Nửa năm trước, chỉ một lần tình cờ xem được đoạn video múa cổ trang “đẹp như tiên” trên mạng xã hội, Nguyên Thảo lập tức tìm nơi học và đăng ký một lớp ở quận 3.
Cô gái ở TP Thủ Đức là nhân viên văn phòng, muốn tìm bộ môn tập luyện sau giờ làm để giải trí. Thảo thích nhạc Trung Quốc từ bé, đặc biệt là các bài nổi tiếng như Nữ nhi tình, Nhất mộng kinh hồng, Song diện yến tuân, Phù quang. Cuối năm ngoái, khi các đoạn video múa trên nền nhạc này lan truyền rộng trên mạng với tạo hình người múa mặc trang phục cổ trang rộng xòe đã thu hút Thảo.
“Người nữ thể hiện dáng múa cổ trang nhìn như cành hoa, mỏng manh và mềm mại”, Thảo nói. Cô đóng học phí 700.000 đồng cho 8 buổi học được tặng kèm buổi quay video thành quả.
Những buổi học đầu lại khiến Thảo phát khóc vì quá khó. Cô được giáo viên hướng dẫn bắt đầu với động tác lật người, xoay, đá và duỗi thẳng chân. Trong 60 phút, Thảo mồ hôi đầm đìa, tay, cơ bụng và đùi “đau như bị ai đánh”.
Khi đã quen, Thảo chuyển sang tập các động tác khó hơn như ép dẻo, tập đứng trên mũi chân để cổ chân cứng cáp, dáng xoay đẹp hơn vì các điệu múa cổ trang thường mang tính ước lệ như tay hoa mai, tay hoa lan, dáng cây tùng, cây bách.
“Tôi bỏ 30-45 phút mỗi ngày để tự tập ở nhà”, Thảo nói. “Hơi thở, dáng tay, chuyển động bàn tay đã trở thành thói quen”.
Trải qua 8 buổi, lớp Thảo nhờ giáo viên mua giúp phục trang múa gồm quần ống rộng, áo choàng mỏng nhẹ, tà bay để quay video. Hiện, Thảo đã có 5 video múa cổ trang khác nhau là thành quả sau 5 khóa học.
Những lớp múa cổ trang Trung Quốc như Thảo học đang trở thành “hot trend” của giới trẻ Sài Gòn. Khảo sát của VnExpress ghi nhận thành phố hiện có 15-20 trung tâm và lớp học múa, quy tụ gần 2.000 học viên.
Đại diện một lớp múa cổ trang ở đường Điện Biên Phủ, quận 3 cho biết từ cuối năm 2023, sự bùng nổ của các video múa cổ trang trên mạng xã hội đã khiến giới trẻ tìm đến học tăng vọt. Trung tâm này đã phải tăng từ ba lên 7 lớp. Người tham gia chủ yếu ở độ tuổi 17- 40, có nhu cầu rèn luyện sức khỏe, giải trí.
Chị Hà Lê Thùy Trang, giáo viên dạy múa ở quận 4, đồng sáng lập trung tâm TH Dance cho biết bộ môn này du nhập vào Việt Nam từ năm 2019, số lượng học viên tăng đều khoảng 10% qua từng năm. Tuy nhiên, từ đầu năm 2024 múa cổ trang trở nên thịnh hành với lượng học viên tăng đột biến. Các điệu múa từ Trung Quốc đã được đơn giản hóa để tiếp cận với đại chúng, kết hợp với video trên mạng xã hội tạo sự tò mò. Theo chị Trang, giới trẻ bị hấp dẫn bởi các yếu tố như giai điệu, động tác và trang phục.
Nữ giáo viên cho biết, múa cổ trang hấp dẫn giới trẻ bởi người học vừa được vận động cơ thể (thể dục) vừa được thư giãn và cuối cùng là những video thành quả rất quyến rũ, khác lạ để khoe với bạn bè trên mạng xã hội. Do đó, các lớp múa thường đầu tư phông nền, đèn chuyên nghiệp như sân khấu.
Trung tâm của chị Trang không tập trung động tác đơn thuần mà hướng dẫn học viên cover bài múa từ buổi đầu để tạo sự hứng thú. “Đây là bộ môn đòi hỏi sự dẻo dai và kiên nhẫn của người tập luyện”, Trang nói. “Dáng múa phù hợp với văn hóa, vóc dáng người Á đông nên nhanh chóng tạo thành cơn sốt”.
Thu Trà, 30 tuổi, nhận ra tay chân mình rất cứng và vụng về, lóng ngóng trong buổi đầu tiên. Cô tập trung nhớ các động tác nên gương mặt chẳng thể biểu lộ cảm xúc.
Tuy nhiên, Trà vẫn quyết tâm bởi muốn quay được đoạn video đẹp. Cô được chỉnh chi tiết từ động tác tay đến dáng đứng vì nếu bắt sai một nhịp điệu múa của cô sẽ hỏng.
Tuần ba lần, cô dành ít nhất nửa tiếng để tập lại các động tác trước khi đến lớp. Sau vài tuần, Trà quan sát thấy cơ thể mình thay đổi rõ rệt, người dẻo dai, khỏe khoắn. Đến nay, cô trải qua ba khóa đồng nghĩa thể hiện được ba bài múa khác nhau. Trà thường chọn học cover bài nhạc mình yêu thích để có động lực.
Cùng lớp với Trà, chị Thu Giang, 38 tuổi đã theo múa cổ trang bốn năm với 78 khóa học. Giang hứng thú bởi được tập luyện trên nền nhạc thư giãn, mang lại giá trị sức khỏe lẫn tinh thần. Cô đặc biệt đầu tư cho trang phục như sườn xám, váy xòe, đồ cổ trang. “Tôi có em gái học chung nên thường phối lại phục trang hoặc đổi đồ cho nhau”, Giang nói.
Tuy nhiên, không ít trường hợp như Phương Vy, 27 tuổi, phải bỏ cuộc trong buổi đầu tập luyện. Cô gái làm ngành truyền thông ở quận 3, nói đã lựa chọn kỹ lớp học, trao đổi với giáo viên mình chưa từng học múa trước đó.
Tuy nhiên, các động tác liên tiếp kết hợp với nhau khiến cô không thể bắt nhịp. Cô từ bỏ để quay lại với bộ môn Yoga, chạy bộ để rèn luyện sức khỏe.
“Tôi nghĩ người thực sự có đam mê và hứng thú mới có thể theo đuổi được”, Vy nói.
Ngọc Ngân