Thời gian gần đây, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em diễn ra khá phức tạp, xu hướng gia tăng cả về số vụ và tính chất.
Công an huyện Thọ Xuân tổ chức tuyên truyền phòng, chống tệ nạn ma túy và kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em.
Theo số liệu thống kê, chỉ tính từ năm 2018 đến giữa tháng 4-2023, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra gần 200 vụ hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô đối với trẻ em. Đa số trẻ em bị xâm hại chủ yếu là ở vùng dân tộc miền núi, chiếm từ 70 – 80% số vụ. Trong đó 50% đối tượng phạm tội hiếp dâm là những người có mối quan hệ với gia đình nạn nhân. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến số vụ xâm hại trẻ em ngày càng tăng, trong đó phải kể đến là do việc gia đình thiếu quan tâm, chăm sóc khiến cho các em dễ bị các đối tượng dụ dỗ, lợi dụng. Trong khi đó, công tác tuyên truyền, giáo dục chưa thường xuyên, liên tục dẫn đến tình trạng trẻ em thiếu kiến thức, hiểu biết để tự bảo vệ mình. Hơn nữa, sự xâm nhập của các văn hóa phẩm đồi trụy phát tán tràn lan trên mạng internet đã ảnh hưởng xấu đến sự phát triển tâm sinh lý, gây ra sự lệch lạc về đạo đức, lối sống của một số người. Trung tá Lê Văn Đức, Đội trưởng Đội 1, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh, cho biết: Để đấu tranh với loại tội phạm này, lực lượng chức năng đang gặp nhiều khó khăn, bất cập, bởi hầu hết số vụ xâm hại tình dục trẻ em là do quá trình nắm tình hình, đấu tranh, cơ quan chức năng phát hiện được. Rất ít vụ việc trực tiếp gia đình nạn nhân hoặc nạn nhân tố giác, tố cáo. Qua đấu tranh cho thấy, đa số các vụ xâm hại tình dục trẻ em khi người thân và gia đình phát hiện và hai bên (bị hại và đối tượng gây ra) đã tự giải quyết, khi không thỏa hiệp được mới trình báo cơ quan chức năng…
Một số vụ việc cơ quan công an gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ, chứng minh tội phạm, bởi thời gian quá lâu các dấu vết đã mất hoặc phải chờ kết quả giám định ADN dẫn đến việc phải gia hạn điều tra nhiều lần và tạm đình chỉ điều tra vụ án do không đủ căn cứ. Điển hình như trường hợp của cháu M., sinh năm 2003, ở xã Phùng Giáo (Ngọc Lặc). Gia đình có đơn tố cáo cháu bị chính bác ruột hiếp dâm nhiều lần. Nhưng sự việc xảy ra sau nhiều tháng gia đình mới có đơn trình báo công an và mất nhiều công sức để điều tra xác minh, thu thập chứng cứ, cơ quan công an mới có đủ tài liệu kết luận để khởi tố bắt giam đối tượng.
Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm xâm hại trẻ em, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và công an 27 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh chủ động nắm tình hình, diễn biến hoạt động của tội phạm xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em; có kế hoạch quản lý chặt chẽ số đối tượng có tiền án, tiền sự về xâm hại tình dục trẻ em, thanh, thiếu niên hư hỏng, có lối sống không lành mạnh, lệch chuẩn có nguy cơ thực hiện hành vi xâm hại. Đồng thời, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, thực hiện hướng dẫn công tác phòng ngừa nghiệp vụ; tiếp nhận, giải quyết tin báo, kiến nghị, khởi tố về xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi. Phối hợp với lực lượng chức năng, các ngành, các cấp, nhất là các ngành giáo dục, văn hóa, lao động tổ chức tốt công tác phòng ngừa xã hội, giáo dục, quản lý trẻ em, học sinh và thanh, thiếu niên; huy động gia đình, nhà trường, xã hội và mọi tầng lớp Nhân dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.
Cũng theo Trung tá Lê Văn Đức, để đấu tranh, phòng ngừa có hiệu quả với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, bên cạnh nỗ lực của lực lượng chức năng, các cấp có thẩm quyền cần nghiên cứu ban hành pháp luật xuất phát từ tình hình thực tiễn để bổ sung các quy định pháp luật về loại tội phạm này cho phù hợp, kể cả tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, xem xét cả hành vi bao che không cung cấp, dung túng… gây cản trở công tác điều tra. Cùng với đó, cần xem xét toàn diện đến yếu tố nạn nhân trong các vụ việc để có giải pháp quản lý, xử lý giáo dục với các đối tượng liên đến quan hành vi này, vì thực tế cho thấy nhiều vụ việc chỉ xét đến yếu tố người bị hại là trẻ em nữ, trong khi chính đối tượng bị tố cáo (phía trẻ em nam) lại là nạn nhân. Đề nghị Luật Giám định tư pháp sớm bổ sung quy định việc trưng cầu giám định pháp y về xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em là việc cần phải được thực hiện nhanh, khẩn trương trong thời gian ngắn nhất có thể, tạo thuận lợi cho việc điều tra; quy định chặt chẽ hơn quyền và nghĩa vụ của người giám hộ cũng như chế tài đối với họ khi không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình, không có mặt trong các buổi lấy lời khai, thẩm vấn hoặc từ chối giám hộ… Ngoài ra, các cấp, ngành cần phải tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục giới tính, trang bị kiến thức phòng, chống xâm hại trong trường học và nâng cao trách nhiệm trong việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm hại trẻ em là điều hết sức cần thiết.
Bài và ảnh: Quốc Hương