Từ một loại rau dại mọc hoang dại ở các bờ đầm nuôi tôm, ruộng đất nhiễm mặn đã được anh Trần Văn Quân, nông dân xã Quỳnh Vinh (TX Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) trồng thành công, chăm sóc trở thành một loại rau đặc sản xứ Nghệ cho hiệu quả kinh tế cao.
1 ha trồng loại rau dại-rau nhót tại cánh đồng Doi, phường Mai Hùng (TX Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) của anh Trần Văn Quân cho thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm.
Anh Trần Văn Quân sinh năm 1984 ở thôn 13, xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai bén duyên với nghề trồng rau nhót cách đây khoảng 6 năm về trước. ‘
Vào năm 2018, anh Quân từ ở miền Nam về quê lập nghiệp, bản thân anh nhận thấy loại cây rau nhót mọc hoang dại ở các đầm tôm, các vùng đất nhiễm mặn ở phường Quỳnh Dị, Mai Hùng được người dân đi hái rồi đem ra chợ bán giá khá cao.
Do vậy anh đã tìm hiểu, tiến hành thầu 1 ha đất nhiễm mặn tại khu vực cánh đồng Dơi, phường Mai Hùng để trồng rau nhót.
Anh tiến hành khoan giếng đầu tư hệ thống tưới nước tự động, thuê máy móc, công nhân làm đất thành từng luống để trồng loại rau dại đặc sản này.
Công nhân Hợp tác xã Rau nhót Xứ Nghệ, TX Hoàng Mai (tỉnh Nghệ An) thu hoạch rau nhót để xuất bán đi các tỉnh, nhà hàng.
Ban đầu do chưa có kỹ thuật trồng rau nhót và chăm sóc nên cây phát triển chậm, héo rũ nên anh phải nhổ bỏ đi.
Sau một thời học hỏi anh kết hợp vừa trồng cây rau giống, vừa gieo hạt nên đã nhân giống rau nhót ra các ruộng khác, hiện nay anh đã chủ động được nguồn giống.
Tuy nhiên đến lúc cây rau nhót phát triển cho ra sản phẩm thì anh Quân lại gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, do vậy đã bị thua lỗ nhiều.
Rau nhót được anh Quân chăm sóc, làm cỏ, thu hoạch cẩn thận, tỉ mỉ.
Do chưa có kinh nghiệm trong việc thu hoạch, bảo quản nên rau nhót thường bị hư hỏng, khách hàng không nhận phải bỏ đi.
Anh Trần Văn Quân chia sẻ: “Trong giai đoạn đầu rất gian nan vất vả, nếu không có ý chí, nghị lực thì sẽ không được như ngày hôm nay.
Bản thân tôi phải bỏ công sức, thời gian tự mày mò, nghiên cứu rút ra kinh nghiệm cho mình trong quá trình nhân giống, chăm sóc để cho rau phát triển, cho sản phẩm đạt chất lượng, đó là một quá trình hàng năm trời tôi mới làm được”.
Với sự quyết tâm dám nghĩ dám làm, anh Quân đã không ngừng tìm tòi nghiên cứu trong khâu chăm sóc, thu hoạch bảo quản rau nhót.
Năm 2021 anh Quân cùng với 6 cộng sự khác đã thành lập Hợp tác xã rau Nhót xứ Nghệ do anh làm giám đốc, quảng bá rộng rãi sản phẩm đến với người tiêu dùng.
Hiện nay rau nhót Xứ Nghệ đã có mặt tại nhiều tỉnh thành trong cả nước và tại các nhà hàng trong tỉnh.
Để có rau nhót xuất bán hàng ngày anh Quân đã trồng rau lứa nọ kế tiếp lứa kia, thu hoạch cuốn chiếu, mỗi tháng xuất bán từ 5-6 tấn rau nhót.
Trong đó có các loại rau nhót bán như: bán xô giá từ 10.000-15.000 đồng/kg, loại rau nhót làm sạch cung cấp các nhà hàng ở thành phố lớn có giá từ 20.000-30.000 đồng/kg.
Rau nhót mỗi năm cho thu hoạch từ 9-10 tháng, doanh thu đạt gần 1 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó Hợp tác xã rau Nhót xứ Nghệ còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 10 lao động với thu nhập bình quân từ 6-7 triệu đồng/tháng.
Rau nhót-rau dại đặc sản được chăm sóc cẩn thận nên phát triển xanh tốt, có thời gian thu hoạch từ 9-10 tháng.
Rau nhót được trồng trên đất nhiễm mặn không sử dụng các loại phân hóa học hay thuốc bảo vệ thực vật mà chủ yếu sử dụng phân hữu cơ vi sinh được ủ trên 3 tháng để chăm bón nên đảm bảo chất lượng, an toàn, sạch.
Tuy nhiên việc chăm sóc rau đòi hỏi cẩn thận tỉ mỉ từ làm cỏ, bón phân, tưới nước, thu hoạch.
Trong thời gian tới anh Quân sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng thêm rau nhót, xây dựng thương hiệu rau nhót xứ Nghệ trở thành sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.
Qua việc xây dựng thương hiệu rau nhót sẽ góp phần đưa sản phẩm rau đến với các thị trường ở thành phố lớn, vào hệ thống siêu thị, cửa hàng rau sạch, với người tiêu dùng trong cả nước.
Lãnh đạo Thị xã Hoàng Mai (tỉnh Nghệ An) tham quan mô hình rau nhót Xứ Nghệ. Từ một loài rau dại mọc hoang trên đất nhiễm mặn, nay rau nhót trở thành rau đặc sản hút hàng.
Nguồn: https://danviet.vn/rau-nhot-loai-rau-dai-ten-nghe-mac-cuoi-mot-nguoi-nghe-an-trong-thanh-cong-thu-gan-1-ty-ha-20240627191317872.htm