Tính đến ngày 14-2, chính quyền Tokyo thông báo có 10.334 ca nhiễm chủng Omicron. Tỉ lệ dương tính mới trung bình đã giảm trong 5 ngày liên tiếp kể từ ngày 9-2. Trong khi đó, số ca nhiễm nặng lại tiếp tục tăng, từ 51 bệnh nhân ngày 8-2 lên 65 bệnh nhân ngày 13-2. Con số này gấp gần 3 lần so với 2 tuần trước và gấp 5 lần so với 3 tuần trước đó.
Trong khi đó, khả năng quản lý khủng hoảng của nội các Thủ tướng Kishida Fumio đang phải đối mặt với sự chỉ trích không nhỏ từ dư luận. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản vẫn rất thận trọng về việc đẩy nhanh thời gian tiêm chủng.
Bà Horiuchi Noriko, Bộ trưởng phụ trách vắc-xin Nhật Bản, đang gấp rút củng cố hệ thống y tế để có thể tiến hành việc tiêm chủng mũi thứ 3 một cách nhanh nhất có thể. Bà phát biểu trước công chúng: “Chúng tôi kiên quyết đặt mục tiêu hơn 1 triệu mũi mỗi ngày”.
Tuy nhiên tính đến nay, tỉ lệ tiêm chủng đợt mới này vẫn chưa đến 10%. Theo Ban Thư ký Nội các Nhật Bản, số người đã tiêm mũi thứ 3 nay vượt tổng số 11,93 triệu vào ngày 14-2. Số lượng tiêm chủng mỗi ngày là khoảng 850.000 người vào ngày 9-2 và khoảng 830.000 vào ngày 10-2, những ngày còn lại đều nằm trong khoảng 800.000 người.
Người dân xếp hàng dài chờ xét nghiệm Covid-19 miễn phí ở Tokyo – Nhật Bản
Tổng Giám đốc Quan hệ công chúng của Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản, ông Kono Taro, nói trên chương trình tin tức của đài truyền hình BS-TBS hôm 11-2: “Thời điểm tiêm mũi bổ sung lần này là quá chậm trễ. Việc tiêm chủng hơn 1 triệu mũi/ngày khó đạt mục tiêu”.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản Saito Tetsuo trả lời các câu hỏi tại Ủy ban Ngân sách Hạ viện Nhật Bản ngày 14-2, cho biết ông sẽ yêu cầu các nhà khai thác đường sắt khuyến khích hành khách đeo khẩu trang không dệt (như khẩu trang y tế) nhằm ngăn chặn sự lây lan của nhiễm các biến thể virus mới trên các toa tàu.
Về việc mở cửa biên giới, Phó chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Kihara Seiji đã xuất hiện trên chương trình tin tức Prime Sunday của Fuji TV vào ngày 13-2, phát biểu về việc nới lỏng các biện pháp nhập cảnh đối với người nước ngoài trong bối cảnh hiện nay.
Ông bày tỏ ý định xem xét giảm giới hạn, tăng số lượng người nhập cảnh từ 3.500 người lên 5.000 người. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng con số này còn quá nhỏ so với nhu cầu nhập cảnh thực tế hiện nay của các đối tượng như du học sinh, thực tập sinh, người lao động…
Một trong những nguyên nhân gây thiếu hụt lao động hiện nay là do sự đình chỉ hoạt động của nhiều cơ sở giáo dục. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản cho biết vào ngày 14-2 có 741 trường mẫu giáo (giảm 36 trường so với 1 tuần trước) ở 43 tỉnh, thành trên toàn quốc đóng cửa hoàn toàn do ảnh hưởng của biến chủng Omicron.
Đã có nhiều lời phàn nàn với chính quyền Nhật Bản về việc đóng cửa trường học đã gây ra những rối loạn lớn trong cuộc sống của người dân. Nhiều bậc cha mẹ phải nghỉ việc để chăm sóc con khiến cho các doanh nghiệp phải loay hoay tìm các biện pháp thay thế người lao động.