Khi bị bắt, các cơ quan chức năng ở Bình Thuận mới “té ngửa” là con tàu này dù mang số hiệu Bình Thuận nhưng chủ tàu đã bán cho một chủ ở địa phương khác. Quá trình sang nhượng con tàu giữa 2 chủ tàu không làm các thủ tục đổi số hiệu, chủ tàu. Do vậy, khi bị phía nước ngoài thông báo thì con tàu này vẫn là tàu Bình Thuận. Đặc biệt là con tàu này ngắn hơn 15 m nên không được gắn thiết bị giám sát hành trình (hộp đen).
Bình Thuận hiện có 100% tàu chiều dài từ 15 m trở lên đã được gắn hộp đen. Để có được tỷ lệ 100% này, Bình Thuận chủ trương hỗ trợ mỗi tàu 10 triệu đồng chi phí lắp đặt (khoảng 50% chi phí).
Để tránh tình trạng một tàu cá gom nhiều hộp đen tàu khác rồi nằm ở vùng biển hợp pháp nhằm đánh lạc hướng kiểm soát, còn tàu đã “gửi” hộp đen thì đi đánh cá ở các vùng biển chồng lấn… Bình Thuận yêu cầu phường, xã nắm bắt hành trình của từng con tàu, từng chủ tàu khi ra khơi; lập các tổ giám sát trên biển. Khi phát hiện tàu nhen nhóm ý định vi phạm vùng đánh bắt thì lập tức trong bờ lực lượng biên phòng phối hợp chính quyền đến tận nhà chủ tàu gọi ra tàu cá vận động, nhắc nhở.
Các cơ quan chuyên môn cũng liên tục mở lớp tập huấn, phát tờ rơi, vận động từng gia đình chủ tàu chống vi phạm IUU (đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định). Song song đó, liên tục kiểm soát chặt từng tàu cá ra biển đánh bắt, xử phạt nghiêm theo Nghị định 42/CP khi phát hiện vi phạm các quy định như sổ ghi chép lịch trình không kịp thời, tắt thiết bị hộp đen, ra vào cảng cá không thông báo…
Nhưng biện pháp mà người viết cho rằng cần tăng cường hơn nữa trong thời gian tới là gắn trách nhiệm lên cơ quan chủ quản và nhất là cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan đơn vị khi để tàu cá vi phạm IUU.