Tiết kiệm điện (TKĐ) và tiết kiệm năng lượng là các giải pháp quan trọng, hiệu quả trong cả ngắn hạn và dài hạn giúp giảm áp lực trong việc khai thác và đảm bảo cung ứng điện đặc biệt trong cao điểm mùa nắng nóng.
Tiêu thụ điện tăng cao ngay từ đầu tháng 4
Ngay từ những ngày đầu tháng 4, sản lượng điện tiêu thụ của của toàn quốc neo cao. Đặc biệt, tại TPHCM sản lượng liên tiếp tăng cao và đã vượt đỉnh năm 2023 (94,8 triệu kWh – ngày 6/5/2023).
Cụ thể, đỉnh mới được lập ngày 9/4 với mốc hơn 97,87 triệu kWh, tăng hơn 3 triệu kWh so với năm 2023. Con số này lần lượt bỏ xa các đỉnh được lập trước đó mốc 95,12 triệu kWh trong ngày ¾ và mốc 96,89 triệu kWh trong ngày 5/4.
Ngành điện đang tích cực phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả -Ảnh: VGP/ Toàn Thắng
Trong khi đó, tại miền Bắc, nhu cầu sử dụng điện của hệ thống điện quốc gia và miền Bắc tăng trưởng khoảng 11%, dự báo có thể lên tới 13% vào tháng 5, 6, 7. Đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2018.
Trước thực tế này, ngành Điện đã đưa ra nhiều giải pháp đảm bảo cung ứng điện, trong đó, tiết kiệm điện và sử dụng điện hiệu quả đang được ngành Điện và cơ quan quản lý nhấn mạnh bởi lợi ích lâu dài.
Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam đã đưa ra cam kết đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050 tại Hội nghị COP26 và tái khẳng định tại các Hội nghị COP 27 và COP 28 về Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc.
Để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, nhiều kế hoạch, chiến lược đang được Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương quyết liệt, đồng bộ triển khai thực hiện.
Về phía Bộ Công Thương tiếp tục nhấn mạnh: Tiết kiệm điện và tiết kiệm năng lượng là các giải pháp quan trọng, hiệu quả trong cả ngắn hạn và dài hạn giúp giảm áp lực trong việc khai thác và cung ứng năng lượng cũng như góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường.
Theo Phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Nguyễn Thế Hữu, để góp phần đảm bảo cung cấp điện, bên cạnh những nỗ lực của ngành Điện và công tác tuyên truyền, thực hiện đồng bộ các giải pháp tiết kiệm điện trên phạm vi cả nước thì việc thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM) được xem là giải pháp thiết thực và hiệu quả.
Hơn 11.000 khách hàng tham gia điều chỉnh phụ tải điện phi thương mại
Thực tế, trong hơn 1 thập niên qua, đồng hành với việc chú trọng phát triển năng lượng tái tạo, đẩy mạnh tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, thì các chương trình DSM, đặc biệt là chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR) đã được nghiên cứu và từng bước triển khai hiệu quả tại Việt Nam.
Cụ thể, theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN, có thời điểm trong tháng 5 và tháng 6/2023, tổng công suất điều chỉnh giảm được của khách hàng chủ động tham gia chương trình DR đạt gần 500MW. Điều này đã góp phần đáng kể trong việc giảm áp lực mất cân bằng cung cầu hệ thống điện.
Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh EVN cho biết, Tập đoàn đã và đang chuẩn bị các giải pháp đảm bảo cung ứng điện cho mùa nắng nóng, trong đó đẩy mạnh công tác tiết kiệm điện.
EVN đã thành lập Ban chỉ đạo cung ứng điện và tiết kiệm điện toàn quốc do lãnh đạo mỗi đơn vị trực tiếp là trưởng ban; ban hành các văn bản triển khai các Chỉ thị 20, Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ đến đơn vị cấp 4.
Đồng thời, tổ chức kiểm tra, giám sát các chương trình DSM (tiết kiệm điện, DR, dịch chuyển phụ tải điện); tổ chức các đoàn công tác gồm các lãnh đạo EVN và lãnh đạo các đơn vị thành viên làm việc trực tiếp với chính quyền địa phương về tình hình cung ứng điện, tiết kiệm điện…
Tính đến ngày 15/3, các đơn vị Điện lực đã ký cam kết sử dụng điện theo biểu đồ phụ tải điện với 13.370 khách hàng; Ký kết thỏa thuận tham gia điều chỉnh phụ tải điện phi thương mại với 11.395 khách hàng.
Ngày 15/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 38 về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm năm 2024 và các năm tiếp theo.
Theo đó, Thủ tướng Chính Phủ chỉ đạo Bộ Công thương thực hiện đồng bộ các giải pháp tiết kiệm điện tại Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 8 tháng 6 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo; hướng dẫn, khuyến khích sáng tạo trong thực hiện công tác tiết kiệm điện đạt hiệu quả cao nhất.
Đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đồng bộ các giải pháp tiết kiệm điện hiệu quả trên địa bàn, nhất là áp dụng các giải pháp tối ưu, ứng dụng công nghệ tự động, sử dụng năng lượng mặt trời, thay thế đèn tiết kiệm điện… trong chiếu sáng công cộng, quảng cáo, trang trí ngoài trời.