Theo ông Hoàng Anh Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội tư vấn tài chính Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance, lĩnh vực golf tại Việt Nam đã và đang có sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây.
Từ góc độ đầu tư, đang diễn ra một cuộc đua đầu tư sân golf trên toàn quốc, đặc biệt là sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 52/NĐ-CP về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf năm 2020, theo đó tháo gỡ nhiều rào cản pháp lý trước đó đối với lĩnh vực này. Cuộc đua đầu tư đang nóng dần giữa các nhà đầu tư cũng như giữa các địa phương với nhau; và cuộc đua đầu tư sân golf được cộng hưởng bởi những câu chuyện đầu tư khác liên quan đến bất động sản, du lịch, hàng không…
Theo dự báo, đến năm 2025, Việt Nam có thể có tới 200 sân golf. Nhiều tỉnh thành cũng sẽ có trên 10 sân golf, thậm chí nhiều tỉnh thành đã và đang nỗ lực để trở thành “thủ phủ sân golf” trong tương lai gần.
Tuy nhiên, thực trạng phát triển hệ thống sân golf tại Việt Nam cũng đang đặt ra các vấn đề mới đối với công tác quản lý nhà nước, đòi hỏi tiếp tục hoàn thiện hơn nữa các chính sách, quy định pháp luật… Về phía người chơi, ngoài sự gia tăng về số lượng, các vấn đề liên quan đến văn hóa chơi golf cũng đang được đặt ra, đòi hỏi quá trình học hỏi, tiếp thu để ngành golf Việt thực sự hòa nhập vào ngành golf toàn cầu.
“Ấn phẩm ‘Toàn cảnh đầu tư ngành golf Việt Nam’ được xuất bản nhằm mang đến cho bạn đọc cái nhìn toàn cảnh về lĩnh vực golf hiện nay ở Việt Nam. Từ góc nhìn của các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nhân và người chơi golf, các bài viết trong ấn phẩm này sẽ góp phần cung cấp thông tin cho đông đảo bạn đọc gần xa, đồng thời gợi mở các vấn đề của ngành golf Việt Nam. Bằng việc xuất bản ấn phẩm này, chúng tôi muốn góp một tiếng nói trách nhiệm nhằm thúc đẩy sự phát triển ấy, vì những lợi ích dài lâu cho nền kinh tế và người dân Việt Nam”, ông Hoàng Anh Minh nói.
Theo Tiến sĩ Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, golf giờ đây là một ngành kinh tế đã và đang lại hiệu quả tích cực về mặt xã hội, có đóng góp phát triển kinh tế xã hội của các địa phương và càng giúp Việt Nam hội nhập sâu vào quốc tế. Trong thời gian tới, để phát triển golf thành một ngành kinh tế, cần có một nhận thức mới, một hành động mới trong việc đầu tư cũng như phát triển sân gofl.
“Nhà nước cần có tầm nhìn lớn hơn về quy hoạch để làm sao có một bản đồ golf, để địa phương nào cũng có sân golf, để ai ai cũng muốn và có thể chơi golf. Đối với những vùng chưa phát triển, chính quyền cần có chính sách phù hợp hơn; còn với địa phương vùng sâu vùng xa có khách đến nhưng chưa có chính sách về sân golf cũng cần có những thủ tục để tạo thuận lợi nhất”, ông Thắng nói.
Theo Tiến sĩ Ngô Công Thành, nguyên Vụ phó Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đầu tư sân golf tại Việt Nam trong thời gian tới sẽ bùng nổ, vì 3 nguyên do chính. Một là hiện nay các nhà đầu tư rất quan tâm đầu tư đối với ngành golf, bởi sau thời gian thuê đất 50 năm thì các nhà đầu tư sẽ được ưu tiên được thuê đất tiếp và đến một thời điểm thích hợp thì có thể chuyển đổi thành các khu đô thị, khu công nghiệp. Hai là thủ tục đầu tư sân golf đã đơn giản hơn, không phải thông qua Thủ tướng hay các bộ nữa. Ba là hiện nay nhu cầu chơi golf đang tăng cao.
“Tôi cho rằng khả năng tới năm 2030, cả nước có thể đạt tới 400-500 sân golf. Cơ sở của khả năng này là hiện nay nhiều tỉnh thành trên cả nước đã có quy hoạch sân golf và lộ trình rất rõ ràng”, ông Thành nói.
Còn theo ông Phạm Thành Trí, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch golf Việt Nam, hiện nay ngành du lịch golf Việt Nam đang có sự phát triển ấn tượng. Trong năm 2023, dự kiến Việt Nam có thể đón 3 triệu khách du lịch golf và dòng khách này có thể tạo ra doanh thu khoảng 5 tỷ USD. Tuy nhiên, hiện nay golf vẫn là dịch vụ bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt và đây là một bất cập về chính sách. “Chúng tôi hy vọng các chính sách đối với ngành golf và du lịch golf sẽ được cải thiện trong thời gian tới để ngành du lịch golf thực sự phát triển, mang lại nhiều lợi ích hơn nữa cho nền kinh tế”, ông Trí nói.