Rau quả nhiều lợi ích cho sức khỏe
Bác sĩ Dương Ngọc Vân, Bệnh viện Melatec, cho biết các loại rau quả nhất là rau lá xanh chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết, đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Trong đó có thể kể đến một số lợi ích tuyệt vời mà chúng đem lại sau đây:
– Cung cấp chất xơ: Việc sử dụng các loại rau lá xanh giúp bạn cung cấp một hàm lượng chất xơ dồi dào cho cơ thể, ngừa táo bón.
– Tăng cường thị lực: Trong rau xanh giàu chất chống oxy hóa cùng các loại vitamin. Do vậy có tác dụng tốt cho thị lực, giúp tăng cường sức khỏe của đôi mắt, bảo vệ các điểm vàng của mắt, ngăn chặn tác động của ánh sáng xanh nguy cơ gây hại đến “cửa sổ tâm hồn”.
Đồng thời giúp phòng ngừa nguy cơ mắc các bệnh về mắt như đục thủy tinh thể hay thoái hóa điểm vàng.
– Giúp xương khỏe mạnh: Rau lá xanh cũng chứa nhiều canxi và vitamin K. Vì thế giúp xương và răng được khỏe mạnh, củng cố xương và cải thiện mật độ xương, giúp xương được dày và khỏe hơn.
– Điều hòa huyết áp: Sử dụng rau xanh hằng ngày có thể giúp cơ thể duy trì huyết áp ổn định cũng như hàm lượng cholesterol lành mạnh.
– Tốt cho da: Với nhiều chất chống oxy hóa chứa trong thành phần dinh dưỡng, rau xanh giúp làm chậm quá trình lão hóa, duy trì sự trẻ trung cho làn da. Ăn rau xanh cũng giúp bạn cung cấp vitamin C cho cơ thể, duy trì độ săn chắc, căng mọng của làn da.
– Hỗ trợ giảm cân: Rau xanh chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết tốt cho cơ thể nhưng chứa ít calo. Vì thế đây là một loại thực phẩm giúp hỗ trợ giảm cân hiệu quả, kiểm soát trọng lượng của cơ thể.
– Giải độc, thải độc: Cơ thể chúng ta ít nhiều đều tích tụ những độc tố chưa được tiêu hóa và phân giải. Rau xanh có tác dụng phân giải độc tố tích tụ trong cơ thể, có lợi cho việc “làm sạch” huyết dịch và giải độc.
– Điều hòa cân bằng axit và kiềm trong cơ thể: Trong bữa ăn hằng ngày, chúng ta thường sử dụng nhiều thực phẩm có nguồn gốc động vật như cá, thịt, trứng, nội tạng động vật… là những thực phẩm chứa khá nhiều lưu huỳnh và phốt pho, quá trình trao đổi chất trong cơ thể xuất hiện tình trạng nhiều axit, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
Trong khi đó, do rau xanh chứa nhiều nguyên tố vi lượng như kali, natri, canxi, magiê… nên cơ thể lại xuất hiện nhiều hoạt chất tính kiềm. Vì vậy, ăn nhiều rau xanh có thể giúp cân bằng giữa axit và kiềm trong cơ thể, có lợi cho sức khỏe.
Chú ý rau xanh tương kỵ thuốc gây độc hại
Bác sĩ Cao Hồng Phúc, Bệnh viện Quân y 103, cho biết rau xanh rất cần thiết cho cơ thể nhưng có một số loại tương kỵ với thuốc, nếu ta không biết có thể gây nguy hiểm tính mạng khi đang dùng thuốc mà ăn các loại rau này.
– Uống thuốc suy tim nếu ăn cải xoong dễ nhiễm độc
Trong giai đoạn đầu điều trị, sự phối hợp cải xoong và thuốc chống suy tim có thể tăng hiệu quả điều trị vì nó giảm phù trên bệnh nhân, một triệu chứng hay gặp của suy tim. Tuy nhiên, rất cần sự theo dõi của bác sĩ.
Nhưng dùng thuốc kéo dài, việc kết hợp tự do hai thứ này nên cân nhắc vì nếu không dễ gây ra nguy cơ nhiễm độc thuốc. Lý do đơn giản cải xoong dễ làm hạ thấp nồng độ kali máu. Kali máu thấp làm tăng nguy cơ nhiễm độc thuốc chống suy tim vì kali là điện giải giúp điều hòa tác dụng.
