Giờ họ nổi tiếng, bị dư luận đào lại những phát ngôn, những sản phẩm âm nhạc nhạy cảm trước đây, họ phải quay sang xin lỗi, “tẩy trắng” hoặc xóa trong âm thầm.
Không đánh đồng tất cả nhưng thực tế cho thấy có một số nghệ sĩ thuộc cộng đồng underground, giới hip hop hoặc đi lên từ đó có suy nghĩ văn hóa cộng đồng này là thế. Tự do, phóng túng hết cỡ.
Chính điều đó dẫn đến những ứng xử lẫn việc thực hành “nghệ thuật” một cách “văng mạng”.
Hà Nội của bố của nhóm Tamka PKL (thời chưa tan rã) là một bản rap hay mà chẳng cần phải dùng những ca từ phản cảm, dung tục
“Rapper” bị gọi là “rácper”
Rapper B Ray vừa bị nhắc nhở vì những phát ngôn nhạy cảm từ 10 năm trước trên mạng. Trước đó, rapper từng bị “tuýt còi” vì bản rap Để ai cần có ca từ dung tục, xúc phạm, trù ẻo phụ nữ.
Chuyện của B Ray không hiếm. Từ những vụ việc ồn ào trước đó, có không ít con sâu làm rầu cả nồi canh. Để khi nhắc đến giới rapper, công chúng phần nào mất thiện cảm. Thậm chí có khán giả gọi “rapper” là “rácper”.
Các nghệ sĩ không chỉ dính phốt đời sống cá nhân hỗn loạn, phát ngôn thiếu chuẩn mực mà nhiều bài rap của họ còn phản cảm, dung tục, thậm chí đi ngược lại thuần phong mỹ tục.
Năm 2021, rapper Chị Cả bị xử phạt hành chính 35 triệu đồng vì Censored có lời lẽ dung tục, cổ xúy loạn luân.
Rap Nhà Làm từng thực hiện bài rap Thích Ca Mâu Chí châm biếm tên Thích – ca Mâu – ni của Đức Phật.
Ngoài nộp phạt 45 triệu đồng vì sản phẩm có nội dung xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo, nhóm phải đến tận văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam xin lỗi.
Không lãnh án phạt như Rap Nhà Làm hay Chị Cả nhưng nhiều rapper phải gỡ các bản rap gây tranh cãi. Ví dụ Bình Gold phải ẩn/gỡ các MV Bốc bát họ, Ông bà già tao lo hết, Trơn, Quan hệ rộng, Lái máy bay khỏi kênh YouTube vì chứa ca từ nhảm nhí, dung tục, cổ xúy nhiều vấn đề đi ngược chuẩn mực khiến dư luận bức xúc.
Rap chậm thôi của RPT MCK, RPT Jin, RZ Ma$ cũng biến mất khỏi kênh YouTube của nghệ sĩ vì những lý do tương tự.
Các rapper không thể “tiêu chuẩn kép”, vừa muốn “văng mạng”, chửi tục, thậm chí xúc phạm cả tôn giáo, cổ xúy loạn luân… một cách tự do bạt mạng vừa muốn nổi tiếng, “sống” được từ rap. Không chỉ nghệ sĩ, người dùng mạng xã hội phải tuân thủ pháp luật về an ninh mạng. Không thể thích gì nói đó, muốn gì viết nấy một cách thiếu trách nhiệm.
“Tầng mình” cũng theo chuẩn
Đáng nói không ít trường hợp có những phát ngôn, sản phẩm ở thời điểm trước khi họ nổi tiếng, hoạt động underground. Nhưng nhờ tham gia những game show viral như Rap Việt hoặc King of rap, họ được chú ý hơn, vì thế những phát ngôn trong quá khứ cũng được “đào” lại.
Ví dụ bản rap gây tranh cãi của Chị Cả được viết từ năm 2018 khi rapper chưa tham gia King of rap. Hay như rapper RPT Gonzo, khi khán giả hỏi “Anh và anh Tage có chung hình mẫu phụ nữ lý tưởng không?”, Gonzo đáp “Có và đấy là mẹ em”. Nếu Gonzo không thi Rap Việt, chưa chắc rapper này nhận về rổ gạch đá với phát ngôn ngược chuẩn đó.
Wowy và Rhymastic – hai rapper nổi tiếng hiện nay – trong quá khứ cũng từng có những sản phẩm bị chỉ trích.
Thời điểm đó, khi bị VTV nhận xét là rác, Rhymastic còn phát biểu: “Biết sao được. Người nhà đài chắc toàn người bên Phật pháp, không ‘mày tao’ hay dùng từ bậy bao giờ. Họ ở khác tầng mình mà”.
Ngay sau đó, nghệ sĩ cũng xóa chia sẻ trên.
Một rapper đình đám hiện nay với những bài rap mang thông điệp tích cực về quê hương, đất nước, truyền năng lượng cho các bạn trẻ nhưng trong quá khứ cũng từng có những bài rap có ca từ nhạy cảm.
Hiện những sản phẩm này đã được gỡ/ẩn một cách âm thầm trên Internet.
Rhymastic từng nhắc “tầng mình”, được hiểu nôm na là tầng toàn giới rapper hiểu nhau (underground/ hip hop). Trong văn hóa underground nói chung và hip hop nói riêng, ca từ chân thật, gai góc, mạnh mẽ, thậm chí trần trụi về những vấn đề gần gũi với cuộc sống được xem là một trong những đặc trưng.
Kể cả những trận battle, beef với những track diss (công kích), sử dụng không ít từ ngữ văng tục, phản cảm, công chúng khó chịu thì nói chung đó vẫn là một “món ăn” quen của giới rapper, thuộc về văn hóa rap.
Không có những ca từ dung tục, Mang tiền về cho mẹ của Đen Vâu vẫn được nhiều khán giả yêu thích
Không phủ nhận văn hóa này kích thích sáng tạo không biên giới, thể hiện cái tôi, bản ngã của nghệ sĩ và bản sắc của thể loại. Song nếu trước đây, giới rapper “chơi” với nhau trong tầng của mình là chính thì nay dưới tác động của Internet, ranh giới giữa mainstream và underground gần như bị xóa nhòa.
Sự “chơi” của họ không còn giới hạn trong phạm vi một nhóm, một cộng đồng mà ảnh hưởng hơn. Đặc biệt sau những chương trình như Rap Việt hay King of rap thì rap trở nên đại chúng hơn.
Nếu không thay đổi, thích ứng, rap “đụng độ” văn hóa truyền thống, “đụng độ” cả những quy định về ứng xử của nghệ sĩ, bị lên án là điều khó tránh khỏi. Thực tế cho thấy một số rapper như Đen Vâu, Binz, Rhymastic… cũng đã thay đổi mà vẫn không bị cho là mất bản sắc. Có gì mà căng?
Hồi xử phạt rapper Chị Cả, đại diện Cục Nghệ thuật biểu diễn nói với Tuổi Trẻ, nhạc rap hiện nay được yêu thích. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm có ca từ nhạy cảm, nội dung vi phạm các quy chuẩn đạo đức, pháp luật.
Không chỉ xử phạt hành chính, về lâu dài, cần có chế tài quản lý chặt chẽ, rõ ràng hơn để tránh ảnh hưởng đến công chúng và các nghệ sĩ. Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cũng đang tính đến việc phải xây dựng luật nghệ thuật biểu diễn.
Nguồn: https://tuoitre.vn/rapper-dung-de-bi-goi-la-racper-20240907095812074.htm