Ông Donald Trump ngày 4/4 đã trở thành cựu tổng thống Mỹ đầu tiên bị truy tố trong một vụ án hình sự sau cuộc điều tra của đại bồi thẩm đoàn về các khoản tiền bịt miệng được thực hiện được cho là nhân danh ông trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016.
Tại phòng xử án tại Tòa Hình sự quận Manhattan, bản cáo trạng nhằm vào cựu Tổng thống đã được công bố, trong đó ông Trump bị đề nghị truy tố với 34 tội danh. Tất cả các tội danh mà cựu Tổng thống Trump bị đề nghị truy tố đều liên quan đến việc “làm giả hồ sơ kinh doanh”.
Trên thực tế, một đại bồi thẩm đoàn đã dành nhiều tuần họp kín để điều tra vai trò liên quan của ông Trump trong khoản thanh toán 130.000 USD được thực hiện vào năm 2016 cho cựu diễn viên phim khiêu dâm Stormy Daniels để ngăn cô này công khai hành vi quan hệ tình cảm mà cô này nói rằng từng có với ông Trump nhiều năm trước đó.
Luật sư của ông Trump, Michael Cohen được cho là đã trả tiền cho Daniels, thông qua một công ty vỏ bọc trước khi được ông Trump hoàn trả. Công ty của ông Trump là Trump Organization ghi việc trả tiền như là “chi phí pháp lý”. Daniels cũng nói đã nhận được khoản tiền 130.000 USD trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 để giữ kín sự việc này.
Cũng vào năm 2016, ông Cohen còn sắp xếp khoản tiền “bịt miệng” cựu người mẫu Playboy Karen McDougal khi có nguồn tin cho rằng cô có quan hệ tình cảm với ông Trump.
Người mẫu McDougal cho biết cô đã bán câu chuyện của mình với giá 150.000 USD cho American Media Inc (AMI), nhưng nó chưa bao giờ được công khai. Điều này có thể do một số hoạt động nhằm ngăn chặn bài báo có khả năng gây tổn hại danh tiếng người khác nếu được xuất bản.
Tuy nhiên, ông Trump phủ nhận từng quan hệ tình dục với hai phụ nữ trên. Trong khi đó, ông Cohen đã nhận tội vi phạm luật tài chính liên bang về chiến dịch tranh cử liên quan đến các khoản thanh toán và đã bị kết án 3 năm tù tại tòa án liên bang ở New York.
Các công tố viên liên bang nói rằng các khoản thanh toán là bất hợp pháp, hỗ trợ bất hợp pháp cho chiến dịch tranh cử của ông Trump.
Thông tin vụ truy tố chưa từng có tiền lệ này được đưa ra khi ông Trump, một thành viên đảng Cộng hòa, phải đối mặt với các cuộc điều tra pháp lý khác và đang nỗ lực chạy đua trở lại Nhà Trắng vào năm 2024. Các cuộc điều tra nhắm vào ông có thể định hình lại cuộc đua tổng thống.
Theo các chuyên gia, vụ truy tố lần này là thử thách lớn đối với đảng Cộng hòa, vốn đã bị chia rẽ về việc có nên ủng hộ ông Trump vào năm tới hay không, và cũng là cuộc thử nghiệm cho nền dân chủ của nước này.
Nhưng vụ kiện ở New York chỉ là một trong nhiều rắc rối pháp lý mà ông Trump đang phải đối mặt. Bộ Tư pháp Mỹ cũng đang điều tra về cáo buộc ông lưu giữ các tài liệu tuyệt mật của chính phủ tại tư dinh Mar-a-Lago ở Florida sau khi rời Nhà Trắng. Các nhà điều tra liên bang còn đang điều tra cuộc bạo loạn ngày 6/1/2021 tại Điện Capitol của những người ủng hộ ông Trump và các nỗ lực nhằm lật ngược cuộc bầu cử năm 2020 của ông. Tại bang Georgia, ông Trump và các đồng minh cũng đang bị điều tra về việc có can thiệp bất hợp pháp vào cuộc bầu cử năm 2020 hay không.
