Bà Hoàng Thị Kim Dung, Giám đốc quốc gia Genesia Ventures Việt Nam: Rèn sức bền để chạy marathon với đầu tư mạo hiểm
Với bà Hoàng Thị Kim Dung, Giám đốc quốc gia của Genesia Venture tại Việt Nam, hành trình làm nghề đầu tư mạo hiểm là cuộc chạy marathon cần sự mạnh mẽ, bền bỉ và tầm nhìn dài hạn.
Bà Hoàng Thị Kim Dung, Giám đốc quốc gia Genesia Ventures Việt Nam |
1.
Ông Thống Lê Anh Tuấn, Nhà sáng lập, kiêm Giám đốc điều hành Selly (start-up hoạt động theo mô hình thương mại điện tử ứng dụng tương tác cộng đồng) gọi founder của các start-up “nhà Genesia Ventures” là những đàn anh xuất sắc. Hầu hết các start-up này đều vượt qua năm 2023 khó khăn với dòng tiền dương, có lãi, tăng trưởng tốt. Riêng Buymed, với vòng đầu tư hơn 50 triệu USD, đã gánh phần lớn vốn đầu tư mạo hiểm đổ về Việt Nam trong năm qua.
Đối với nhà sáng lập Selly – cũng là một start-up thuộc “nhà Genesia Ventures”, nếu start-up nào muốn tìm kiếm nhà đầu tư giỏi, tâm huyết và có tầm nhìn dài hạn để đồng hành và phát triển bền vững, thì Genesia Ventures Việt Nam là lựa chọn tối ưu. “Nhờ các danh mục đầu tư có hiệu suất tốt, năm 2024, quỹ đầu tư mạo hiểm này vẫn tích cực đầu tư cho thị trường Việt Nam”, ông Tuấn chia sẻ.
Bà Hoàng Thị Kim Dung, Giám đốc quốc gia Genesia Venture Việt Nam thừa nhận, cộng đồng khởi nghiệp Việt đã trải qua năm 2023 nhiều xúc cảm. Là nhà đầu tư mạo hiểm gắn bó gần thập kỷ qua với họ, bà Dung có cùng “nỗi đau” khi chứng kiến “làn sóng giảm”. Đó là giảm tổng cầu do việc thắt chặt chi tiêu của khách hàng, khiến start-up khó đạt được các chỉ tiêu tài chính và cột mốc kinh doanh quan trọng, hoặc để đạt được thì cần nhiều thời gian và nguồn lực hơn.
Việc các nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn với hoạt động đầu tư mới kéo theo giảm cả số lượng thương vụ đầu tư và số tiền giải ngân đầu tư vào start-up, không chỉ tại Việt Nam, mà còn trên quy mô toàn cầu.
Hai vấn đề trên khiến năm qua, giới khởi nghiệp tập trung xây dựng sức mạnh nội lực để giải bài toán mang tên “tồn tại”. Nhưng nhìn về tương lai gần, bà Dung tin rằng, chính những thách thức mà start-up gặp phải vừa qua là tiền đề cho sự thay đổi quan trọng trong năm 2024 và các năm sắp tới.
Start-up cần hoạt động với mô hình kinh doanh hiệu quả và bền vững hơn. Theo đó, thay vì chú trọng đến tăng trưởng, họ tập trung vào giữ chân khách hàng, hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp, hiệu suất sử dụng vốn. “Đây là các chỉ số quan trọng nhất bên cạnh chỉ số về lợi nhuận, cho thấy nội lực mạnh mẽ để start-up có thể tồn tại và bứt phá ở giai đoạn sắp tới”, bà Dung chia sẻ.
Khi làm được những điều quan trọng đó, start-up có thể tạo ra cơ hội thoái vốn thực sự ý nghĩa cho các nhà đầu tư. Cú huých quan trọng đó tạo sức bật để cộng đồng khởi nghiệp Việt tiến lên tầm cao mới, gia tăng niềm tin và sự lạc quan của cả nhà sáng lập và nhà đầu tư vào tiềm năng thực sự của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt.
