Chính phủ Ấn Độ hôm 19/8 đã quyết định áp thuế 40% đối với hành tây xuất khẩu đến ngày 31/12 năm nay, Bộ Tài chính nước này cho biết.
Đây là động thái mới nhất của Ấn Độ nhằm kiềm chế giá các loại nông sản chủ lực trong bối cảnh giá tăng mạnh do các vấn đề về nguồn cung.
Dữ liệu được công bố vào ngày 14/8 cho thấy lạm phát bán lẻ toàn phần của Ấn Độ tăng lên mức 7,44% trong tháng 7, mức cao nhất trong 15 tháng, do giá cà chua tăng vọt. Các chuyên gia lo ngại rằng giá hành tây cũng sẽ tăng lên mức tương tự.
Mức thuế mới sẽ giúp New Delhi giảm giá ở thị trường trong nước, nhưng các khách hàng châu Á sẽ phải trả nhiều tiền hơn để mua sản phẩm này, bởi Ấn Độ là nhà xuất khẩu hành tây lớn nhất thế giới, trong khi các nhà xuất khẩu khác trong khu vực có nguồn cung hạn chế.
Xuất khẩu hành tây của Ấn Độ trong nửa đầu năm 2023 đã tăng 63% so với một năm trước lên 1,46 triệu tấn. Các quốc gia như Bangladesh, Nepal, Malaysia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Sri Lanka phụ thuộc vào hành tây Ấn Độ.
Đây là nguyên liệu cho các món ăn truyền thống trên khắp châu Á như biryani ở Pakistan và Ấn Độ, belacan ở Malaysia và cà ri cá ở Bangladesh.
Theo một quan chức cấp cao của chính phủ Ấn Độ, quyết định được đưa ra nhằm tăng lượng hành tây trên thị trường nội địa do lo ngại giá sản phẩm này sẽ tăng mạnh trước mùa lễ hội.
Ông Ajit Shah, một thương nhân tại Mumbai, Ấn Độ cho biết, thuế xuất khẩu sẽ khiến hành Ấn Độ đắt hơn so với hành từ Pakistan, Trung Quốc và Ai Cập. Điều này đương nhiên sẽ dẫn đến sản lượng xuất khẩu thấp hơn và giá cả ở thị trường nội địa giảm xuống.
Giá hành tây bán buôn tại các thị trường trọng điểm của Ấn Độ đã tăng gần 20% từ tháng 7 đến tháng 8, lên khoảng 2,4 rupee (6.900 đồng)/kg do lo ngại lượng mưa thất thường sẽ dẫn đến sản lượng thấp hơn.
Các thương nhân Ấn Độ cho biết, mặc dù sản lượng hành đã đủ nhưng mưa lớn và lũ lụt đã làm hư hại một lượng đáng kể hành dự trữ ở Maharashtra và Karnataka, những nguồn cung cấp chính.
“Hành tây thu hoạch trong những tháng mùa hè đang bị thối rữa nhanh chóng và nguồn cung mới bị chậm lại. Tình hình này khiến chính phủ phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa”, một thương nhân khác ở Mumbai cho biết.
Hôm 18/8, Ấn Độ cho biết họ sẽ mở kho dự trữ hành tây để đảm bảo giá vẫn được kiểm soát cho đến khi vụ mùa mới bắt đầu từ tháng 10 trở đi.
Quốc gia Nam Á cũng đã quyết định dự trữ 3.000 tấn hành tây trong niên vụ 2023-24 nhằm phòng ngừa cho các trường hợp khẩn cấp và ổn định giá trong thời điểm khan hiếm nguồn cung. Trong năm 2022-23, nước này có 2.510 tấn hành tây dự trữ.
Nguyễn Tuyết (Theo Reuters, NDTV, Money Control)