tôi sắp xếp đi chợ thật sớm. Ngoài sắm mâm lễ gia tiên thắp hương ông bà, tôi còn sắm vài ba món mặn chuẩn bị mâm cổ đón khách là anh chị em, bà con đến thăm chơi như ngày tết”.
Chợ Tết Đoan ngọ ở Nông Sơn luôn tấp nập, xôn xao người mua kẻ bán khiến cho không khí thêm rộn ràng, trở thành một nét đẹp văn hóa, truyền thống vùng trung du này.
[VIDEO] – Công đoạn làm bánh ú tro: