Tiệm cà phê Nhà Quê (xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) xuất hiện 6 tháng nay, mỗi ngày thu hút khoảng 200 lượt khách gần xa. Điều đặc biệt đầu tiên khiến khách thích thú là được đưa rước bằng xe lam, từ Tỉnh lộ 941 vào quán (khoảng 300m).
Mọi trang trí trong quán đều khơi gợi lại ký ức mấy mươi năm cũ ở làng quê Nam Bộ. Mô hình này được nhiều quán áp dụng, nhưng vẫn mang đến cảm xúc nhất định cho khách tham quan, nhất là thế hệ 8X trở về trước.
Những bộ trang phục cho thuê giúp khách tăng thêm trải nghiệm hòa mình vào không gian nông thôn, từ áo dài khăn đóng, áo bà ba, váy công chúa, đến âu phục cổ điển; dành cho trẻ em lẫn “nam thanh nữ tú”.
“Tôi thấy trên mạng xã hội giới thiệu quán cà phê giữa ruộng, nên rủ mọi người cùng đến chơi. Đúng là mát mẻ, thoải mái vô cùng. Nhà tôi trước giờ vẫn làm ruộng, nhưng có bao giờ nghĩ rằng, một lúc nào đó ruộng trở thành quán cà phê thế này đâu!” – bà Mai (ngụ huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) bày tỏ.
Cách thiết kế pha trộn giữa hiện đại và truyền thống, giữa đô thị và làng quê khiến không gian của quán trở nên đặc biệt, cuốn hút. Ngoài ra, nhiều góc “check-in” trên cao giúp mọi người thỏa sức ngắm nhìn ruộng đồng, chụp ảnh lưu niệm.
Dĩ nhiên, ngoài sự thoải mái, mát mẻ của cơn gió lãng du trên đồng, còn có ánh nắng gay gắt đặc trưng của “cày đồng đang buổi ban trưa”. Chẳng hề gì, du khách vẫn chấp nhận đội nắng trải nghiệm cà phê ruộng.
Ở nơi ấy, thức uống chỉ là một phần rất nhỏ của quá trình “đi uống cà phê”. Điều họ chú ý là miền quê xanh ngắt xung quanh mình, ngắm nhìn những hạt lúa “đang thì ngậm sữa”, thay cho quán cà phê máy lạnh nhỏ hẹp phố thị.
Tất cả xuất phát từ ý tưởng của gia đình chị Trần Thị Gia Hạnh (sinh năm 1989). Ấp ủ cả năm trời, họ cùng xây dựng từng chút một, bằng sức lao động của từng thành viên, hạn chế thuê mướn nhân công bên ngoài. Họ muốn mang đến một mô hình chưa từng có ở địa phương, nhưng lại cực kỳ thu hút cho quê nhà – vốn chỉ biết đến sản xuất lúa hết vụ này đến vụ khác.
Ở thị trấn Tri Tôn (huyện Tri Tôn), quán cà phê Ruộng cũng khá đặc biệt, thông qua cách bày trí thoáng đãng, trẻ trung, hòa nhập cùng thiên nhiên.
Rất nhiều bạn trẻ gửi lại bút tích của mình trên tường quán. Đó là thông tin cá nhân để mọi người cùng làm quen, là lời nhận xét về quán, là tâm tư họ muốn gửi lại ở nơi xa lạ. Phần lớn trong số đó là lời chúc, lời nhắn gửi tốt đẹp dành cho người đến sau.
Hướng kinh doanh cà phê ruộng, khai thác tối đa cảnh thiên nhiên đặc trưng vùng Bảy Núi có lẽ sẽ được phổ biến trong thời gian tới. Bằng thẩm mỹ và óc sáng tạo của mình, người kinh doanh kéo gần khoảng cách giữa ruộng lúa xứ núi với thực khách, biết làm mới điều quen thuộc để quảng bá hình ảnh quê hương.
GIA KHÁNH