Về một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian còn lại của năm 2023, Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát lại toàn bộ hệ thống quản lý an toàn thực phẩm trong tất cả các khâu (từ sản xuất đến tiêu dùng), trong đó:
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tư pháp thực hiện việc đánh giá, tổng kết thực hiện Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật An toàn thực phẩm, báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung theo quy trình của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiến hành rà soát, đánh giá các Nghị định, Thông tư có liên quan để tiếp tục hoàn thiện, bảo đảm phù hợp với yêu cầu quản lý an toàn thực phẩm hiện nay, trong đó chú trọng các quy định về phân công trách nhiệm quản lý cho rõ ràng, tránh trùng chéo; đẩy mạnh hài hòa hóa các tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với thực phẩm phù hợp với quy định và thông lệ quốc tế; thực hiện có hiệu quả các biện pháp như truy xuất nguồn gốc, công bố sản phẩm, hậu kiểm, thông tin tuyên truyền; phát huy vai trò của người dân trong giám sát thực hiện an toàn thực phẩm; áp dụng mức chế tài phù hợp, bảo đảm tính răn đe đối với các trường hợp vi phạm.
Xử lý nghiêm các vi phạm trong quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng
Thông báo nêu rõ các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam rà soát, hoàn thiện các quy định về trách nhiệm của người quảng cáo, người phát hành quảng cáo, sản phẩm quảng cáo thực phẩm (trong đó có trách nhiệm của nghệ sĩ, người nổi tiếng tham gia quảng cáo); kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm các vi phạm trong quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng.
Kiểm soát chặt hoạt động nhập khẩu thực phẩm, phòng chống nhập lậu và các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các lực lượng chức năng thuộc các Bộ: Công an, Quốc phòng (biên phòng, cảnh sát biển), Công Thương (Quản lý thị trường), Tài chính (Hải quan) tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu thực phẩm, phòng chống nhập lậu và các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn.
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn; kịp thời có đánh giá, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền của Trung ương về chính sách, biện pháp quản lý an toàn thực phẩm.
Tổng kết mô hình thí điểm Ban quản lý an toàn thực phẩm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2023
Về vấn đề tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, Bộ Y tế với chức năng là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm phải có đánh giá kỹ lưỡng về hiệu lực, hiệu quả của phương thức quản lý, chất lượng nhân lực, công cụ, trang bị, thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm của cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm hiện nay, làm rõ các vấn đề tích cực, hạn chế, nhất là đối với cơ quan quản lý tại địa phương, cơ sở để trên cơ sở đó đề xuất phương thức quản lý phù hợp yêu cầu quản lý hiện nay.
Giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, các bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố có liên quan tổng kết mô hình thí điểm Ban quản lý an toàn thực phẩm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2023.
Điều chỉnh cơ quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ “Tham mưu Chính phủ kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm từ trung ương tới địa phương” tại Quyết định số 426/QĐ-TTg ngày 21/4/2023 từ Bộ Nội vụ sang Bộ Y tế; Bộ Nội vụ phối hợp thực hiện nhiệm vụ này.