Cuốn “Cõi người dưng – Nomadland”. (Ảnh: Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam)
“Cõi người dưng – Nomadland” là cuốn bút ký của nhà báo Mỹ nổi tiếng Jessica Bruder. Năm 2014, Jessica Bruder được đặt hàng viết bài về sự gia tăng của tầng lớp thu nhập thấp ở Mỹ, những “nomad” – du dân.
Tháng 8/2014, tạp chí Harper’s đăng bài viết của Jessica Bruder – “The End of Retirement – When you can’t afford to stop working” (Kết thúc của nghỉ hưu – Khi ta không thể ngừng lao động). Nó ngay lập tức thu hút sự chú ý của công chúng.
Tác giả đã bỏ ra 3 năm ròng, lúc còn khá trẻ (37 tuổi), từ giã New York tiện nghi, chu du khắp các nẻo đường nước Mỹ để sống cùng với những du dân.
Sau khi xuất bản năm 2017, “Cõi người dưng – Nomadland” trở thành hiện tượng của nước Mỹ. Sách ngay lập tức xuất hiện trong danh sách “best-seller” và được The New York Times gọi tên trong các mục “Notable Book”. Tác phẩm nhận được nhiều giải thưởng khi vào vòng chung kết của giải J. Anthony Lukas Prize và giải The Helen Bernstein Book. Sau đó, sách thắng giải The Banes & Noble Discover Great New Writers và giải thưởng quốc tế Ryszards Kapuściński. Tính cho đến nay, tác phẩm đã được dịch ra 25 ngôn ngữ (bao gồm bản dịch tiếng Việt này).
Năm 2021, sách được đạo diễn Chloé Zhao chuyển thể thành phim cùng tên và đạt 3 giải Oscar dành cho phim hay nhất, đạo diễn xuất sắc nhất và nữ diễn viên chính xuất sắc nhất.
Trước đó, phim cũng từng giành giải tại các Liên hoan phim quốc tế Toronto, Venice và giải Quả cầu vàng. Điều đặc biệt là một số du dân ngoài đời thực, vốn là nhân vật trong sách, cũng xuất hiện dưới phiên bản hư cấu của chính họ trong phim – với tên thật, như Linda May, Swankie và Bob Wells.
Cảnh trong phim cùng tên giành nhiều giải thưởng điện ảnh quốc tế. (Ảnh: Variety)
Rất nhiều nhân vật trong “Cõi người dưng-Nomadland” mà Jessica Bruder gặp gỡ, phỏng vấn trên hành trình của cô là những “baby boomers”-thế hệ sinh ra sau Thế Chiến thứ hai, làm quần quật suốt đời mà chẳng được hưởng no ấm.
Họ gặp phải khó khăn và kiệt quệ từ cuộc Đại Suy thoái của Mỹ (khủng hoảng tài chính năm 2008): mất việc, mất nhà, chịu sự ly tán gia đình và con cái, mất mọi hy vọng.
Để sinh tồn, họ chọn lối sống du mục trên loại xe bốn bánh được cải tạo, thay cho mái nhà. Nhiều người trong số họ có gia đình, có nhà cửa nhưng lại mang thương tổn nặng nề.
Hằng năm, họ vẫn trở về thăm gia đình và người thân, chung đón Giáng sinh và năm mới. Nhưng sau đó họ liền trở lại đời du mục.
Những con người đó – các nhân vật có thật ngoài đời – đậm chất Mỹ. Lối sống của họ khá gần với truyền thống của những di dân đã khai mở và xây dựng nước Mỹ hàng thế kỷ trước.
Và vì thế, nó gần với Giấc mơ Mỹ – giấc mơ của những kẻ táo bạo, dám bỏ lại tất cả để khai phá, sống đời tự do trọn vẹn, không ràng buộc. Họ không phải xem bản thân là vô gia cư (“homeless”), mà tự nhận là không nhà (“houseless”). Họ được xem là những hình mẫu truyền cảm hứng đầy thú vị, nhưng đồng thời bị người đời coi là những kẻ ngoài lề xã hội.
Tác giả Jessica Bruder là nhà báo chuyên về đề tài tiểu/nhóm văn hóa (subculture) và các vấn đề xã hội. Để viết tác phẩm nổi tiếng “Cõi người dưng – Nomadland”, tác giả đã dành 3 năm và đi hết 24.000km (suốt cả chiều dài nước Mỹ, sang tới tận biên giới Mexico và Canada) để thấu hiểu du dân, những con người sống toàn thời gian trên xe, làm các công việc thời vụ.
Jessica Bruder là giảng viên thỉnh giảng của Trường Báo chí Columbia. Cô đã viết bài cho New York Times hơn 10 năm, đồng thời thường xuyên cộng tác với nhiều tờ báo, tạp chí lớn trên thế giới. Tác phẩm của cô nhận được tài trợ từ các tổ chức Rockefeller Foundation’s Bellagio Center, Logan Nonfiction Program, MacDowell và Yaddo.
Dịch giả Y Khương tốt nghiệp ngành Ngữ văn Anh, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh. Anh là dịch giả của các cuốn sách: “Haruki Murakami và âm nhạc của ngôn từ”; “Becoming – Chất Michelle”.