Làng mạc nhiều đời đã quen thuộc với hình ảnh cây rơm góc sân mỗi nhà. To là cây rơm, nhỏ là đống rơm, là nơi chất những phần còn lại từ cây lúa sau khi đã gặt ngoài đồng để làm dự trữ chất đốt, vật liệu lót ổ hay làm thức ăn gia súc cho đến vật liệu dùng để xây nhà.
Cây rơm với dáng lùm lùm, mái tròn như tán nấm, mỗi vụ lúa lại được làm mới, chẳng những là nguồn nguyên liệu tại gia đa năng mà còn thân thương chở che hồn vía ngôi nhà.
Từ thuở nhỏ, trẻ em mẫu giáo đã thuộc bài hát “Một sơm rơm vàng là hai sợi vàng rơm, bà bện chổi to bà làm chổi nhỏ…” (Bé quét nhà – Hà Đức Hậu). Sợi rơm vàng làm được nhiều việc, có mặt trong lao động thường nhật, từ bện chổi lúa quét nhà đến làm dây lạt buộc các gói đồ ăn.
Nhưng vào những năm tháng khó khăn, rơm chính là nguyên liệu để giữ ấm cho con nhà nghèo, làm nên hơi ấm ổ rơm, thành nơi chứng kiến những vui buồn tuổi nhỏ: “Cỗ bài tam cúc mép cong cong. Rút trộm rơm nhà đi trải ổ…
Ổ rơm thơm đọng tuổi đương thì” (Cây tam cúc – Hoàng Cầm), cho đến ký ức của người lính về tình quân dân: “Rơm vàng bọc tôi như kén bọc tằm. Tôi thao thức trong hương mật ong của ruộng” (Hơi ấm ổ rơm – Nguyễn Duy). Bấy nhiêu câu thơ đã ấp ủ vẻ đẹp của rơm rạ trong đời sống Việt.
Cây rơm là sân chơi của tuổi nhỏ, là chốn hẹn hò của trai gái, cũng là vật liệu đại diện cho sức chịu đựng của người Việt thời chiến tranh. Để tránh mảnh bom từ những đợt không kích của không quân Mỹ, người dân đã bện những chiếc mũ rơm và cả áo tơi bằng rơm để trẻ em đội trên đường đi học.
Vật liệu thô sơ làm nên những mái rạ, tường vách bùn trộn rơm hay trần vôi rơm ở các biệt thự ở Hà Nội thời Pháp thuộc. Dường như chẳng thiếu thứ gì trong không gian sinh hoạt của người Việt lại thiếu sự góp sức của rơm. Từ nguồn nguyên liệu giữ ấm cho gia súc vào mùa đông giá rét ở miền Bắc đến nguồn phân bón hữu cơ tại chỗ cho ruộng vườn, dường như người nông dân trông cả vào cây rơm. Cây rơm cũng thể hiện sự ấm no, sung túc, bởi lẽ có được mùa thì phần rơm thu được mới nhiều để vun thành cây to.