SGGPO
Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, tại các luồng lạch cửa biển và cảng cá ở TP Quy Nhơn và Đề Gi (Bình Định) xuất hiện nhiều điểm đen rác thải tồn tại trong thời gian dài đang gây ô nhiễm môi trường nước và sinh thái.
Từ phản ánh của người dân địa phương, PV Báo SGGP đã ghi nhận thực trạng rác thải tràn ngập tại khu vực cảng cá Đề Gi (huyện Phù Cát, Bình Định). Dọc tuyến kè tiếp giáp cảng cá Đề Gi đoạn qua các thôn An Quang Đông, An Quang Tây (xã Cát Khánh, Phù Cát), trải dài hàng trăm mét ven bờ kè bị bủa vây bởi muôn loại rác thải sinh hoạt. Tại nhiều điểm, rác thải chất đống từ bờ kè ra tới mặt nước cửa biển Đề Gi, đa số đều là rác thải nhựa, túi ni lông khó phân hủy…
Hiện trường rác thải chất đống kéo dài hàng trăm mét ở kè chắn sóng Đề Gi |
Tại tuyến kênh giáp với 2 thôn An Quang Đông, An Quang Tây có hàng chục cơ sở sản xuất mực xà, xung quanh những lớp nhà nhếch nhác là tràn ngập rác thải. Dòng kênh này hiện đã biến thành con kênh ngập ngụa rác thải nhựa, chất thải bốc mùi hôi thối…
Đủ loại rác thải rất khó phân hủy đang “đầu độc” cửa biển Đề Gi |
Cống thoát nước thải từ phía xã Cát Khánh, huyện Phù Cát chảy ra cửa biển có màu đen, hôi thối |
Tiếp tục đi vào khu vực cảng cá Đề Gi, nhiều ngư dân, công nhân đang bốc xếp hải sản và ngang nhiên xả rác thải, túi nilon xuống vùng mặt nước cửa biển dù trong khuôn viên cảng cá có thùng rác.
Tại khu vực giáp ranh phía Đông cảng cá Đề Gi (vị trí trước mặt Trạm Kiểm soát Biên phòng Đề Gi) cũng đang tồn tại bãi rác lớn tràn ngập ra cả vùng mặt nước…
Rác thải bủa vây khu vực biển giáp ranh cảng cá Đề Gi |
Bãi rác, xác tàu cá ngổn ngang bên cạnh cảng cá Đề Gi |
Bãi rác đang tràn ra cửa biển ngay sát cảng cá Đề Gi từ phía Đông |
Theo tìm hiểu, rác thải tràn lan dọc khu vực cảng cá Đề Gi đa số là rác sinh hoạt của các hộ dân ở 2 thôn An Quang Đông, An Quang Tây, nhiều nhất phát sinh từ hoạt động của khoảng 60 hộ dân chuyên sản xuất mực xà. Ngoài ra, các hoạt động từ cảng cá và neo đậu tàu thuyền ngư dân cũng góp phần gia tăng lượng rác thải đầu độc nơi cửa biển này.
Nhiều hộ dân ở thôn An Quang Đông phản ánh, do phía công ty thu gom rác chậm, mỗi tuần chỉ thu gom 2 lần nên bà con đưa rác ra cửa biển đổ cho khỏi hôi.
Con kênh biến thành kênh rác dọc các cơ sở chế biến mực xà 2 thôn An Quang Đông, An Quang Tây |
Đoạn kênh chảy tràn rác thải, chất thải hôi thối |
Tương tự, tại khu vực cửa biển Quy Nhơn kéo dài từ cảng cá Quy Nhơn vào sâu luồng cảng neo đậu tàu cá thuộc phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn) rác thải bủa vây khắp nơi.
Rác thải trôi lềnh bềnh ở cảng cá Quy Nhơn và ngày 11-5 |
Thời điểm vào 11-5, vùng mặt nước khu vực phía Tây giáp ranh cảng cá Quy Nhơn (vị trí gần trụ sở Cảnh sát Giao thông đường thủy) rác thải trôi lềnh bềnh cả vùng mặt nước. Một vài người dân cho biết, hằng ngày, rác thải từ nhiều hướng xả ra cửa biển trôi dạt khắp vùng mặt nước, đến mùa mưa thì trôi ra biển…
Rác thải tràn lan sát bên cảng cá Quy Nhơn vào ngày 16-5 |
Rác thải tấp tràn lan tại cảng neo đậu tàu cá thuộc phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn) |
Đến ngày 16-5, dù đã có những cơn mưa lớn nhưng lượng rác thải tồn tại rất lớn quanh khu vực cảng cá Quy Nhơn. Rác trôi dạt và tấp vào các khu vực neo đậu tàu cá, tồn tại thành từng bãi trên vùng mặt nước…
Trả lời PV Báo SGGP về thực trạng rác thải “đầu độc” cửa biển Đề Gi, ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Khánh cho biết, UBND xã đã hợp đồng với 1 công ty rác thải và hỗ trợ mỗi tháng 10 triệu đồng để thu gom, giảm áp lực rác thải khu vực cửa biển Đề Gi, đoạn thuộc địa phương quản lý. Bên cạnh đó, khoảng 90% người dân thống nhất đóng tiền để thu gom rác thải. Tuy nhiên, còn nhiều hộ dân vẫn giữ thói quen xả rác ra cửa biển rất khó để vận động, xử lý.
Cả vùng cửa biển sát chân kè Đề Gi biến thành bãi rác kéo dài hàng trăm mét |
“Tới đây chúng tôi sẽ đẩy mạnh vận động bà con 2 thôn An Quang Đông, An Quang Tây và nhất là các hộ sản xuất mực xà không được xả rác thải ra kênh, cửa biển. Địa phương sẽ tiếp tục làm việc với đơn vị xử lý rác để tăng mức hỗ trợ nhằm giải quyết câu chuyện rác thải. Đối với các cơ sở chế biến mực xà, chúng tôi đã kiến nghị lên huyện, tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa tìm được khu quy hoạch tập trung nên vẫn tự phát rất khó xử lý”, ông Hiếu cho biết thêm.
Dòng kênh biến thành kênh rác… |
Rác tấp đầy vùng mặt nước cửa biển sát cảng cá Đề Gi |
Cũng theo ông Hiếu, rác thải cũng phát sinh từ hoạt động cảng cá Đề Gi và các tàu thuyền neo đậu khi vào cảng. Tuy nhiên, phía cảng cá Đề Gi chỉ quan tâm thu gom rác trong cảng, còn ngoài vùng mặt nước và khu vực lân cận thì rất ít phối hợp cùng địa phương để xử lý, thu gom để giảm thiểu rác thải biển.