Không chỉ mang đến cho đời một sản vật quý giá, nghề yến còn góp phần làm nên danh tiếng “rừng trầm - biển yến” trong dọc dài hành trình lịch sử xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa.
Tự hào nghề truyền thống
Mỗi lần có dịp gặp những người dân gắn bó với nghề yến ở phường Vĩnh Nguyên, Vĩnh Trường (TP. Nha Trang), những câu ca “Nội, ngoại chập chùng biển sóng/Yến về từ khắp tây đông/Rút ruột, nuôi con, làm tổ/Cho người mạnh, đẹp non sông” lại vang lên. Người dân Khánh Hòa xưa nay vẫn truyền nhau câu chuyện về loài chim biển bé nhỏ được Quan Thế Âm Bồ Tát thả xuống trần gian, làm bạn với dân vạn chài. Chim yến không giống với những loài chim khác, từ dáng vẻ tới tập tính sinh thái, làm tổ từ tinh huyết chính mình ở những vách đá cheo leo nơi đảo xa vắng vẻ. Đặc biệt, loài chim bé nhỏ đó mang lại cho con người một sản vật quý giá là tổ yến. Dưới thời các chúa Nguyễn, nghề yến phát triển mạnh, những tổ yến màu trắng đục nhỏ chỉ bằng cái chén uống trà bổ dọc là một trong nhiều mặt hàng xuất khẩu chiến lược của xứ Đàng Trong.
Theo một số tài liệu văn hóa dân gian, nghề yến đã có cách đây gần 700 năm. Câu chuyện bắt đầu với việc tướng quân nhà Trần là Lê Văn Đạt đến khu vực đảo Hòn Tre vào năm 1328. Năm đó, thuyền của Đề đốc Lê Văn Đạt gặp bão đánh dạt vào đảo Hòn Tre và ông đã cùng binh lính lập thôn Bích Đầm, tìm ra các đảo xung quanh, phát hiện đàn chim yến và tìm cách khai thác yến sào. Vì thế, Đề đốc Lê Văn Đạt được nhân dân làng biển Bích Đầm tôn xưng là phúc thần và thờ trong đình làng; cộng đồng người làm nghề yến tôn ngài là thủy tổ nghề yến Khánh Hòa.
Về sau, hậu duệ đời thứ 21 của Đề đốc Lê Văn Đạt là an phủ sứ Bình Khang Lê Văn Quang, cùng con gái là Đại Đô đốc Lê Thị Huyền Trâm đã có công lớn trong việc bảo vệ, khai thác yến sào. Chuyện xưa kể lại, vào ngày 10/5 năm Kỷ Sửu (1793), Đại Đô đốc Lê Thị Huyền Trâm cùng với cha đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền lãnh hải và các đảo yến. Từ đó, nhân dân suy tôn bà Lê Thị Huyền Trâm là Bảo yến đảo chủ Thánh Mẫu, lập miếu thờ trên các đảo yến.
Trong suốt gần 700 năm nay, bao thế hệ người làm nghề yến vẫn âm thầm cha truyền, con nối canh giữ các đảo yến, chung sống và bảo vệ đàn chim yến không ngừng sinh sôi, nảy nở. Trước đây, khi việc tiếp cận các đảo còn khó khăn, dân cư thưa thớt, người dân ít ra đảo, chim yến thường tập trung làm tổ trong các hang động thiên nhiên, công cụ khai thác chỉ thô sơ gồm tre làm giàn giáo, sào chĩa và dựng những căn chòi tạm trú, kết bè, thuyền vận chuyển vật phẩm cần thiết trong mùa khai thác, thu hoạch cho sinh hoạt của những người khai thác yến và canh giữ đảo. Để đến hôm nay, nghề khai thác, chế biến yến sào bước lên một tầm cao mới với niềm tự hào về một nghề truyền thống độc đáo của vùng đất, con người Khánh Hòa.
Trở thành di sản quốc gia
Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định về việc đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Tri thức khai thác và chế biến yến sào ở Khánh Hòa”. Sau bao nỗ lực gìn giữ, phát triển, nghề yến truyền thống lâu đời của người dân Khánh Hòa đã nhận được sự ghi nhận, vinh danh. Thông tin này đã mang đến niềm vui, tự hào, xen lẫn sự xúc động cho những người gắn bó lâu năm với nghề yến. Sau biết bao thăng trầm, vui buồn cùng nghề, rồi cũng đến một ngày nghề yến thực sự được rạng danh”, ông Võ Văn Cam (đường Nguyễn Văn Thành, phường Vĩnh Nguyên) cho biết.
Cũng theo ông Cam, trong những câu chuyện kể về nghề yến trước ngày giải phóng, hình ảnh những người làm nghề yến có đời sống vô cùng vất vả, tính mạng cũng bấp bênh. Đến tháng 11/1990, Công ty Yến sào Khánh Hòa được thành lập và hiện tại là Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Yến sào Khánh Hòa. Qua đó, nghề yến không chỉ được giữ gìn, nâng tầm mà còn có đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, không gian văn hóa liên quan đến nghề yến không chỉ tập trung ở một địa điểm mà ở 33 đảo và 173 hang yến. Không gian văn hóa của nghề yến còn có các công trình tín ngưỡng. Ngoài ra, còn có các địa điểm sản xuất, chế biến yến sào trên địa bàn toàn tỉnh. Những tri thức, kinh nghiệm trong quá trình hành nghề đã tạo nên một nghề truyền thống của địa phương và được duy trì, tồn tại qua mấy thế kỷ, góp phần làm đa dạng, phong phú di sản văn hóa phi vật thể ở Khánh Hòa.
Nghề yến đã để lại những di tích lịch sử có giá trị về nhiều mặt, hình thành nên lễ hội yến sào và được thực hành hằng năm. Việc nghề yến được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia chính là một cách để bảo vệ, giữ gìn nghề truyền thống này được phát triển bền vững.
Nhân Tâm
Nguồn: https://vietnamnet.vn/rang-danh-nghe-yen-khanh-hoa-2368425.html
Bình luận (0)