Cuối tuần qua, phiên đấu giá lần thứ nhất tần số sử dụng cho mạng 5G vừa diễn ra ở Hà Nội. Sẽ có 3 phiên đấu giá cho 3 khối băng tần dành cho 5G được thực hiện trong đợt này.
Theo quy định, chỉ có 3 doanh nghiệp nhận được giấy phép băng tần cung cấp dịch vụ 5G qua 3 phiên đấu giá. Hiện có 4 doanh nghiệp nộp hồ sơ tham gia đấu giá 3 khối băng tần 5G. Giữa tháng 1-2024, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng đã phê duyệt quyết định về phương án tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với 3 khối băng tần cho 5G. Với chính sách cấp phép tần số của Bộ TT-TT cởi mở, tất cả các doanh nghiệp đủ điều kiện đều có thể tham gia đấu giá.
Nếu doanh nghiệp đấu giá được tần số 5G, sau đó sẽ được cấp phép cung cấp dịch vụ thông tin di động. Năm 2024 là năm Bộ TT-TT sẽ thương mại hóa 5G trên phạm vi toàn quốc và 5G là không gian phát triển mới, hết sức quan trọng của nhà mạng. Sau 3 năm thử nghiệm, doanh nghiệp hiện đã có đủ cơ sở đánh giá về chất lượng hạ tầng mạng lưới, hiệu quả, phương án kinh doanh.
Thị trường di động Việt Nam hiện có 5 mạng có hạ tầng là: Viettel, VNPT, MobiFone, Vietnamobile và Gtel Mobile, nhưng thị phần gần như thuộc về Viettel, VNPT, MobiFone. Xét về lý thuyết, 3 nhà mạng lớn này có nhiều lợi thế và quyết tâm cao nhất trong cuộc đua giành giấy phép tần số 5G.
Hiện tại, khi cân đối các yếu tố về thị trường, đầu tư phát triển, việc triển khai thương mại hóa 5G ở Việt Nam đã bắt đầu có hiệu quả. Do vậy, VNPT mong muốn thúc đẩy sớm việc thương mại hóa 5G. Đại diện MobiFone cũng khẳng định sẽ triển khai cung cấp dịch vụ nhanh nhất nếu nhận được giấy phép 5G. Trong khi đó, Viettel đã đề xuất Bộ TT-TT sớm triển khai đấu giá tần số cho 5G càng sớm càng tốt vì sẽ thúc đẩy xã hội số, kinh tế số, Chính phủ số.
Trong cuộc làm việc với Thủ tướng mới đây, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel Tào Đức Thắng cho biết, năm 2024 Viettel triển khai 5G phủ sóng trên phạm vi toàn quốc; Viettel cũng sẽ đầu tư gần 30.000 tỷ đồng để đẩy mạnh tần số bao gồm hệ thống kết nối đến các vùng sâu, vùng xa…
Các nghiên cứu cũng như thực tế triển khai trên thế giới của Ericsson và Huawei chỉ ra rằng, mạng 5G sẽ là hạ tầng số gần như thay thế cơ sở hạ tầng vật lý trong việc xây dựng nền tảng cũng như kết nối xã hội tương lai. Cơ sở hạ tầng số này tạo ra kết nối không chỉ giữa con người với con người mà còn giữa con người với máy móc, giữa máy móc với máy móc. Các nghiên cứu cũng dự báo, đến năm 2030, 5G dự kiến đem lại cho các nhà khai thác Việt Nam doanh thu 1,5 tỷ USD.
Tại Việt Nam, đến nay các nhà mạng đã thử nghiệm 5G ở 55 tỉnh, thành phố. Qua thử nghiệm, các khách hàng đều mong muốn sớm có mạng 5G thương mại để sử dụng. Thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam, điển hình là Viettel đã thúc đẩy việc nghiên cứu, sản xuất thiết bị đầu cuối kết nối 5G; đồng thời sẽ thí điểm 5G ở khu công nghệ cao, các trường đại học, viện nghiên cứu… Đó chính là những động lực để các doanh nghiệp quyết tâm hiện thực hóa mạng 5G thương mại trong năm 2024, với khởi điểm là thực hiện đấu giá thành công bằng tần 5G trong dịp này.
TRẦN LƯU