SGGPO
Nếu sinh viên có nguyện vọng đăng ký đi đào tạo lĩnh vực văn học, Nhà nước đều hỗ trợ kinh phí đi học. Nhưng thực tế, rất ít sinh viên đăng ký và ngoại ngữ lại trở thành rào cản rất lớn.
Ngày 28-11, tại Hà Nội, Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VH-TT-DL) đã tổ chức hội thảo “Nâng cao sáng tác văn học trẻ”.
Tại hội thảo, các nhà văn, nhà thơ, chuyên gia đã tập trung thảo luận một số vấn đề như tổng quan hoạt động sáng tác văn học trẻ hiện nay; những điểm mạnh và hạn chế của hoạt động sáng tác văn học trẻ; công tác phát triển văn học thông qua cuộc thi, giải thưởng văn học, trại sáng tác; chính sách hỗ trợ, đào tạo các nhà văn trẻ…
Theo nhà thơ Trần Hữu Việt, Trưởng Ban Nhà văn trẻ (Hội Nhà văn Việt Nam), Hội viên trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam có tuổi đời dưới 35 nhưng họ sở hữu “gia tài” ấn tượng. Bên cạnh lối viết truyền thống, nhiều cây bút trẻ đã có những tìm tòi, thể nghiệm, bắt kịp nhiều khuynh hướng sáng tác mới của thế giới hiện nay như văn học phi hư cấu, tiểu thuyết giả tưởng hay hiện thực huyền ảo… Một số người quay về với tiểu thuyết trinh thám, kinh dị, tạo thành bức tranh văn chương phong phú. Hiện tượng đáng lưu ý là gần đây, nhiều tác giả trẻ tập trung vào đề tài lịch sử, lý giải lịch sử bằng cái nhìn đương đại.
Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng sáng tác văn học trẻ, nhà thơ Trần Hữu Việt cho rằng, trước hết cần quan tâm vấn đề đào tạo nhân lực; tiếp theo là tổ chức các cuộc thi văn học với giải thưởng uy tín, giá trị cao nhằm cổ vũ, khích lệ người trẻ vững tâm đi tiếp trên con đường văn học. Cùng với đó, Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ các cây bút trẻ xuất bản tác phẩm, có thể thông qua đặt hàng…
Cũng chung trăn trở trở này, nhiều chuyên gia chỉ rõ trong thực tế, có những cây bút trẻ mang trong mình khát khao được trở thành những nhà văn, nhà thơ. Tuy nhiên, không phải ai cũng tìm được cho mình hướng đi đúng đắn, định vị được tên tuổi trong đời sống văn chương. Do đó, rất cần sự quan tâm, đầu tư đúng mức, có trọng tâm, trọng điểm nhằm tạo ra một lực lượng sáng tác trẻ tài năng, trách nhiệm, đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ, phát triển văn hoá quốc gia.
Theo nhà văn Trịnh Thị Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, đời sống xã hội đang đặt ra nhiều đòi hỏi gay gắt về nhu cầu vật chất của từng cá nhân, từng gia đình. Hầu hết tác giả trẻ vẫn phải vật lộn với công việc mưu sinh. Văn chương chưa được xem như một nghề để dồn mọi tâm huyết sống chết cùng trang viết thì nhiều dự định, nhiều hoài bão, nhiều ý tưởng vẫn còn chông chênh, rơi rớt.
Nhiều tác giả trẻ cũng đã dừng bước trên hành trình nhọc nhằn chữ nghĩa bởi chưa đủ đam mê và cũng chưa đủ cô đơn để dành hết tâm lực cho văn chương. Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM đề xuất về nâng cao chất lượng sáng tác văn học trẻ thông qua các giải thưởng nhằm khuyến khích khởi nghiệp văn chương trong sinh viên các trường đại học, khơi dậy đam mê văn chương với thế hệ trẻ. Bà nêu rõ, Nhà nước cần gấp rút có chiến lược đầu tư cho quảng bá văn học ra thế giới…
Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Tạ Quang Đông nhấn mạnh, văn học Việt Nam đang có sức sống mãnh liệt bởi các thế hệ trẻ ngày nay đang tiếp bước thế hệ bậc cha anh. Văn học là nền tảng đặc biệt quan trọng giúp nền văn học, nghệ thuật Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Nhiều bộ phim hay, vở kịch nổi tiếng, ca khúc… đều dựa trên chất liệu văn học. Nếu không có văn học, nghệ thuật sẽ mất đi hẳn “mảnh đất” để phát triển.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhận định, văn học Việt Nam hiện nay đang đối mặt với vấn đề thiếu vắng những cây viết trẻ, một phần đến từ thế hệ trẻ chưa định hình được nghề viết văn sẽ đem lại những giá trị gì. Giới trẻ ngày nay phải hiểu rằng văn học chính là một trong những nền tảng phát triển của xã hội. Sáng tác văn học giúp ích rất nhiều cho các lĩnh vực. Một sinh viên tốt nghiệp ngành này có thể viết kịch bản, phê bình văn học, làm dịch giả, phóng viên… Thực tế, đây đều là các ngành đang “khát” nhân lực.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông cũng cho biết, Bộ VH-TT-DL đang triển khai Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030. Trong đó, Đề án có đề cập đến lĩnh vực lý luận và sáng tác văn học. Bộ VH-TT-DL cũng đặc biệt tạo điều kiện cho những bạn trẻ đăng ký đi đào tạo lĩnh vực văn học. Những trường đại học danh tiếng nhất trên thế giới, đủ điều kiện để công nhận bằng và nếu sinh viên có nguyện vọng, Nhà nước đều hỗ trợ kinh phí đi học. Nhưng thực tế, rất ít sinh viên đăng ký và nếu có, ngoại ngữ lại trở thành rào cản rất lớn.
Trong thời gian tới, Thứ trưởng Tạ Quang Đông mong muốn lực lượng các cây viết trẻ không ngừng học hỏi kỹ năng; hăng say sáng tác, cho ra đời những tác phẩm mang đậm giá trị tư tưởng, văn hóa, lịch sử. Bộ VH-TT-DL luôn sẵn sàng tổ chức các trại sáng tác cho các cây viết trẻ để học hỏi, sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học của mình. Bộ VH-TT-DL cũng đang nỗ lực xây dựng dự thảo Nghị định về hoạt động văn học, tạo đà cho sự phát triển của văn học Việt Nam, nhất là văn học trẻ.