Khi dùng cải xoong tự do, tác dụng lợi tiểu mạnh của thứ thực phẩm này có thể làm hạ thấp nồng độ kali máu. Điều đó khiến cho sự điều hòa tác dụng của thuốc rất khó khăn, dễ dàng gây ra nguy cơ nhiễm độc.
Vì thế, nếu không có sự kiểm soát của bác sĩ về liều lượng và ngưỡng thấp kali thì tốt nhất người bệnh không nên tự ý phối hợp. Khi muốn dùng cải xoong thì phải dùng cách xa thời điểm uống thuốc ít nhất 4 giờ đồng hồ.
– Thuốc chống đông nói không với súp lơ, rau cải
Thuốc chống đông là những thuốc có tác dụng ức chế sự đông máu bất thường trong lòng mạch, ngăn ngừa việc hình thành cục máu đông hoặc ngăn không cho cục máu đông gia tăng kích thước.
Một số loại bệnh phải dùng nhóm thuốc này là người mắc bệnh nhồi máu não, nhồi máu cơ tim, những người bị bệnh van tim, thấp tim. Cả những bệnh nhân ghép tạng cũng phải dùng thuốc chống đông.
Khi đang dùng loại thuốc chống đông thì chớ nên ăn với súp lơ hoặc một số loại rau cùng họ khác như rau cải, bắp cải, cải xoăn, các loại rau diếp, cải xanh, củ cải đường…
Việc uống thuốc cùng lúc hoặc sát thời điểm ăn các loại rau này thì thuốc mất hoàn toàn tác dụng. Bởi thuốc chống đông có tác dụng kéo dài thời gian đông máu, trong khi súp lơ, rau cải… lại tăng cường tốc độ đông, rút ngắn thời gian đông máu.
– Ăn bắp cải uống viên sắt thà không uống còn hơn
Sắt là một nguyên tố vi lượng cực kỳ cần thiết để cơ thể sản sinh máu. Sắt được coi như một loại thuốc bổ dùng cho bà mẹ mang thai, người mới ốm dậy, người bị thiếu máu, suy dinh dưỡng… Đặc điểm sự hấp thu của viên sắt phụ thuộc rất nhiều vào lượng chất xơ có trong thực phẩm.
Ăn nhiều rau quả, hàm lượng chất xơ đưa vào cơ thể sẽ làm giảm hấp thu sắt trong ruột. Bắp cải là một loại rau có tỉ lệ chất xơ cao. Nếu như ăn nhiều bắp cải thì coi như đang cố gắng làm cho sắt bị thải ra ngoài. Như vậy, uống vào rồi ăn thì đúng là vừa uống thuốc vừa dùng luôn chất thải sắt.
Do đó, nếu là người mới ốm dậy, người được bác sĩ chỉ định dùng viên sắt nên loại bắp cải trong khẩu phần ăn. Nên chuyển các loại rau nhiều chất xơ như bắp cải sang các loại ít chất xơ hơn như su su, su hào…
Nếu vẫn muốn dùng bắp cải thì nên chọn giải pháp uống viên sắt sau khi ăn 4 tiếng đồng hồ. Khi đó chất xơ đã đi khỏi dạ dày và ruột non nên không gây cản trở sự hấp thu sắt. Cùng nằm chung với nhóm thực phẩm bị kiêng như bắp cải là rau muống, rau cần, rau cải canh.
Tốt nhất mỗi ngày người trưởng thành nên ăn trung bình 300 – 400g rau tươi trong 2 bữa ăn chính, chế biến dưới dạng luộc, nấu canh hay xào ít dầu với thịt hay cá.
Nên thay đổi mỗi ngày từ 3 – 5 loại rau theo mùa như rau cải các loại, rau muống, rau dền, rau đay, rau mồng tơi, rau bầu, rau bí, rau khoai lang, cải bắp, su hào, súp lơ, củ cải…
Ăn sống nên chỉ dùng rau salad, rau diếp, các loại rau thơm (nhưng phải được rửa sạch cẩn thận) và hoa chuối thái mỏng, củ đậu, giá đỗ (nên chần nước sôi cho bớt hăng)…
Nguồn: https://tuoitre.vn/rau-xanh-nao-chua-benh-nhung-gay-tuong-tac-khi-uong-thuoc-20240929212150244.htm