Ngày 28/6, Sổ tay Chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong lĩnh vực chế biến và phân phối thực phẩm đã chính thức ra mắt tại Hà Nội.
Họp báo công bố Sổ tay Chuyển đổi số cho DNNVV trong lĩnh vực chế biến và phân phối thực phẩm. (Ảnh: Vân Chi) |
Sự kiện nằm trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 do Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam thông qua Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (USAID LinkSME) tổ chức.
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp cho biết, trong bối cảnh kỷ nguyên số, kinh tế số và CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, vấn đề đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được coi là cách thức hữu hiệu để có thể tạo ra các xung lực mới, giá trị mới cho phát triển kinh tế quốc gia, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp thay vì các lợi thế cạnh tranh truyền thống dựa trên khai thác tài nguyên thiên nhiên và lao động giá rẻ đang dần bị thay thế.
Ông Trung nhấn mạnh, vấn đề chuyển đổi số ngày càng trở nên cấp thiết khi tác động của dịch Covid-19 đã làm thay đổi mạnh mẽ cuộc sống, thói quen của con người, của toàn xã hội; đòi hỏi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cần khẩn trương thay đổi và thích ứng.
Thời gian qua, Chính phủ luôn xác định chuyển đổi số là một nhiệm vụ ưu tiên quan trọng hàng đầu để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực, sức cạnh tranh phù hợp với xu thế mới, tình hình mới; đồng thời đây cũng là nhân tố quan trọng để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, ngay từ tháng 1/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Quyết định số 12/QĐ-BKHĐT để triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi về nhận thức, tầm nhìn và chiến lược; hỗ trợ số hóa các hoạt động kinh doanh; hỗ trợ số hóa các quy trình quản trị; và hỗ trợ chuyển đổi số toàn diện để tạo ra sản phẩm, dịch vụ, mô hình mới cho doanh nghiệp.
Trong giai đoạn đầu (2021-2022), Chương trình tập trung vào nâng cao nhận thức và đào tạo các kiến thức, kỹ năng nền tảng về chuyển đổi số nhằm góp phần hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi nhận thức, chuẩn hóa quy trình, chuẩn bị cho việc triển khai chuyển đổi số được hiệu quả, đúng hướng.
“Chúng tôi rất vui mừng vì các Sổ tay hướng dẫn chuyển đổi số được Chương trình ban hành trong thời gian qua đã nhận được sự phản hồi tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia tư vấn đào tạo, các nhà cung cấp giải pháp chuyển đổi số. Nhiều nội dung trong các Sổ tay đã được các bên áp dụng làm kim chỉ nam, từ đó tiếp tục phát triển để cùng nâng cao chất lượng hệ sinh thái, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số”, ông Trung khẳng định.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cuốn Sổ tay sẽ góp phần hữu ích hỗ trợ các DNVVV, giám đốc các hợp tác xã và cả những người nông dân có thể tham khảo các thông tin cập nhật về chuyển đổi số, phương pháp tiếp cận, các giải pháp cụ thể để có thể xây dựng được cho mình một chiến lược chuyển đổi số phù hợp trong lĩnh vực chế biến thực phẩm và nông nghiệp, cũng như các lĩnh vực khác có liên quan.
“Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ giai đoạn hậu dịch Covid-19 với sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế và sự ứng dụng ngày càng hiệu quả của các phương thức sản xuất kinh doanh mới gắn với chuyển đổi số, doanh nghiệp nào nắm vững và sớm có được một chiến lược chuyển đổi số hiệu quả, bài bản, thì sẽ đón bắt được các cơ hội phát triển để bứt phá, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp và chế biến thực phẩm. Do đó, cuốn Sổ tay chuyển đổi số có thể coi là cẩm nang rất quan trọng giúp hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp và người nông dân trong quá trình này”, ông Toản nhận định.
Sổ tay Chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực chế biến và phân phối thực phẩm. (Nguồn: Bộ Kế hoạch & Đầu tư) |
Theo báo cáo năm 2022 của EMIS – tổ chức quốc tế chuyên về nghiên cứu và dữ liệu, thị trường thực phẩm chế biến toàn cầu được ước tính sẽ đạt tỷ lệ tăng trưởng kép (CAGR) là 3,8% từ năm 2023 đến năm 2028. Xu hướng tăng trưởng tương tự cũng được nhìn thấy tại thị trường Việt Nam khi Chính phủ coi đây là một trong những ngành công nghiệp được ưu tiên phát triển nhằm nâng cao sản lượng và giá trị xuất khẩu các sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến trong nước.
Các chuyên gia của Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 cũng đưa ra các giải pháp chuyển đổi số cụ thể được áp dụng trong chuỗi giá trị ngành chế biến và phân phối thực phẩm gồm: Giải pháp thu thập, phân tích dữ liệu; giải pháp truy xuất nguồn gốc; quản lý vận tải; quản lý kho và hàng tồn kho; giải pháp quản lý chất lượng sản phẩm; giải pháp quản lý bán hàng đa kênh.
Dựa vào đặc thù của ngành chế biến và phân phối thực phẩm, cuốn Sổ tay này giới thiệu các giải pháp công nghệ được áp dụng phù hợp vào các khâu khác nhau trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp. Việc áp dụng các giải pháp công nghệ có thể tiến hành tuần tự hoặc song song, tùy vào tiềm lực của doanh nghiệp, trong đó, 2 giải pháp mà doanh nghiệp cần ưu tiên triể
Cuốn sổ tay cũng đưa ra gợi ý về việc xây dựng lộ trình triển khai chuyển đối số của doanh nghiệp ngành chế biến và phân phối thực phẩm trong tiêu thụ sản phẩm thị trường nội địa và xuất khẩu. Trong đó, việc xây dựng lộ trình phụ thuộc vào mức độ ưu tiên của doanh nghiệp đối với các yếu tố về mục tiêu và tính chất của hoạt động kinh doanh. Các yếu tố mà doanh nghiệp cần cân nhắc khi xây dựng kế hoạch chuyển đổi số gồm: Tuân thủ quy định của nhà nước và quy định, tiêu chuẩn của các thị trường xuất khẩu; mở rộng thị trường, thu hút khách hàng và tối ưu chi phí.
Đặc biệt, các chuyên gia của Chương trình cho rằng, các doanh nghiệp khi chuyển đổi số cần lưu ý về các quy định khắt khe từ các thị trường lớn trên thế giới, liên quan môi trường, xã hội và quản trị (ESG).
Tại Việt Nam, ngày 28/3/2023, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt “Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững đến năm 2030” sẽ đòi hỏi doanh nghiệp trong thời gian tới phải cân nhắc áp dụng cả các giải pháp công nghệ hỗ trợ việc quản lý, tuân thủ các yêu cầu này.
Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp thực hiện. Chương trình hướng tới đến năm 2025 phấn đấu đạt được các mục tiêu: 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; tối thiểu 100.000 doanh nghiệp được hỗ trợ kỹ thuật về chuyển đổi số; tối thiểu 100 doanh nghiệp được hỗ trợ là mô hình chuyển đổi số điển hình thành công để lan tỏa và nhân rộng; thiết lập mạng lưới chuyên gia gồm tối thiểu 100 tổ chức, cá nhân tư vấn, cung cấp giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển các nền tảng số. |