Ngày 9.10, bác sĩ Lê Thảo Hiền (Khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM) cho biết, việc thực hiện những can thiệp thẩm mỹ càng nhiều sẽ dẫn đến tình trạng gia tăng sự không hài lòng của khách hàng. Do những thất bại của thủ thuật, một số lượng lớn bệnh nhân luôn buồn rầu, mặc cảm với ngoại hình của bản thân, mặc dù khuyết điểm không đáng kể. Khi đó, dù đã được thực hiện những chỉ định thẩm mỹ có hiệu quả, họ cũng sẽ không nhận thấy điều này và dẫn đến kiện tụng
Sự không hài lòng với ngoại hình và sự tự hoàn thiện bản thân thông qua các thủ thuật thẩm mỹ có thể liên quan đến sự tự tôn, mong muốn được xã hội chấp thuận, được theo đuổi các xu hướng làm đẹp. Trong đó, ba rối loạn tâm thần thường gặp ở bệnh nhân thẩm mỹ da là rối loạn mặc cảm ngoại hình, rối loạn nhân cách ái kỷ và rối loạn nhân cách kịch tính.
Rối loạn mặc cảm ngoại hình
“Rối loạn mặc cảm ngoại hình là một dạng “rối loạn dạng cơ thể” theo cẩm nang Chẩn đoán và thống kê rối loạn tâm thần. Họ thường bận tâm về một điều tưởng tượng hoặc khiếm khuyết quá mức về ngoại hình. Tần suất này trong dân số chung chiếm khoảng 2-15%”, bác sĩ Hiền chia sẻ.
Theo đó, người bệnh thường lo ngại khuyết điểm nhỏ hoặc không tồn tại. Ví dụ mô tả về bản thân “trông không hấp dẫn”, “bị biến dạng”, “gớm ghiếc”, “như một con quái vật”. Họ thường cảm thấy sợ hãi bị hắt hủi và cảm giác lòng tự trọng bị tổn thương, xấu hổ, mặc cảm, cảm thấy vô dụng và đáng ghét. Ánh nhìn không còn tinh anh. Hoang tưởng khi nghĩ rằng người khác đang nhìn chằm chằm, chế nhạo những khuyết điểm của mình
Lặp lại hành vi bao gồm soi gương, so sánh với người khác, chải chuốt, ngụy trang (như đội nón, mặc quần áo, trang điểm), thay đồ, ăn uống kiêng khem.
Suy giảm chức năng xã hội, ít hoặc không có bạn bè, tránh hẹn hò và các tương tác xã hội khác, suy yếu chức năng học tập, nghề nghiệp.
Rối loạn nhân cách ái kỷ
Bác sĩ Hiền cho biết rối loạn nhân cách ái kỷ là một dạng rối loạn tâm thần gặp phải ở 25% bệnh nhân thẩm mỹ da. Trong đó, có 15-20% bệnh nhân là nam giới. Rối loạn nhân cách ái kỷ xuất hiện ở tuổi vị thành niên hoặc đầu tuổi trưởng thành.
“Người bệnh thường gặp các vấn đề về nhận dạng bản thân, sự tự nhận thức về bản thân không rõ ràng, sự không nhất quán về các giá trị, mục tiêu, và ngoại hình. Tự cho mình là trung tâm, phóng đại sự tự nhận thức về bản thân, thiếu đồng cảm với người khác và bị thúc đẩy bởi lòng tự trọng của bản thân”, bác sĩ Hiền phân tích.
Họ thường bận tâm với những tưởng tượng về thành tựu to lớn vì trí tuệ hay vẻ đẹp của họ, về uy tín và ảnh hưởng. Họ cảm thấy họ chỉ nên liên kết với những người đặc biệt và tài năng
Tuy nhiên, họ thường không nhận ra họ có vấn đề, gây khó hiểu và thất vọng tới người xung quanh (bao gồm cả bác sĩ lâm sàng).
Rối loạn nhân cách kịch tính
“Đặc trưng của dạng rối loạn này là sự tìm kiếm sự chú ý quá mức và hình thái phổ biến của cảm xúc thể hiện một cách thái quá, bao gồm sự khao khát được chấp nhận và các hành vi quyến rũ không thích hợp. Dạng rối loạn tâm thần này chiếm 2-3% dân số và 9,7% bệnh nhân phẫu thuật thẩm mỹ”, bác sĩ Hiền cho hay.
Việc nhận ra một người bị rối loạn nhân cách kịch tính có thể rất khó vì họ thường là người có trí tuệ cao, học tập và làm việc tốt. Họ thường có những kỳ vọng không thực tế khi nói đến bản thân và kết quả của các thủ thuật thẩm mỹ, họ không bao giờ hài lòng với kết quả điều trị.
“Việc phát hiện và xác định rối loạn tâm thần ở bệnh nhân thẩm mỹ da giúp bác sĩ đưa ra quyết định xem bệnh nhân có muốn thực hiện thủ thuật, từ chối thực hiện, chuyển khoa Tâm thần”, bác sĩ Hiền chia sẻ.