Hệ lụy của tin giả không chỉ ảnh hưởng đến nhận thức, hành vi của một người hay một nhóm người mà còn có tác động tiêu cực đến an ninh, an toàn xã hội.
Tiến sĩ Nguyễn Nga Huyền – Chuyên gia báo chí, truyền thông, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Lương Hạnh
Tin đồn vô căn cứ trên mạng xã hội
Khuya ngày 12.6, tài khoản P.T.M đăng tải bài viết “tố” salon tóc 1900 tại Hà Nội sau khi nhận 700 bộ tóc mà người dân hiến tặng cho bệnh nhân ung thư tại chương trình ở Bắc Ninh, chủ shop chỉ trao tặng 50 bộ. Sau 9 giờ đăng tải, bài viết đã nhận về hơn 14.000 lượt thích, hơn 5.000 lượt bình luận.
Liên quan đến những thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội, đại diện truyền thông của salon tóc 1900 cho biết, sự việc đăng tải trên mạng xã hội không đúng sự thật; đồng thời, khuyên cộng đồng mạng hết sức tỉnh táo trước những thông tin sai sự thật.
“Hiện chúng tôi đã làm đơn và phối hợp với luật sư để làm rõ vụ việc” – đại diện salon nói.
Trước đó, bác sĩ Nguyễn Văn Đưởng – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bắc Ninh – cho biết, thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội là thông tin không đúng sự thật. Theo bác sĩ Đưởng, ngày 11.6, bệnh viện kết hợp với “Quỹ Ngày mai tươi sáng” tổ chức chương trình tặng tóc cho bệnh nhân ung thư. Trong chương trình, một doanh nghiệp thông qua Quỹ gửi tặng 50 bộ tóc cho bệnh nhân của Trung tâm Ung bướu bệnh viện, không có chuyện salon 1900 tặng 50 bộ tóc, họ chỉ tham gia giúp đỡ cắt và sửa tóc cho bệnh nhân cùng người hiến.
Trong ngày 11.6, có tổng 703 bộ tóc được hiến tặng cho bệnh nhân ung thư tại viện. Số tóc này đang do Phòng Công tác xã hội bệnh viện lưu giữ chờ chuyển cho Quỹ Ngày mai tươi sáng. Hiện, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh đã mời Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Bắc Ninh đến xác minh, làm rõ sự việc và xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với những người đã đăng tải thông tin không đúng sự thật.
Chậm lại, thẩm định thông tin trước khi lan truyền
Trao đổi với PV Báo Lao Động vào chiều 17.6, Tiến sĩ Nguyễn Nga Huyền – Chuyên gia báo chí, truyền thông, Đại học Quốc gia Hà Nội – nhận định: Tác hại của tin giả là không thể đong đếm, hậu quả của tin giả gây ra rất khó lường và ảnh hưởng của nó không chỉ tới một người hay một nhóm người. Đối với cá nhân là nạn nhân của tin giả, cuộc sống của họ sẽ lâm vào cảnh khổ sở, đặc biệt với nạn nhân thiếu kỹ năng đối diện, xử lý tình huống khi vướng vào tin giả, họ có thể có các hành động dại dột.
“Chúng ta có thể thấy nhiều nữ sinh bị chỉnh sửa, cắt ghép ảnh, tung tin đồn thất thiệt mà tìm đến cái chết vì không chịu được áp lực dư luận, tiếng gièm pha xuất phát từ tin giả. Có thể nói rằng, hậu quả của tin giả là đặc biệt nghiêm trọng và rất khó lường” – vị chuyên gia chia sẻ.
Để phòng, tránh tin giả, bà Huyền đã đưa ra với một số lời khuyên cụ thể. Người dùng mạng xã hội theo đó cần đọc, thường xuyên tìm hiểu, có kỹ năng kiểm chứng thông tin trước khi quyết định tin vào điều gì; sau đó mới chia sẻ, lan truyền thông tin đó.
Ngoài ra, người dùng mạng xã hội cũng cần tỉnh táo tìm hiểu nguồn gốc phát tán thông tin.
“Cần xem xét đến hậu quả nếu như chúng ta nhấn nút like, share một thông tin không phải tin thật. Mọi người hãy chậm lại, đọc, thẩm định trước khi lan truyền thông tin. Mỗi cá nhân khi thận trọng sử dụng mạng xã hội đều đóng góp vào môi trường thông tin mạng xã hội, truyền thông trong sạch” – bà Huyền nói.
Về vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước, bà Huyền cho rằng quy định xử phạt hiện nay đã có nhưng cần hoàn thiện, nâng cao quy định của pháp luật đối với các hành vi tung tin giả, lan truyền tin giả. “Cách làm cần khẩn trương, quyết liệt và tốc độ hơn nữa để bắt kịp với diễn biến xuất hiện của tin giả. Thậm chí, nếu được, báo chí có thể bổ sung các mục phòng, chống thông tin giả dành riêng cho công chúng của mình” – bà Huyền nhấn mạnh.
Nguồn: https://laodong.vn/thoi-su/quyet-liet-va-toc-do-hon-de-chan-tin-gia-tren-khong-gian-mang-1354389.ldo