“Nguy hiểm quá, giờ lắm chiêu trò lừa đảo công nghệ cao như thế này. Mọi người chia sẻ để cùng nhau cảnh giác cao độ. Tết đến nơi rồi tiền để trong tài khoản giờ sơ sẩy chủ quan cái là nguy hiểm lắm”, tài khoản Facebook tên Thu Hiền đăng kèm ảnh chụp màn hình các đoạn tin nhắn cảnh báo về chiêu trò lừa đảo mới.
Sau một ngày đăng tải, bài viết trên đã được lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội với hơn 1,4 triệu lượt chia sẻ và hơn 450 lượt bình luận. Tuy nhiên chuyên gia của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia xác nhận đây chỉ là tin giả.
Tin giả “mất 100 triệu đồng qua điện thoại” ồ ạt xuất hiện
Giáp Tết Nguyên đán, các bài viết liên quan đến lừa đảo tài chính bằng công nghệ cao liên tục xuất hiện trên mạng xã hội dưới nhiều hình thức, từ ảnh chụp các bài viết đến video cảnh báo.
Sau khi tin đồn “nhận cuộc gọi từ đầu số lạ có thể khiến tài khoản bị trừ sạch tiền” được các chuyên gia an ninh mạng xác nhận là tin giả, gây hoang mang, mới đây, lại rộ lên tin giả về việc “quét mã QR bị mất sạch tiền sau 5 giây” lại tiếp tục rộ lên.
Theo lời kể trong video của một phụ nữ, tài khoản của chồng cô đã mất sạch tiền sau chưa đầy 5 giây quét mã QR. Sau khi quét mã, điện thoại bị “đơ màn hình”, không thao tác được gì. Sau khi smartphone hoạt động lại, hơn 100 triệu đồng trong tài khoản đã mất sạch. “Hiện nay có nhiều kiểu lừa đảo khiến ai cũng có thể mất tiền, từ quét mã QR đến sao chép số tài khoản”, người phụ nữ nói thêm.
Chỉ sau một ngày đăng tải, video trên đã thu hút hàng triệu lượt xem, chục nghìn lượt chia sẻ và được người dùng quay màn hình, đăng lại trên nhiều mạng xã hội khác. Tuy nhiên các chuyên gia an ninh mạng cũng nhanh chóng chỉ ra đây chỉ là tin đồn giả. Bản chất mã QR chỉ là trung gian truyền tải nội dung, không phải mã độc, do đó việc mất tiền trong tài khoản chỉ sau thao tác quét mã QR là thiếu căn cứ.
Trong khi những tin đồn trên đang được chia sẻ chóng mặt, mạng xã hội tiếp tục xuất hiện nhiều bài viết cảnh báo khác kể về “câu chuyện lừa đảo ly kỳ”. Theo người này, một đầu số lạ 09 gọi điện đến và thông báo về khoản vay 100 triệu đồng. Cô không quan tâm, bấm tắt nhưng không được. “Sau đó máy tự chuyển sang gọi FaceTime để quét mặt mình. Máy bị đơ một lúc rồi mới vào lại được”, người này kể. Sau khi kiểm tra lại tài khoản, tiền của cô vẫn còn vì “không bị quét khuôn mặt”.
Dù là tin chưa kiểm chứng nhưng bài viết trên đã nhanh chóng thu hút 1.400 lượt chia sẻ chỉ sau vài ngày đăng. Dưới bình luận, nhiều người tỏ ra hoang mang vì cuộc gọi từ đầu số 09 là bình thường, có người nhận cả chục cuộc mỗi ngày.
Vì sao tin giả nở rộ?
Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Công nghệ Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, cho rằng những tin đồn như nhận cuộc gọi từ người lạ rồi mất sạch tiền, quét mã QR bị mất tiền, hay nhận cuộc gọi lạ qua FaceTime để quét khuôn mặt rồi bị trừ tiền ngân hàng đều là giả nhưng đang phổ biến gần đây trên mạng xã hội.
Những tin đồn thường xuất phát từ những người thiếu kiến thức về công nghệ hoặc có thể cố tình lợi dụng để câu view, like trên mạng xã hội. Một số nguồn tin còn có thể xuất phát từ những người muốn trêu đùa, gây hoang mang, nhằm tạo ra sự bất ổn, hoặc đơn giản là để thu hút sự chú ý.
Theo ông Sơn, có hai yếu tố khiến người dân vẫn tin và chia sẻ không kiểm chứng thông tin. Đầu tiên là vấn nạn lừa đảo đã trở nên quá phổ biến đến mức ai cũng quan tâm, nội dung về lừa đảo sẽ nhanh thịnh hành hơn các nội dung truyền thống vì ai cũng lo bị mất tiền.
Yếu tố thứ hai là do các tình huống lừa đảo hiện tại đã quá tinh vi, những người làm nội dung kiểu này có thể nói là “thoải mái sáng tạo” kịch bản, tình huống chỉ có trong tưởng tượng. “Chúng ta cần tỉnh táo hơn, dù có một số hình thức lừa đảo công nghệ cao thật sự tồn tại, các đối tượng lừa đảo không dùng những công cụ mới đến mức không tưởng như trên”, ông Sơn lưu ý.
Cách nhận biết tin giả
Theo đại diện Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, khi tiếp nhận các nội dung liên quan đến lừa đảo, cảnh báo, hỗ trợ lấy lại tiền, người dân cần bình tĩnh, tỉnh táo, không nên vội vàng chia sẻ khi chưa có kiểm chứng.
Người dân có thể nhận biết hoặc kiểm chứng thông tin gây sốc bằng các cách sau:
- Tìm hiểu nguồn tin: Kiểm tra xem tin tức xuất phát từ nguồn nào, có đáng tin cậy không?
- Tìm kiếm thông tin đối chứng: Tra cứu các bài báo chính thống hoặc các trang web uy tín để xem thông tin đã được xác thực chưa.
- Nhờ sự tư vấn từ chuyên gia: Những người am hiểu về công nghệ có thể giúp đánh giá tính khả thi của các hình thức lừa đảo được đề cập. Tuy nhiên, người dân cũng cần tránh những “chuyên gia” tự phong, chạy quảng cáo trên mạng xã hội để tránh tiền mất tật mang.
Ma trận lừa đảo giăng bẫy người dùng cận Tết Nguyên đán
Theo ông Sơn, tin giả về tài chính nở rộ vào dịp cận Tết Nguyên đán vì đây là thời điểm mọi người thường dồn tiền để chuẩn bị cho tết, giao dịch tài chính, mua bán nhiều hơn ngày thường.
Sự gia tăng giao dịch tạo ra một môi trường dễ gây lo lắng và bất an, khiến mọi người dễ tin vào những câu chuyện cảnh báo quá mức. Ngoài ra, tâm lý sợ mất tiền vào dịp lễ lớn càng làm tăng sức lan tỏa của các tin đồn này. Nguy hiểm hơn, một số đối tượng thậm chí dùng cảnh báo lừa đảo để dẫn dụ người dùng vào các kịch bản lừa đảo khác một cách tinh vi.
Ông Sơn cũng lưu ý, theo khoản 1, Điều 8, luật An ninh mạng 2018, trong các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng có liệt kê hành vi sử dụng không gian mạng để thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân. Vì vậy người dân cần hết sức lưu ý, nâng cao hiểu biết pháp luật, tránh các hành vi tiếp tay cho tin giả.
Nguồn: https://thanhnien.vn/ro-tin-gia-lua-dao-bang-cong-nghe-cao-khien-nhieu-nguoi-hoang-mang-185250117141653623.htm