AFP ngày 15.11 dẫn một nguồn tin tư pháp cho biết Tổng thống al-Assad cũng bị nghi ngờ đồng lõa với tội ác chiến tranh trong vụ tấn công mà phe đối lập quy trách nhiệm cho chính quyền của ông, khiến hơn 1.400 người thiệt mạng gần thủ đô Damascus của Syria vào tháng 8.2013.
Lệnh truy nã quốc tế cũng được ban hành để bắt giữ ông Maher, em trai của ông al-Assad và là lãnh đạo trên thực tế của một đơn vị quân đội tinh nhuệ tại Syria, cùng hai tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang nước này, theo nguồn tin của AFP.
Chính phủ Pháp và Syria không lập tức đưa ra bình luận.
Đơn vị liên quan đến tội ác chống lại loài người của tòa án ở Paris đã điều tra các vụ tấn công hóa học tại Syria kể từ năm 2021.
Pháp tuyên bố quyền tài phán trên toàn thế giới đối với các cáo buộc về tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người.
Cuộc điều tra diễn ra sau khi Trung tâm Truyền thông và Tự do Ngôn luận Syria (SCM) – một tổ chức phi chính phủ, Sáng kiến Công lý Xã hội Mở (OSJI) – một hiệp hội luật sư, và Cơ quan Lưu trữ Syria – tổ chức chuyên theo dõi các vi phạm nhân quyền ở Syria, cùng đệ đơn khởi kiện chung.
“Đây là một diễn biến hệ trọng”, Chủ tịch SCM Mazen Darwish nói về lệnh bắt giữ ông al-Assad.
Ông Darwish cho biết đơn kiện chống lại ông al-Assad và những người khác được hỗ trợ bởi lời kể của nhân chứng trực tiếp và việc phân tích sâu về hệ thống chỉ huy, ra lệnh của quân đội Syria.
Năm 2013, các nhà hoạt động đã đăng một số video lên YouTube mà họ nói là có thể cho thấy tác động của vụ tấn công, bao gồm cảnh quay hàng chục thi thể, trong đó có trẻ em, nằm dài trên mặt đất. Những hình ảnh này đã gây phẫn nộ trên toàn cầu.
Một báo cáo của Liên Hiệp Quốc sau đó cho biết có bằng chứng rõ ràng về việc sử dụng khí sarin.
Cũng trong năm 2013, Syria đồng ý gia nhập Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) và từ bỏ toàn bộ vũ khí hóa học. OPCW sau đó đã quy trách nhiệm cho Damascus về một loạt vụ tấn công hóa học trong cuộc nội chiến ở nước này. Chính phủ Syria đã bác bỏ các cáo buộc.
Nội chiến bùng nổ ở Syria vào năm 2011, đến nay đã làm thiệt mạng hơn nửa triệu người và khiến một nửa dân số đất nước trước chiến tranh rơi vào cảnh mất nhà cửa.