Ngày 15-8, Báo Người Lao Động tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 – Phiên thứ 3 chủ đề “Tháo điểm nghẽn giải ngân đầu tư công” với sự tham dự của đại diện nhiều bộ, ngành, địa phương, chuyên gia kinh tế.
Có điểm sáng nhưng còn ì ạch
Phát biểu đề dẫn, chuyên gia kinh tế – TS Trần Du Lịch đánh giá diễn đàn lần này đề cập vấn đề “cực nóng” trong 3 trụ cột tăng trưởng kinh tế, gồm tiêu dùng, xuất khẩu và đầu tư công. “Giải ngân đầu tư công càng sớm thì tác động đến tăng trưởng kinh tế càng cao. Thế nhưng, có tình trạng giải ngân “6 tháng đầu năm đủng đỉnh, 6 tháng cuối năm chạy đua” nên tác động không nhiều” – TS Trần Du Lịch nêu thực tế.
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) là một trong những đơn vị giải ngân đầu tư công tốt trong nửa đầu năm nay. Ông Lê Bách Cương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Đầu tư xây dựng phụ trách phía Nam thuộc Cục Quản lý Đầu tư xây dựng – Bộ GTVT, thông tin đến tháng 7-2024, ngành giao thông đã giải ngân hơn 30.000 tỉ đồng, đạt khoảng 50% kế hoạch.
Nêu kinh nghiệm, ông Cương cho rằng giải phóng mặt bằng (GPMB) là yếu tố quan trọng song cũng là khâu khó khăn nhất trong thực hiện dự án đầu tư công. Do đó, Bộ GTVT đã chỉ đạo chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để có mặt bằng thực hiện dự án. Bộ GTVT cũng tăng cường đôn đốc, kiểm tra định kỳ lẫn đột xuất; nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu.
Tuy nhiên, không phải đơn vị nào cũng đạt kết quả giải ngân tốt, dù đã quyết liệt triển khai, tháo gỡ vướng mắc. TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách – ĐHQG Hà Nội, phân tích: Có nhiều điểm nghẽn khiến hầu hết địa phương đều chưa đạt kế hoạch giải ngân đầu tư công, chẳng hạn TP HCM chỉ mới giải ngân được chưa đến 16%. Trong đó, điểm nghẽn trong ngắn hạn bao gồm vướng mắc về thủ tục, cơ chế điều phối chung, GPMB, mỏ vật liệu, việc sử dụng nguồn vốn kết hợp… Đơn cử, tuyến cao tốc Lạng Sơn – Cao Bằng đang gặp tình huống một địa phương đã GPMB xong, còn một bên thì chưa.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM, Chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP HCM – nêu quan điểm việc triển khai Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội hiện chỉ ở bước thăm dò, chưa có tháo gỡ mạnh mẽ. Cần phân cấp, phân quyền rõ ràng để TP HCM “bật lên”, từ đó giải quyết được các vấn đề tồn tại để đầu tư công hiệu quả. Mặt khác, cũng cần có sự khẩn trương, quyết liệt và mạnh dạn hơn nữa trong vận dụng nghị quyết này.
Nhiều bài học kinh nghiệm
Theo ông Vũ Xuân Nguyên, Trưởng Phòng Kế hoạch – Hợp đồng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM, thực tiễn triển khai các tuyến đường sắt đô thị metro số 1 và số 2 cho thấy mặt bằng sạch và nguồn vốn sẵn sàng là 2 bài học kinh nghiệm để giải ngân được và dự án về đích.
Trong đó, khâu GPMB cần giải quyết ngay từ đầu, tránh kéo dài gây phát sinh thêm chi phí và ảnh hưởng tiến độ tổng thể của dự án. Về nguồn vốn, cần chủ động để giảm phụ thuộc vào nguồn ODA (vốn hỗ trợ phát triển chính thức) bằng cách huy động nguồn lực trong nước thông qua mô hình TOD – mô hình phát triển đô thị theo định hướng tập trung vào giao thông công cộng.
TS Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh giải pháp quan trọng để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là phải giảm bớt thủ tục. “Nhiều khi vì an toàn, chúng ta phải xin ý kiến tất cả sở, ngành, đơn vị dù không có nội dung gì liên quan. Theo tôi, chỉ cần xin ý kiến đơn vị nào thật sự cần thiết và trong công văn phải ghi rõ thời hạn trả lời” – ông Việt nhìn nhận.