2.
Bà Hoàng Thị Kim Dung nhận tin được bổ nhiệm làm Giám đốc quốc gia Genesia Ventures Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Ở cương vị mới, để đưa Genesia Ventures Việt Nam đạt những mục tiêu đề ra trong tầm nhìn dài hạn, bà xác định, phải ưu tiên tập trung vào những điều quan trọng nhất. Đó là hoạch định và thực thi chiến lược phát triển của Quỹ qua việc gây dựng giá trị cốt lõi, đội ngũ và các lợi thế mũi nhọn để có thể triển khai thành công hoạt động đầu tư tại Việt Nam.
Genesia Ventures Việt Nam đang trực tiếp dẫn dắt đầu tư và hỗ trợ hơn 10 start-up ở Việt Nam, với các tên tuổi như eDortor, BuyMed, Vietcetera, Fundiin, Selly, M Village, Rootopia, Wareflex… Hiện bà Dung chưa thể trả lời câu hỏi đâu là khoản đầu tư hứa hẹn nhất, bởi đầu tư mạo hiểm có nhiều biến số. “Tôi kỳ vọng có thể tự tin trả lời mọi người trong 3 năm tới”, bà nói.
Khi quyết định gắn bó với nghề đầu tư mạo hiểm, bà Dung có mục tiêu nhất quán là hỗ trợ được càng nhiều nhà sáng lập đi tới thành công càng tốt. Thành công còn tùy vào định nghĩa của mỗi người, nhưng với góc nhìn của nhà đầu tư khởi nghiệp, bà tin rằng, thành công trong khởi nghiệp nằm ở việc xây dựng doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng cao, có khả năng mở rộng quy mô, tăng trưởng liên tục và bền vững, tạo ra tác động lớn và tích cực trên thị trường. Cuối cùng là tạo ra cơ hội thoái vốn có ý nghĩa, mang lại lợi nhuận cho tất cả cổ đông.
Tinh thần khởi nghiệp chính là động lực quan trọng để phát triển đất nước. Muốn nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp, cần nhiều gương mặt khởi nghiệp thành công thực sự. Trong khi đó, đường đến thành công chứa đựng gian nan chồng chất đối với các nhà sáng lập. Thấu hiểu điều đó, bà Dung muốn kết nối các nguồn lực, từ tài chính, nhân lực, thông tin, đối tác… để hỗ trợ họ.
Tâm lý buông xuôi đang bao trùm mọi ngóc ngách của đời sống, nhưng là người có tinh thần lạc quan, tỉnh táo, kỷ luật, bà Dung tìm được các nguyên lý trong xây dựng nội lực mạnh mẽ cho mỗi cá nhân và start-up. Đầu tiên là tầm nhìn – điều mà nhiều người thấy thật viển vông và lý thuyết, nhưng chính là nền móng để xây dựng sức mạnh nội tại của bất kỳ cá nhân và tổ chức nào.
Tại sao bạn và start-up tồn tại? Điều gì thực sự là động lực mạnh mẽ khiến bạn và đồng đội thức dậy sớm mỗi ngày và làm việc tới tối muộn? Điều gì khiến bạn luôn đau đáu muốn thực hiện bằng được dù có nhiều khó khăn ngay trước mặt? Trả lời được những câu hỏi này, các nhà sáng lập sẽ thấy rõ được tầm nhìn, từ đó định hình được hướng đi cho mình.
Tiếp đó là kết nối tầm nhìn và mục tiêu của mình tới những người quan trọng xung quanh. Tầm nhìn này giúp mỗi người có động lực lớn nhất để vượt qua được bộn bề khó khăn, thậm chí là cám dỗ trong suốt hành trình hướng tới mục tiêu.
