Lợi dụng khó khăn về kinh tế, sự nhẹ dạ, cả tin, mất cảnh giác của người dân, đặc biệt là đồng bào vùng dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu, vùng xa, nhiều phụ nữ và trẻ em đã trở thành nạn nhân của nạn mua, bán người.
Xu hướng gia tăng với thủ đoạn tinh vi
Cách đây tròn 1 tháng, ngày 1/9, lực lượng Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài và lực lượng chức năng triệt phá thành công chuyên án mua bán người, giải cứu kịp thời 2 nạn nhân nữ. 6 đối tượng liên quan bị bắt giữ, bao gồm: Cao Bá Tuấn (sinh 1995), Huỳnh Tiến Anh (sinh 2002), Nguyễn Lý Hồng Hiệp (sinh 2000), Vũ Văn Giáp (sinh 1994) đều trú tại tỉnh Bình Phước; Dương Minh Ngọc (sinh 1999), trú tại tỉnh Tiền Giang và Trần Thanh Gởi (sinh 2004) trú tại tỉnh Đồng Tháp.
Hai nữ nạn nhân kể lại hành trình bị bán qua tay nhiều người trước khi được Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh giải cứu trong chuyên án TN823p. |
Qua đấu tranh khai thác, các đối tượng khai nhận đã mua hai nạn nhân nữ với giá 36 triệu đồng, sau đó liên hệ với đầu mối bên Campuchia để bán lại với giá 130 triệu đồng. Tuy nhiên, khi nhóm đối tượng đưa hai nạn nhân đến khu vực Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài để tìm cách bán sang Campuchia đã bị bắt giữ.
Trước đó, ngày 26/6, tại khu vực cách đường biên giới Việt Nam-Campuchia khoảng 400m, thuộc địa phận xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An, lực lượng Biên phòng Cửa khẩu Mỹ Quý Tây, Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An, phát hiện, bắt giữ Trương Việt Hoàng (25 tuổi, thường trú quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội); Lâm Quốc Đạt (19 tuổi, thường trú huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) và Trương Công Trứ (25 tuổi, trú tại huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) khi 3 đối tượng này đang tìm cách đưa một cô gái tên N.N.K.N (18 tuổi, thường trú huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh) sang Campuchia bán với giá 18 triệu đồng.
Qua đấu tranh điều tra, lực lượng chức năng tiếp tục bắt giữ thêm 4 đối tượng và triệu tập một số đối tượng khác để điều tra làm rõ. Tại cơ quan chức năng, các đối tượng đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Sau khi khởi tố vụ án hình sự, lực lượng chức năng thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã bàn giao hồ sơ vụ án và các đối tượng cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đức Huệ để thụ lý, điều tra theo thẩm quyền.
Đây chỉ là hai trong nhiều vụ án về mua bán người mà lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ trong thời gian qua. Điều đó cũng cho thấy, tình hình tội phạm mua bán người đang có những diễn biến khá phức tạp và có xu hướng gia tăng. Các đối tượng hình thành nhiều đường dây, băng nhóm tội phạm mua bán người hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia với phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.
Nhận định về diễn biến phức tạp này, Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh, Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng (Bộ Quốc phòng) cho hay: Phần lớn đối tượng cư trú trong nội địa câu kết với các đối tượng ở khu vực biên giới, đối tượng là người Việt Nam cư trú ở nước ngoài và người nước ngoài hình thành các đường dây khép kín dụ dỗ, lừa gạt, mua bán nạn nhân đưa ra nước ngoài hoặc trong nước nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, kết hôn và cho, nhận con nuôi trái pháp luật…
“Thủ đoạn của các đối tượng có hành vi mua bán người đều được thực hiện thông qua các tài khoản mạng xã hội nên rất khó thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội. Bên cạnh đó, các loại tội phạm “nguồn” của mua bán người như tổ chức cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép, mang thai hộ với mục đích thương mại; mua bán bộ phận cơ thể người cũng có dấu hiệu gia tăng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mua bán người”, Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh cho biết.