Dẫn chứng kinh nghiệm của Trung Quốc, TS Nguyễn Quốc Việt đề xuất phát triển đầu tư công gắn liền văn hóa, du lịch. Ông kể từng đến một khu vực làng mạc hoang vu, kém phát triển ở TP Nam Kinh, tỉnh Giang Tô. Chỉ một thời gian sau, địa phương này đã kết hợp nguồn lực nhà nước, nguồn lực doanh nghiệp và người dân để xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối với thành phố lớn, kèm theo đó là phát triển văn hóa, du lịch nông thôn. Theo ông, TP HCM có thể học hỏi và phát triển theo cách tương tự.
Với góc nhìn khác, ông Nguyễn Ngọc Hòa góp ý nhà nước cần mạnh dạn thay đổi cách tiếp cận về đầu tư công theo hướng xã hội hóa, giao cho tư nhân làm và cơ quan quản lý nghiệm thu…
Đúc kết các ý kiến trao đổi, TS Trần Du Lịch cho rằng diễn đàn không chỉ dừng lại ở đề xuất giải pháp mà còn chia sẻ nhiều kinh nghiệm cho giai đoạn tới, nhất là trong việc bố trí vốn trung hạn giai đoạn 2026 – 2030; hoàn thiện thể chế, tổ chức, tránh tình trạng “lập quá nhiều tổ công tác đi thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công”.
Với riêng TP HCM, TS Trần Du Lịch góp ý tiếp tục thực hiện Nghị quyết 98/2023 để hình thành quy định khung, trong đó có quy định về lĩnh vực đầu tư công. Qua đó, TP HCM có thể đáp ứng nguồn vốn, tận dụng được 2 cơ chế quan trọng về tài chính – gồm phát hành trái phiếu để tăng bội chi đầu tư lên 120% và huy động nguồn vốn tư nhân tham gia vào đầu tư công – để tiến đến giai đoạn “cứ 1 đồng vốn nhà nước, thu hút được 10 đồng vốn tư nhân”.
Ông NGUYỄN VĂN DŨNG, Phó Chủ tịch UBND TP HCM:
TP HCM tập trung giải ngân đầu tư công
Ngay từ đầu năm, TP HCM đã phân nguồn vốn đầu tư công hơn 79.200 tỉ đồng – cao gấp 1,15 lần so với năm 2023 – tới các quận, huyện, TP Thủ Đức, các sở, ban, ngành và chủ đầu tư với mong muốn làm sao tập trung giải ngân tốt trong năm nay để góp phần phát triển kinh tế thành phố.
Quá trình triển khai các dự án trong 7 tháng đầu năm còn gặp khó khăn, mới giải ngân được hơn 12.300 tỉ đồng, đạt hơn 15,6%. Dù tỉ lệ giải ngân thấp nhưng số tuyệt đối cao hơn cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, thành phố cũng cần nỗ lực nhiều hơn nữa.
Từ nay tới cuối năm 2024, để giải ngân đạt hơn 95% tổng số vốn đầu tư công, TP HCM sẽ nỗ lực triển khai nhiều giải pháp theo từng mốc thời gian, dù rất khó khăn. Cụ thể, đẩy mạnh phân cấp cho quận, huyện và TP Thủ Đức, các chủ đầu tư dự án, các ban, ngành quyết định chủ trương đầu tư và tham mưu thành phố quyết định đầu tư trong thời gian tới.
Song song đó, tập trung hoàn tất thủ tục bồi thường GPMB, tạo điều kiện cho các dự án triển khai thuận lợi; đẩy mạnh giải quyết các kiến nghị của sở, ngành, địa phương còn tồn tại. Đeo bám các cơ quan trung ương để tháo gỡ khó khăn trong triển khai các dự án lớn trên địa bàn như đường Vành đai 3, tuyến cao tốc TP HCM – Mộc Bài, đường nối toàn tuyến Trần Quốc Hoàn với đường nối nhà ga T3 Tân Sơn Nhất…
Q.Trâm – N.Phan ghi
Nguồn: https://nld.com.vn/quyet-liet-thao-diem-nghen-giai-ngan-dau-tu-cong-196240815221233479.htm