Ranh giới bị phá vỡ?
Trong hơn hai thế kỷ qua, các tổng thống Mỹ đã được bảo vệ hiệu quả trước bất kỳ cáo trạng tội danh nào. Nhưng vụ truy tố nhằm vào cựu Tổng thống Trump dường như đã phá vỡ điều cấm kỵ đó và tạo ra tiền lệ mới.
Thực tế cho thấy, nhiều điều không thể tưởng tượng được đã lần đầu tiên xảy ra kể từ khi ông Trump trở thành chủ nhân Nhà Trắng vào năm 2016. Nhiều ranh giới đã bị vượt qua, nhiều sự kiện không tưởng đã gây chấn động thế giới đến mức dường như giờ đây không có nhiều bất ngờ khi có tin ông Trump bị truy tố.
Trong lịch sử Mỹ, các tổng thống đã được tôn vinh, ngay cả những người vướng vào bê bối, được tuyên bố miễn trừ truy tố khi còn đương chức và kể cả sau đó.
Chưa một tổng thống đương nhiệm hay tiền nhiệm nào của Mỹ bị truy tố hình sự. Trong lịch sử Mỹ, chỉ có một số ít tổng thống từng lo lắng về việc bị truy tố sau nhiệm kỳ. Cựu Tổng thống Richard M. Nixon được người kế nhiệm Gerald R. Ford ân xá 1 tháng sau khi từ chức, giúp ông không bị truy tố trong vụ bê bối Watergate.
Cựu Tổng thống Bill Clinton đã đạt được thỏa thuận với các công tố viên vào ngày cuối cùng tại chức, trong đó ông thừa nhận khai gian dối về mối quan hệ của mình với thực tập sinh Nhà Trắng Monica S. Lewinsky. Ông Bill Clinton sau đó từ bỏ giấy phép hành nghề luật sư trong 5 năm và nộp phạt 25.000 USD để đổi lấy việc không phải đối mặt với cáo buộc tội danh.
Điều cấm kỵ đó giờ đây đã bị phá vỡ và một tiền lệ mới dường như đã được thiết lập. Và nhiều câu hỏi đặt ra như liệu vụ việc này có chia rẽ đất nước như một số người lo ngại khi đưa một cựu tổng thống ra xét xử? Liệu động thái này có được nhiều người trong và ngoài nước coi là thực thi công lý hay không?
Giáo sư Jack L. Goldsmith, một cựu quan chức hàng đầu của Bộ Tư pháp dưới thời Tổng thống George W. Bush, cho rằng: “Cho dù bản cáo trạng thế nào thì nó cũng vượt qua ranh giới lớn trong chính trị và lịch sử pháp luật Mỹ”.
Do đó, dù vụ việc không đủ để làm rúng động nước Mỹ thì nó cũng sẽ đánh dấu lần đầu tiên xảy ra và có thể là không phải lần cuối cùng. Ông Trump có thể phải đối mặt với bản cáo trạng thứ hai ở Georgia và bản thứ ba từ các công tố viên liên bang.
Ông Michael J. Gerhardt, giáo sư luật hiến pháp tại Đại học Bắc Carolina, cho rằng dù được hiểu theo cách nào thì rõ ràng theo quy định của Hiến pháp Mỹ, không có cựu tổng thống nào được miễn trừ trách nhiệm hình sự.
Trong khi đó, các đồng minh của ông Trump đã coi vụ truy tố ở Manhattan là “âm mưu chính trị” và tuyên bố việc truy tố là bất hợp pháp vì nó do một đảng viên đảng Dân chủ đưa ra.
Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jim Jordan gọi cuộc điều tra ở Manhattan là “một trò lừa bịp” và đặt câu hỏi liệu chính phủ liên bang có chi ngân sách cho hoạt động này hay không. “Chúng tôi không tin ông Trump vi phạm luật”, ông Jordan tuyên bố.