Đặc phái viên về lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) David O”Sullivan tiết lộ, việc phương Tây tiếp cận các nước thứ ba để kiểm soát hành vi lách lệnh trừng phạt của Nga đang khiến Moscow ‘khó khăn hơn’,
Gói trừng phạt thứ 11 của EU đối với Nga đã được thông qua. (Nguồn: RT) |
Thông tin trên được ông David O’Sullivan đưa ra tại cuộc họp của Hội đồng đối tác nghị viện EU-Anh tại Brussels (Bỉ) diễn ra mới đây.
Theo ông, EU từ lâu đã nghi ngờ các nước thứ ba làm trung gian đưa hàng hóa quan trọng do EU sản xuất đến Nga.
Nguồn tin của Bloomberg cho rằng, bất chấp những hạn chế xuất khẩu của EU đối với “hàng trăm hàng hóa và công nghệ”, Nga vẫn nhận được hầu hết hàng hóa mà nước này cần.
Phân tích của Cơ quan giám sát Thụy Sỹ Trade Data Monitor cũng cho thấy, dù đang bị trừng phạt, Moscow dường như đã có giải pháp thay thế hầu hết các sản phẩm mà họ cần, kể cả những sản phẩm công nghệ cao.
Đối mặt với tình huống này, đặc phái viên về lệnh trừng phạt của EU tiết lộ, nhóm 27 thành viên, Mỹ, Anh và Nhật Bản đã xác định 38 sản phẩm ưu tiên bị nghi xuất khẩu với số lượng lớn sang các nước thứ ba và sau đó tái xuất khẩu sang Nga.
Trong những tháng gần đây, đại diện EU, Anh và Mỹ đã đến thăm Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Kyrgyzstan, Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan, Uzbekistan, Armenia và Serbia để “cậy nhờ” hỗ trợ của các chính phủ trong việc giải quyết vấn đề Moscow “né” lệnh trừng phạt.
Ông O’Sullivan khẳng định: “Chúng tôi đã nhận phản hồi khá tốt về vấn đề này. Tuy nhiên, cần phải ‘cảnh giác liên tục’ để đảm bảo các quốc gia khác không trở thành kênh lách luật”.
Cuối tháng trước, gói trừng phạt thứ 11 của EU đối với Nga đã được thông qua, nhằm khắc phục các kẽ hở và ngăn chặn hành vi lách luật.
Gói trừng phạt thứ 11 cũng áp đặt các hạn chế với việc bán hàng hóa và công nghệ lưỡng dụng (có thể dùng cho cả mục đích dân sự và quân sự) cho các quốc gia có thể bán lại cho Nga và mở rộng danh sách các hàng hóa bị hạn chế do có thể phục vụ quân đội và lĩnh vực quốc phòng của nước này..
Nhằm hạn chế hoạt động của các tàu chở dầu thô hoặc sản phẩm dầu mỏ của Nga trên biển tránh lệnh trừng phạt, gói này cấm việc tiếp cận các cảng của EU đối với tàu tham gia vận chuyển hàng theo hình thức từ tàu này sang tàu khác.
Theo đó, nếu các nước thứ ba không tuân thủ các lệnh trừng phạt của phương Tây hoặc không thể giải thích lý do giao thương các loại hàng hóa bị cấm tăng đột ngột, họ có thể phải đối mặt với sự trừng phạt của EU.
Đặc phái viên về lệnh trừng phạt của EU nhận định: “Cho đến nay, các biện pháp trừng phạt đang có tác động hữu hình đến nền kinh tế của Nga”.