Sau khi đã xác định được tầm nhìn, cần sự kỷ luật theo đuổi tầm nhìn đó một cách nhất quán. Từ cá nhân tới tổ chức start-up đều cần những con người kỷ luật, suy nghĩ kỷ luật và hành động kỷ luật. Đây là động lực quan trọng để tạo ra hiệu ứng “bánh đà” đưa công ty bứt phá. Có thể sẽ cần nhiều năm bền bỉ để đưa “bánh đà” hoạt động, nhưng một khi “bánh đà” đã quay và tăng tốc, thì công ty có thể duy trì hiệu suất đột phá trong thời gian dài.
3.
Nghề đầu tư mạo hiểm có sự cạnh tranh và đào thải cao. Trong một hệ sinh thái start-up phát triển chất lượng, nhà đầu tư mạo hiểm không phải là bên được chọn start-up, mà ở thế để những nhà sáng lập ưu tú nhất của các start-up tiềm năng nhất cho cơ hội tham gia đầu tư. Để làm được điều đó, nhà đầu tư mạo hiểm phải có những lợi thế nhất định.
Mặt khác, đầu tư mạo hiểm là nghề phải “chạy bền”, ít nhất là cần đi hết gần vòng đời phát triển của một start-up, vòng đời của một quỹ nhỏ trong quỹ để biết được mình đầu tư có thành công và mang lại lợi nhuận cho đối tác đầu tư hay không.
Ông Soichi Tajima, nhà sáng lập Genesia Ventures tại Nhật Bản trở thành người truyền cảm hứng trong hành trình “chạy bền” của bà Dung với nghề đầu tư mạo hiểm. Ông đã “chạy bền” với nghề này 17 năm, xây dựng quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tiên năm 2006, hiện có tổng số 29 công ty được đầu tư, trong đó 9 công ty đã IPO (tỷ lệ hơn 30%).
Trao đổi với ông Soichi Tajima, bà Dung nhận thấy, ông là người có lý tưởng rõ ràng, có tâm huyết và tầm nhìn lớn với nghề đầu tư mạo hiểm. Ông lăn xả mọi lúc, mọi nơi, đồng hành với start-up mà mình đầu tư cả trong những lúc khó khăn nhất. Ông nói chuyện thẳng thắn với các nhà sáng lập để hai bên có thể duy trì được mối quan hệ tin tưởng, đồng hành lâu dài.
Bà Dung tin rằng, tầm nhìn lớn, mục tiêu rõ ràng, tinh thần lăn xả để đồng hành với start-up là những yếu tố quan trọng nhất để xây dựng sự nghiệp đầu tư mạo hiểm. “Nếu Việt Nam không có nhiều người thành công với khởi nghiệp, là tấm gương thành công thực sự, thì không có nhiều người tin vào khởi nghiệp, không ai dám dấn thân vào khởi nghiệp, để tạo ra nhiều việc làm và các sản phẩm, dịch vụ đổi mới”, bà Dung tâm niệm.
– Sinh ra ở Hà Nội, đang làm việc tại TP.HCM.
– Sau khi đỗ thủ khoa Khoa Kinh tế đối ngoại (tiếng Nhật), Trường đại học Ngoại thương, bà được nhận học bổng toàn phần MEXT dành cho bậc đại học của Chính phủ Nhật Bản để du học từ năm 2012 tại Khoa Kinh tế, Trường đại học Osaka.
– Tốt nghiệp đại học, bà gia nhập IBM Nhật Bản ở vị trí Sales Representative với khách hàng là các tổ chức tài chính lớn tại Nhật Bản.
– Tại IBM, trong khuôn khổ chương trình IBM Blue Hub, bà được tham gia hỗ trợ các start-up sử dụng hệ sinh thái và giải pháp công nghệ của IBM.
– Tháng 4/2019, bà tham gia Quỹ đầu tư Genesia Ventures tại Tokyo (Nhật Bản). 5 tháng sau, bà trở về Việt Nam mở văn phòng đại diện đầu tiên của Quỹ tại TP.HCM.