Sáng 13.9, tiếp tục phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến với báo cáo của Chính phủ về phòng, chống tham nhũng năm 2024.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, khẳng định công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) tiếp tục được đẩy mạnh, đột phá; tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, ngăn chặn.
Các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ, điều tra, xử lý dứt điểm nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực.
Trong số này, có nhiều vụ án tham nhũng lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra nhận xét, công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về PCTNTC vẫn còn có những hạn chế.
Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức còn có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” dẫn đến tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, bị xử lý hình sự, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo cấp cao.
Nhiều trường hợp vi phạm về trách nhiệm nêu gương xảy ra tại chính các cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền về PCTNTC.
Báo cáo thẩm tra cũng chỉ ra một số hạn chế trong việc thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng.
“Việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn còn hạn chế; còn nhiều trường hợp sau khi cơ quan điều tra khám xét thì mới phát hiện khối tài sản lớn không kê khai, không rõ nguồn gốc” – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp vẫn chưa được khắc phục triệt để; tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực thi công vụ vẫn diễn ra.
Mặc dù các báo cáo trước đó đã nêu rõ các hạn chế nhưng theo Ủy ban Tư pháp, công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ chưa chuyển biến. Rất ít vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện qua tự kiểm tra.
Liên quan đến nội dung này, Chính phủ cũng nhận định, tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, không dám làm chậm được khắc phục; công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ vẫn chưa thực chất; vẫn để xảy ra một số vụ tham nhũng, tiêu cực lớn, gây bức xúc trong dư luận.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá, nhận diện đầy đủ các hạn chế và nguyên nhân để dự báo đúng tình hình tham nhũng; trên cơ sở đó xác định rõ nguyên nhân chủ yếu và đề ra giải pháp đột phá để phòng, chống có hiệu quả.
Cơ quan thẩm tra kiến nghị tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật; đề cao trách nhiệm, nhất là của người đứng đầu trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, bảo đảm PCTNTC, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng, đấu thầu, quản lý tài sản công.
Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, “tham nhũng vặt”, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Nguồn: https://laodong.vn/thoi-su/rat-it-vu-an-tham-nhung-duoc-phat-hien-qua-tu-kiem-tra-1393623.ldo