Tại buổi lễ ra mắt, TS.KTS Dương Đức Tuấn – Phó Chủ Tịch UBND TP Hà Nội cho biết, sau 70 năm đổi mới và phát triển (1954 – 2024), Hà Nội của ngày hôm nay đã trở thành một thành phố hiện đại và bản sắc, hoà trộn và khó phai. Hà Nội là nơi kết tụ của tinh hoa văn hoá dân tộc trong các di sản kiến trúc, cảnh quan đô thị, là nơi thể hiện sự sáng tạo bền bỉ của người dân Thủ đô trong việc tạo dựng hình ảnh một Thủ đô Văn hiến – Văn minh – Hiện đại.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn nhận định, Hà Nội là một Thủ đô đặc biệt, đặc biệt bởi nó luôn được bồi đắp, tích tụ thêm những lớp “trầm tích” của không gian và thời gian, từ truyền thuyết, lịch sử hình thành đến suốt chặng đường dựng nước giữ nước. Hà Nội không có những công trình choáng ngợp nhưng lại gieo vào ký ức bao đời những hình ảnh nơi chốn khó quên.
Hà Nội hôm nay vẫn luôn hiện hữu những con phố nhỏ, những mái nhà lô xô ẩn hiện bên hàng cây. Hà Nội đã viết nên những kỷ niệm khó quên, giản dị và mộc mạc để rồi gieo vào lòng người biết bao cảm xúc, để mỗi khi đi xa ta không thể không ngẹn ngào nhớ về.
“Để nhận diện quá trình đổi mới và phát triển của Hà Nội sau 70 năm giải phóng, UBND TP Hà Nội đã chủ trương tập hợp các chuyên gia, nhà quản lý để biên soạn cuốn sách Kiến trúc Hà Nội – 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954 – 2024)” – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho hay.
Đại diện nhóm tác giả cho biết, mặc dù đã có nhiều tác giả, nhóm tác giả với nhiều ấn phẩm nghiên cứu về Hà Nội ở các góc cạnh khác nhau, nhưng như thế vẫn chưa đủ để có thể hiểu biết hết về Hà Nội, một thành phố phát triển và sở hữu nhiều di sản, đặc biệt trong những giai đoạn phát triển quan trọng.
Nhân dịp Hà Nội chào mừng 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954 – 2024) cuốn sách “Kiến trúc Hà Nội – 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954 – 2024)” ra đời sẽ là cơ hội để chúng ta có thể nhìn nhận lại chặng đường phát triển của kiến trúc, đô thị Hà Nội từ 1954 đến nay và những mong muốn phát triển cho một Hà Nội trong tương lai.
Cuốn sách là công trình nghiên cứu của nhóm các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về quản lý và nghiên cứu chuyên sâu về kiến trúc – đô thị Hà Nội. Chính vì vậy cấu trúc của cuốn sách là sự kết hợp hài hoà của hai góc nhìn.
Góc nhìn thứ nhất là về mặt quản lý, chú trọng phân tích về sự biến đổi hình thái kiến trúc đô thị theo trục thời gian và trong các thể loại kiến trúc. Phần này là các nội dung về sự phát triển của kiến trúc Hà Nội được phân chia theo từng giai đoạn cụ thể trên trục thời gian 70 năm.
Trong mỗi giai đoạn đó, các tác giả sẽ phân tích bối cảnh kinh tế – xã hội, những tác động về cơ sở pháp lý, về mặt quản lý, những văn bản định hướng phát triển… ; đồng thời, thể hiện các nội dung đó trong các lĩnh vực: kiến trúc nhà ở, kiến trúc công trình công cộng, hạ tầng kỹ thuật đô thị nông thôn; kèm theo là những phân tích về những biến đổi kiến trúc nhờ ứng dụng khoa học công nghệ mới.
Góc nhìn thứ hai là những góc nhìn, nghiên cứu, phân tích về bản sắc của kiến trúc, đô thị Hà Nội; những mong muốn, đề xuất cho một Hà Nội phát triển hiện đại, giàu bản sắc, vì cộng đồng. Ban biên tập đã sắp xếp thành các nhóm vấn đề liên quan tới kiến trúc Hà Nội trong các giai đoạn phát triển kế tiếp.
Với sự nỗ lực và tập trung trí tuệ, tâm huyết, các tác giả đã nghiên cứu, biên soạn mang lại cho nội dung cuốn sách không chỉ nhiều thông tin số liệu có giá trị mà cả những phân tích sâu rộng theo các chiều cạnh của từng giai đoạn phát triển.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/ra-mat-cuon-sach-viet-ve-kien-truc-ha-noi-tu-nam-1954-den-nay.html