Khai thác bệnh sử, người nhà cho biết sau khi bị ong đốt, người bé nổi đỏ toàn thân, khó thở và ngất, gia đình nhanh chóng đưa bé vào trạm y tế gần nhà. Tình trạng bệnh nhi diễn tiến nguy kịch, huyết áp không đo được, sau khi xử trí bước đầu, bệnh nhi nhanh chóng được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Tây Ninh.
Ngày 21.6, BS.CKI Huỳnh Trung Hiếu, bác sĩ chuyên khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Tây Ninh cho biết, bệnh nhi P.L. được đưa vào khoa cấp cứu trong tình trạng rất nguy kịch, da ửng đỏ, phù mi mắt, sốt, mệt nhiều và khó thở, cơ thể có gần 20 nốt sưng phù do ong đốt. Các chỉ số xét nghiệm cho thấy bé có tình trạng sốc phản vệ nặng.
Qua một ngày điều trị tích cực, các chỉ số sinh tồn của bệnh nhi đã ổn định hơn, giảm mệt, giảm khó thở. Hiện tại, sức khỏe bệnh nhi đã hoàn toàn hồi phục và được xuất viện sau 5 ngày điều trị.
Cũng theo bác sĩ Hiếu, trong thời gian gần đây khoa liên tục tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ bị ong đốt phải nhập viện điều trị, một số trường hợp bị nhiều vết đốt gây ra tình trạng rất nguy kịch, đe dọa tính mạng. Nhiều trường hợp bác sĩ phải tiến hành xử trí hồi sức cho bệnh nhi, tích cực điều trị theo phác đồ sốc phản vệ.
Sốc phản vệ có thể xảy ra bất cứ lúc nào và hậu quả vô cùng nguy hiểm nếu không được cấp cứu kịp thời. Do đó, ngay khi phát hiện trẻ bị ong đốt, cần nhanh chóng di chuyển trẻ đến khu vực an toàn, tránh bị đốt nhiều hơn. Đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất ngay khi có một trong các dấu hiệu như có nhiều vết đốt, bị đốt vào các vùng đầu mặt, cổ, kèm theo dấu hiệu phù nề lan nhanh, toàn thân sốt, mệt mỏi, khó thở, nổi mẩn ngứa, đỏ da toàn thân hoặc cảm giác choáng váng, chóng mặt,…
“Hiện tại là mùa hè – mùa có nhiều loại hoa quả chín thu hút ong về làm tổ, kiếm ăn, cũng là dịp các bé được nghỉ học nên hay ra vườn, ra đồng chơi. Vì thế ba mẹ cần lưu ý, với hành động hay đùa giỡn, hiếu động và chưa ý thức được sự nguy hiểm nên các bé dễ vô tình động đến tổ ong”, bác sĩ Hiếu khuyến cáo.