Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) ở nước ta thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có tư tưởng né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm; không quyết tâm, quyết liệt.
Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng ta chỉ đạo quyết liệt đã làm lộ ra yếu kém, khuyết điểm, vi phạm trong nhiều lĩnh vực như: tổ chức cán bộ, quản lý đầu tư và đấu thầu, quản lý tài nguyên, giải ngân vốn đầu tư công, tài chính, ngân sách, quản lý quy hoạch, xây dựng, môi trường, chứng khoán và nhiều lĩnh vực khác. Nhiều tổ chức đảng, đảng viên, cán bộ, công chức, người thực thi công vụ có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân gây bức xúc dư luận xã hội đã bị phát hiện và xét xử nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.
Sự liêm chính của bộ máy Nhà nước, kỷ cương, kỷ luật của xã hội đã được giữ vững, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng một số người do thiếu thông tin, nhận thức vấn đề chưa đầy đủ cho nên đã không thấy hết được tác động sâu sắc của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với phát triển kinh tế-xã hội, phát triển văn hóa và con người Việt Nam. Thậm chí có người dao động, phủ nhận hoặc tìm cách chống đối, ngăn cản công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đăng tải trên mạng xã hội những thông tin chưa được kiểm chứng, sai sự thật, gây hoang mang dư luận về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại Việt Nam. Những biểu hiện đó cần được nhận diện, đánh giá, phản biện kịp thời để tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn dân đối với công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thực tiễn cho thấy ở tại một số địa phương, cơ quan, đơn vị đã phát sinh tư tưởng né tránh việc khó, làm việc cầm chừng, thậm chí có nơi “án binh bất động”. Không ít lĩnh vực có biểu hiện trì trệ, chậm tiến độ. Tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám quyết đoán.
Ngoài ra, còn những nguyên nhân khác như việc đánh giá cán bộ chưa công bằng, thu nhập cán bộ, công chức còn thấp; cơ chế, chính sách, pháp luật thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất, việc hướng dẫn thực hiện pháp luật và áp dụng quy định pháp luật trong thực tế gặp nhiều vướng mắc; môi trường chính trị, môi trường xã hội chưa thật sự thuận lợi để cán bộ, công chức, viên chức phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo; công tác kiểm soát quyền lực còn những lỗ hổng, chưa thật sự chặt chẽ, hiệu quả trong nhiều lĩnh vực…
Bên cạnh đó, hành vi và thói quen tham nhũng đã ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người. Cách nghĩ “nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, bốn trí tuệ” tạo nên bất bình đẳng trong đánh giá, sử dụng cán bộ, khiến một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức không tâm huyết với công việc.
Để thay đổi hành vi và thói quen tham nhũng vẫn còn tồn tại trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, đất nước ta cần tiến hành những giải pháp mạnh mẽ và đồng bộ về chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa, đặc biệt cần rà soát những khuyết điểm, hạn chế, lỗ hổng pháp lý, chấn chỉnh cung cách làm việc cũ, kém hiệu quả, nhiều rủi ro.
Thống kê về tăng trưởng kinh tế của nước ta hơn 10 năm qua đã chứng minh vai trò của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với phát triển kinh tế-xã hội. Năm 2012, khi cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực bắt đầu được đẩy mạnh, mức tăng trưởng kinh tế của đất nước chỉ đạt 5,25%. Các năm sau đó, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực càng quyết liệt, tăng trưởng GDP càng cao và đạt 7,08% vào năm 2018. Năm 2022, mặc dù kinh tế thế giới lao đao do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn đạt 8,02%.
Tờ Financial Times xếp Việt Nam là 1 trong “7 kỳ quan kinh tế trong một thế giới đầy lo lắng”. Năm 2023, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng cao nhất trong các nền kinh tế mới nổi châu Á.
Hàng năm, Việt Nam đều công bố các chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp như Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS). Các ngành, đơn vị cung cấp dịch vụ công cộng thiết yếu như bệnh viện, trường học, doanh nghiệp điện, nước, viễn thông đều sử dụng thước đo là sự hài lòng của khách hàng. Xã hội hướng đến tôn vinh những cán bộ, công chức, viên chức trong sạch, liêm chính, tận tụy, cống hiến, đó là sự dịch chuyển giá trị xã hội rất đáng lưu ý. Không thể phủ nhận thực tế rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần quan trọng giữ vững ổn định xã hội, làm cho hệ thống chính trị trong sạch hơn, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp tốt hơn.
