MỹMột con rắn mũi hếch ở Georgia cảm thấy bị đe dọa bởi thợ bắt rắn, nó quằn quại giả chết, phần miệng há to và lưỡi ngoẹo sang một bên.
Chuyên gia bắt rắn James Dowling của tổ chức Houston County Georgia Snake Removal & Relocations ghi lại mánh khóe giả chết của một con rắn mũi hếch phương đông, loài rắn bản xứ tại bang Georgia, Mỹ, hôm 21/5, thu hút hơn 254.000 lượt xem trên Facebook, theo Newsweek. Là một cơ chế tự vệ, rắn mũi hếch thường giả vờ chết cứng với hy vọng vật đe dọa nó sẽ mất hứng thú và bỏ đi. Ngay khi mối nguy hiểm qua đi, nó sẽ hoạt động bình thường và tiếp tục kiếm ăn.
Mẹo giả vờ trên có tên khoa học là thanatosis. Rắn mũi hếch phương đông hay còn gọi là rắn phì, nổi tiếng với hành vi này, dù đôi khi các nhà nghiên cứu cũng gặp ở các loài rắn khác. Theo trình tự, con rắn sẽ quằn quại dữ dội trong vài giây rồi nằm ngửa bụng, phần miệng há to và lưỡi ngoẹo sang một bên.
“Hành vi đó dựa trên ý tưởng hầu hết động vật không ăn xác thối”, Mark O’Shea, giáo sư bò sát học ở Đại học Wolverhampton, Anh, giải thích. “Nếu giả chết, động vật săn mồi tiềm năng có thể để nó yên”.
Theo sách Herpetology, hành vi giả chết thường đi kèm với hoạt động bài tiết. Trong video của Dowling, khi con rắn giãy giụa, chất bài tiết bắn ra qua cơ thể đầy vảy của nó. Các nhà khoa học chưa rõ nguyên nhân dẫn tới điều đó, nhưng họ đoán nó có thể liên quan tới chế độ ăn của con rắn.
Rắn mũi hếch phương đông đặc biệt thích ăn cóc và miễn dịch với chất độc dùng để tự vệ của con mồi, theo Đại học Georgia. Tuy nhiên, một phần chất độc có thể nằm trong phân rắn, đóng vai trò như cơ chế hóa học phụ để xua đuổi động vật ăn thịt. Khi rắn mũi hếch giả chết, nó đang sợ hãi. Áp lực cực lớn khiến nó tiêu hao nhiều năng lượng.
Rắn mũi hếch phương đông sinh sống khắp miền đông nước Mỹ và có thể dễ dàng nhận biết qua phần mũi đặc trưng. Chúng dài khoảng hơn một mét và không gây nguy hiểm cho con người. Dù có nọc độc nhẹ, chất độc của chúng chỉ gây hại cho con mồi.
An Khang (Theo Newsweek)