Ở vùng đất Tây Nguyên xa xôi đầy nắng và gió cũng có những phiên chợ tình.
Chợ tình phiên bản Tây Nguyên diễn ra vào độ rằm tháng giêng tại một xã vùng sâu nằm trên địa bàn huyện Krông Năng, thuộc tỉnh Đắk Lắk.
Krông Năng cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 80km về phía đông bắc. Nơi đây nổi tiếng với huyền thoại về cô gái người dân tộc Ê Đê xinh đẹp tên là Hơ Năng. Vì tình yêu đối với buôn làng, nàng đã đánh đổi cả mạng sống của mình để đi tìm nguồn nước cứu sống dân làng trong mùa hạn hán. Tên của nàng đã gắn liền với dòng sông Krông Năng tuôn trào và thác nước Thủy Tiên tuyệt đẹp.
Đây còn là miền đất hứa. Vì thế, từ lâu đã trở thành nơi hội tụ của rất nhiều dân tộc anh em, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc như Tày, Nùng, Thái, Dao, Mông…
Những cuộc du canh du cư mang theo nét văn hóa đặc sắc vùng miền của họ đến với vùng đất này đã điểm thêm nét đẹp rạng ngời cho nền văn hóa đa sắc tộc Krông Năng, mà chợ tình phiên bản là một ví dụ điển hình.
Chợ tình Ea Tam thường được tụ họp trong vòng hai ngày là 14 và 15 âm lịch của tháng giêng. Lạ lùng, ngỡ ngàng là tâm trạng chung của những ai lần đầu đi phiên chợ tình đặc biệt này.
Không gian chợ tình được bố trí trên một bãi đất trống rộng. Cổng chợ được kết bằng tre và treo băng rôn màu đỏ rực rỡ. Ở chính giữa khu chợ bố trí một thân cây tre cao vút với một vòng tròn trên đỉnh để chuẩn bị cho trò chơi ném còn.
Khắp nơi, lều trại bằng bạt được căng lên và trang trí lộng lẫy giống hệt kiểu cắm trại đầu xuân.Tất cả mọi thứ khác cũng được chuẩn bị công phu, sẵn sàng từ trước đó nhiều ngày.
Có thể gọi chợ tình rằm tháng giêng ở Ea Tam bằng nhiều cái tên khác nhau như hội chợ, hội trại hay lễ hội văn hoá… mà tên nào cũng thấy đúng. Bởi lẽ, đến ngày chợ tình diễn ra, chỉ cần bước vào cổng chợ là có thể bị thu hút trước hàng loạt những gian hàng bán đủ các mặt hàng hóa từ đồ mỹ nghệ, quần áo, mỹ phẩm đến ẩm thực…
Dường như sau mười ngày ăn Tết thì đây là dịp để mọi người đi mua sắm vật dụng đầu năm. Từ sáng sớm chợ tình đã tấp nập người bán, kẻ mua. Ai cũng rạng rỡ, hớn hở vì thuận mua vừa bán.
Đến với chợ tình Ea Tam, ấn tượng nhất vẫn là món thịt heo quay và thịt trâu sạch, vừa thơm ngon, vừa an toàn. Vào những ngày này, người dân mổ rất nhiều heo và trâu để cúng, sau đó thì ăn, phần dư ra để bán.
Thịt trâu dai, thơm ngon được xem là đặc sản số 1 của chợ tình Ea Tam. Vì thế du khách đi chợ tình về ai cũng cố gắng mua cho được tối thiểu 1kg thịt trâu làm quà.
Cùng với đặc sản thịt thì còn phải kể đến các món xôi và bánh trái đặc trưng của đồng bào miền Tây Bắc. Đó là món xôi ngũ sắc, xôi sắn hay các loại bánh lá như bánh dày, bánh giò, bánh láo khoải, bánh chưng đen…
Không chỉ có vậy, trong khuôn viên chợ còn trang hoàng một sân khấu lớn phục vụ các hoạt động văn nghệ và cả sân khấu lô tô để phục vụ việc vui chơi, giải trí của mọi người.
Có thể nói, ngoài không khí hội trại thì chợ tình Ea Tam còn phảng phất dư vị của một lễ hội văn hóa dân gian đúng nghĩa. Đó là sự xuất hiện của người đại diện chính quyền và những ông thầy mo làm nghi lễ cúng quả đầu năm bên những bàn mâm quả được bày biện công phu. Đó còn là sắc màu sặc sỡ từ những bộ y phục truyền thống của những người dân tham gia chợ tình.
Chợ tình vào đêm càng trở nên lung linh, rực rỡ bởi ánh sáng của những đống lửa và các loại đèn điện. Lúc này bước vào chợ tình sẽ có cảm giác như đang lạc vào một lễ hội âm thanh và vũ điệu đậm đà phong vị Tây Bắc.
Sự náo nhiệt của các loại kèn, sáo; những điệu múa, điệu nhạc thực sự cuốn hút lòng người. Đó cũng là lúc nhiều chàng trai, cô gái người dân tộc thiểu số xúng xính y phục của dân tộc mình rảo bước về phía sân khấu.
Phần lớn họ thuộc đội văn nghệ vì trên tay ai nấy đều cầm theo dụng cụ âm nhạc. Trên sân khấu rực sáng ánh đèn. Những nghệ nhân, ca sĩ không chuyên đang cháy hết mình với tiết mục ca hát hoặc đánh đàn, thổi sáo…
Phía dưới khán đài, một lượng khán giả đông đảo người ngồi, người đứng chật ních cả một khoảnh đất rộng. Cứ sau mỗi tiết mục thì tiếng vỗ tay tán thưởng lại vang lên rầm rộ.
Ở khu vực giữa chợ, chỗ cây tre ném còn, tụ tập rất đông người. Họ đứng thành từng vòng tròn, hò hét, cổ vũ cho những trò chơi dân gian quen thuộc đầu xuân của đồng bào các dân tộc Tây Bắc như đi cà kheo, ném còn, kéo co, đẩy gậy…
Thực tế cho thấy là đi chợ tình ban đêm thi vị, lãng mạn hơn ban ngày rất nhiều. Thời điểm này thì khí trời dịu mát cùng ánh trăng đêm rằm sáng trong dịu nhẹ, rất thích hợp cho các đôi nam nữ tâm tình, trò chuyện riêng tư.
Cái khoảnh khắc rất riêng ấy mới thực sự thể hiện đúng nghĩa hai tiếng chợ tình. Và tất nhiên là sẽ có rất nhiều đôi nam nữ nên duyên thành vợ chồng sau thời khắc tâm tình ấy. Về điểm này có thể nhận thấy nét chung giữa chợ tình Ea Tam và chợ tình Sa Pa. Cũng chính vì vậy mà nhiều người gọi đây là chợ tình phiên bản.
Sau hai ngày hoạt động huyên náo, chợ tình phiên bản Ea Tam khép lại. Mọi người dân lại quay trở về với cuộc sống lao động thường ngày. Tuy mệt mỏi vì thức đêm nhưng dường như ai cũng có cảm giác được tiếp thêm một nguồn năng lượng dồi dào, mới mẻ; thấy cuộc đời thật đáng yêu và ý nghĩa.
Còn với những du khách đã tham gia chợ tình, dư vị hoang sơ, đa âm, đa sắc, đa màu, đậm đà phong vị núi rừng Tây Bắc sẽ còn vương vấn mãi.
Tuoitre.vn