Nhìn ra thế giới, để có được nền kinh tế vững mạnh, các quốc gia phát triển đã trải qua nhiều cuộc chiến đấu quyết liệt để phòng chống tệ tham nhũng. Nền kinh tế Hàn Quốc từng chao đảo trong những năm 1997-1998 do các tập đoàn kinh tế câu kết với chính quyền để tham nhũng. Trải qua nhiều đau đớn, Hàn Quốc đã xây dựng được tinh thần liêm chính mạnh mẽ trong chính trị, nền kinh tế của quốc gia này không ngừng lớn mạnh. Tại Singapore, tình trạng tham nhũng chỉ được cải thiện khi Chính phủ áp dụng hàng loạt biện pháp mạnh làm trong sạch bộ máy Nhà nước.
Lịch sử phát triển kinh tế của các quốc gia nằm trong danh sách các nước ít tham nhũng trên thế giới như Đan Mạch, Phần Lan, New Zealand, Na Uy, Singapore, Thụy Điển đều chỉ ra rằng: Ở đâu chống tham nhũng tốt, ở đó có thịnh vượng và công bằng xã hội. Chế độ nào giữ được liêm chính thì ở đó nhân phẩm con người được đề cao, tự do cá nhân được bảo đảm, kinh tế phát triển. Do đó, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần được coi là giải pháp quan trọng hàng đầu để giúp Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.
Những năm qua, những nỗ lực, quyết tâm đấu tranh phòng chống tham nhũng tại Việt Nam do Đảng ta trực tiếp chỉ đạo đã đạt được những kết quả tích cực, được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) do Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố hàng năm cho thấy Việt Nam liên tục cải thiện mức độ liêm chính trong suốt 11 năm qua. Năm 2012, Việt Nam chỉ đạt 30/100 điểm, đứng thứ 123/176 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá. Đến năm 2022, Việt Nam đạt 42/100 điểm, xếp ở vị trí thứ 77/180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Không lùi bước, không khoan nhượng với tham nhũng trở thành mệnh lệnh đối với các cấp ủy đảng, chính quyền. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Toàn bộ hệ thống chính trị đang nỗ lực thực hiện sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khẩn trương hoàn thiện thể chế, chính sách, cơ chế, quy định để mỗi cá nhân tự ý thức trách nhiệm của bản thân, không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng.
Tuy nhiên, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện đang đứng trước nhiều khó khăn, thử thách: sự chống phá của các thế lực thù địch, sự cản trở của một số cá nhân cực đoan, thoái hóa, biến chất, những người đã trót “nhúng chàm” sợ bị phanh phui khuyết điểm,… Khi bị buộc tội, đối tượng tham nhũng thường sử dụng đủ các thủ đoạn từ mua chuộc, hối lộ, đe dọa, chạy trốn và thậm chí là tự sát. Lợi dụng điều này các thế lực thù địch lập tức vu cáo cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam là “cuộc chiến giữa các phe phái”, đồng thời cho rằng tham nhũng là “thâm căn cố đế, không thể thay đổi được”…, từ đó hòng chia rẽ sự đoàn kết, tác động vào tư tưởng những người mơ hồ về quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, làm suy giảm niềm tin của người dân đối với chế độ…
Song thực tế đã chứng minh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là con đường đúng đắn giúp loại bỏ những “ung nhọt”, đưa đất nước ta phát triển. Từ những kết quả đã đạt được, chúng ta có thể khẳng định cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của nước ta đang đi đúng hướng, đem lại kết quả to lớn và toàn diện; được các tầng lớp nhân dân nhiệt liệt ủng hộ.
Đây đã thật sự trở thành một phong trào rộng rãi, phát triển mạnh mẽ khắp đất nước, trở thành xu thế không thể đảo ngược. Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không còn là khẩu hiệu mà đã trở thành quy định pháp luật, nguyên tắc làm việc, là chiếc phanh kiểm soát quyền lực. Kỷ luật cán bộ, thay thế cán bộ yếu kém trở thành hoạt động bình thường của hệ thống chính trị.
Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới còn rất nhiều việc cần làm, bên cạnh sự kiên trì, thận trọng cũng cần phải khẩn trương, quyết liệt để “cởi trói” cho cơ chế, chính sách; cùng với việc siết chặt kỷ cương pháp luật, các cấp, các ngành cũng phải xây dựng môi trường thuận lợi để cán bộ, công chức, viên chức yên tâm công tác, cống hiến cho quê hương, đất nước. Đồng thời, cần động viên, khuyến khích bằng cả vật chất và tinh thần để cán bộ, đảng viên và nhân dân hăng hái tham gia cuộc đấu tranh đặc biệt này.
Để tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị cần chỉ đạo, chấn chỉnh tư tưởng bàn lùi, đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm, dao động, thiếu ý chí, quyết tâm. Đồng thời, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, không để xảy ra tình trạng “đục nước béo cò”, lợi dụng hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để tư lợi cá nhân. Làm được điều đó công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mới thật sự phát huy hiệu quả, trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.