Với đồng bào Khmer, điệu múa là nét văn hoá đặc sắc gắn liền trong tất cả các nghi lễ. Múa đã trở thành nét đẹp văn hoá, món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của bà con, nhất là vào những dịp lễ, tết. Từ vũ điệu cung đình cho đến những điệu múa dân gian, từ mái chùa cho đến sân nhà, khi tiếng nhạc trỗi lên, những bước chân của đồng bào Khmer lại nhịp nhàng, uyển chuyển, say sưa theo từng điệu nhạc.
Nhân vật Chằn với khuôn mặt hung dữ, vào vai phản diện trong các vở kịch Rô Băm.
Đồng bào Khmer tại xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên là cộng đồng hiếm hoi trên địa bàn tỉnh còn gìn giữ và phát huy vũ kịch Rô Băm, kết hợp với tiếng trống Chhay-dăm. Đây là loại hình lấy múa làm ngôn ngữ chính, được biểu diễn ở sân khấu cung đình xưa và còn có những tên gọi dân gian khác như: múa Chằn, múa Rầm, múa ông Dắt… Bên cạnh múa, người nghệ sĩ biểu diễn Rô Băm còn phải dùng lời thoại, giọng hát để thể hiện các tâm trạng, tính cách nhân vật.
Đội múa kịch, đánh trống Chhay-dăm ở ấp Hoà Đông A, xã Hoà Hiệp được bà con Khmer tâm huyết gầy dựng hơn 8 năm nay. Để có tiền mua sắm trang phục, đạo cụ múa, Ban Quản lý chùa Chùng Rụt cùng già làng, người uy tín đi vận động từng nhà, rồi cất công mướn thầy từ miền Tây lên để dạy múa cho bài bản. Từng bộ trang phục rực rỡ, cùng những chiếc mặt nạ quý giá là sự chắt chiu của đồng bào nơi đây, để chung tay gìn giữ giá trị truyền thống.
Nhân vật Chằn với khuôn mặt hung dữ.
Ông Huynh Bích- Người uy tín của đồng bào Khmer ấp Hoà Đông A, xã Hoà Hiệp cho biết: “Thành viên của đội múa cũ đã lớn tuổi hết cả rồi, lại còn phải chăm lo cho gia đình, nên khoảng một năm nay, chúng tôi thành lập đội múa mới do các em nhỏ chơi. Tụi nhỏ còn mới nên chập chững, chưa múa rành, nhưng cũng chăm chỉ, chịu khó tập luyện, hễ chùa có bất cứ lễ gì cũng có đội múa biểu diễn cho bà con xem”.
Mỗi ngày khi chiều đến, các thành viên của đội múa lại tập trung đến chùa Chùng Rụt cùng nhau tập luyện đánh trống Chhay-dăm, vũ kịch Rô Băm, chờ đến dịp để biểu diễn phục vụ bà con. Từ lâu, không khí rộn rã của tiếng trống Chhay-dăm, sự huyền bí của những chiếc mặt nạ, từng điệu hát, điệu múa đã trở thành biểu tượng kết nối thế hệ hôm nay với văn hoá nguồn cội, văn hoá dân tộc.
Thanh Thuận- chàng trai bén duyên với vai Chằn có vóc dáng rắn rỏi nhưng khi biểu diễn trên sân khấu lại vô cùng uyển chuyển, linh hoạt. “Các động tác của vai này em đã học và thuần thục khoảng 70%. Vai này cũng khá mệt do phải đội chiếc mặt nạ nặng trên đầu, lại ngột ngạt, nhưng mỗi khi được biểu diễn cho mọi người xem, em rất vui vì có thể gìn giữ nét văn hoá truyền thống của dân tộc mình” – Thuận nói.
Các vai diễn gìn giữ từ đời cha chú giờ đây được truyền lại cho các em thanh thiếu niên ở phum sóc. Ý thức được đây là nét văn hoá, là hồn cốt của dân tộc, vì vậy, các bạn trẻ đều chăm chỉ luyện tập, vừa là cách tiếp cận văn hoá vừa từng ngày gìn giữ những giá trị truyền thống của cha ông.
Vũ kịch Rô Băm thể hiện ước muốn xua đuổi điều dữ, đón sự an lành, may mắn trong đời sống.
Văn Ty, chàng trai chơi trống Chhay-dăm cho biết em yêu thích loại hình này từ hồi còn nhỏ, nhất là những lúc xem các anh, các chú biểu diễn càng hun đúc thêm niềm đam mê. “Lúc nhỏ em cũng có tập nhưng không biết phân biệt được đánh nhanh, đánh chậm là như thế nào.
Vào đây tập chừng nửa tháng là đã quen dần. Mỗi ngày tụi em đều dành thời gian để tập luyện. Những lúc biểu diễn bài trống, thấy mọi người vỗ tay khen, trong lòng em rất vui và thêm tự hào về nét văn hoá Khmer”- Văn Ty bày tỏ.
Không chỉ là những điệu múa đẹp mắt, có tính chất giải trí, vũ kịch Rô Băm còn chứa đựng nhiều giá trị, mà ở đó khát vọng cái thiện chiến thắng cái ác, mong ước xua đi những điều xấu, mang đến những điều may mắn, tốt lành cho buôn làng, phum sóc được thể hiện rõ ràng, chân thật qua cốt truyện và nhân vật.
Bắt nguồn từ sân khấu cung đình gắn với những tích truyện xưa, vũ kịch Rô Băm được nhiều người yêu thích và cuốn hút bởi nét đặc sắc ẩn chứa qua các điệu múa và chiếc mặt nạ, cùng những câu chuyện thần thoại, truyền thuyết, dã sử của người Khmer.
Nội dung của vở diễn thường thể hiện lại các tích xưa về tiên, phật, vua, chúa, hoàng tử, công chúa; chằn, khỉ, chim đại bàng… Ở đó có hai thế lực thiện và ác chống đối nhau và cuối cùng cái thiện vẫn luôn chiến thắng.
Tiếng trống Chhay-dăm không thể thiếu trong những vũ điệu nhạc kịch của đồng bào Khmer.
Đại đức Ân Văn Pát- Ban Quản lý chùa Chùng Rụt chia sẻ, vũ kịch Rô Băm mang ý nghĩa xua đi những điều xui xẻo, mang đến may mắn. Đoàn múa sẽ đi đến từng nhà để biểu diễn và cầu chúc những điều tốt lành cho người dân.
Ông Ngô Văn Cấm- Chủ tịch UBND xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên cho biết, tuỳ theo ngân sách địa phương, mỗi khi đội tập dượt, biểu diễn, xã dành kinh phí hỗ trợ, vận động bằng nhiều nguồn để chi cho các em, nhưng quy định cụ thể vẫn chưa có. Hạn chế về kinh phí là một trong những nguyên do khiến cho việc bảo tồn nét văn hoá này gặp khó khăn.
Những chiếc mặt nạ huyền bí làm nên tính cách của từng nhân vật.
Dẫu còn không ít khó khăn, nhưng với niềm tự hào dân tộc, các chàng trai, cô gái Khmer ở Hoà Hiệp đang nỗ lực từng ngày, cùng cộng đồng gìn giữ từng nét văn hoá, để mỗi loại hình nghệ thuật sẽ là một sản phẩm của trí tuệ, là mảng văn hoá đặc sắc, rực rỡ và riêng có của người Khmer.
Ngọc Diêu – Hoà Khang