Theo Cơ quan phòng, chống tội phạm và ma túy Liên hợp quốc (UNODC), trên thế giới có gần 250 triệu người di cư trái phép và vẫn tiếp tục tăng lên do ảnh hưởng của khủng bố, xung đột, bạo lực… Nhiều người trong số đó trở thành nạn nhân của hàng trăm đường dây mua bán người trên thế giới. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhất là các nước tiểu vùng sông Mekong được coi là điểm nóng của tình trạng mua bán người và di cư bất hợp pháp. |
Đẩy lùi tội phạm mua bán người
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm mua, bán người, xác định đấu tranh, phòng, chống loại tội phạm này là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương và lực lượng Công an với vai trò nòng cốt đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm từng bước ngăn chặn, đẩy lùi loại tội phạm này, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.
Trong đó, Bộ Công an đã phát huy vai trò cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP) trong hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình phòng, chống mua bán người của Chính phủ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, góp phần huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống mua bán người…; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhóm nhiệm vụ, và tổ chức hiệu quả nhiều văn bản chỉ đạo về phòng, chống mua bán người, với mục tiêu cao nhất là bảo vệ “quyền con người”, bảo vệ “an ninh con người” và đem lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.
Công an thành phố Hà Nội chủ trì tổ chức Lễ phát động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người – 30/7” tại huyện Đan Phượng ngày 25/7. (Nguồn: TTXVN) |
Hằng năm, Bộ Công an đều mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc từ ngày 1/7 đến ngày 30/9. Qua đó, đã triệt phá nhiều đường dây, ổ nhóm tội phạm mua bán người và kịp thời truy tố, đưa ra xét xử nghiêm minh các đối tượng trước pháp luật. Bên cạnh đó, công tác xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán được thực hiện nhanh chóng, bảo đảm quyền của nạn nhân và theo nguyên tắc “lấy nạn nhân là trung tâm”.
Từ đầu năm 2022 đến giữa năm 2023, các cơ quan chức năng đã tiếp nhận, xác minh 590 trường hợp, xác định 337 trường hợp nạn nhân bị mua bán; đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân mua bán người (qua Tổng đài 111) đã tiếp nhận trên 3.100 cuộc gọi; trong đó có 128 ca chuyển tuyến giải cứu, hỗ trợ cho 146 nạn nhân và người có nguy cơ là nạn nhân bị mua bán. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, các cơ quan chức năng đã tổ chức tiếp nhận, xác minh 114 người; xác định 82 người là nạn nhân bị mua bán, hỗ trợ cho 65 nạn nhân, tăng 16 nạn nhân được tiếp nhận… |
Huy động sức mạnh tổng lực
Để tập trung đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, đồng thời thực hiện cam kết, nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trước cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống lại nạn mua bán người, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 193/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đây là một chủ trương mang tính chiến lược, hoạch định đồng bộ các giải pháp, huy động tổng lực sự tham gia của các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương vào công tác phòng, chống mua bán người.
Theo Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, Bộ Công an với vai trò là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 138/CP và Thường trực thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người đã tham mưu Ban Chỉ đạo 138/CP chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ triển khai nghiêm túc Quyết định số 193/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện, tập trung vào các nhiệm vụ công tác lớn trọng tâm.
Trong đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền; trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị; vai trò tham mưu nòng cốt của lực lượng Công an nhân dân trong tổ chức, chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; xác định công tác bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm, trong đó có công tác phòng, chống mua bán người là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm.
Bộ Công an cũng tập trung làm tốt công tác phòng ngừa, nhất là phòng ngừa xã hội, kết hợp chặt chẽ với phòng ngừa nghiệp vụ của các lực lượng chức năng, phát huy vai trò các tổ chức chính trị xã hội ở địa bàn cơ sở; đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng, chống mua bán người, gắn với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và các chính sách phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin về tình hình, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người và đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người đến mọi tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức của người dân, nhất là các nhóm nguy cơ cao, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, biên giới và vùng đồng bào dân tộc…