Chiến dịch “Trần Đình” mật danh Điện Biên Phủ
Chiến sỹ Điện Biên Phạm Đức Cư, quê gốc Thái Bình, (94 tuổi), phố 7, phường Nam Thanh, TP. Điện Biên Phủ; nguyên cán bộ Thông tin, Tiểu đoàn 394, Trung đoàn Pháo cao xạ 367, Đại đoàn 315 đã từng tham gia chiến đấu từ khi mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ cho đến lúc giải phóng kể: “Trung đoàn Pháo cao xạ 367 được thành lập từ ngày 1/4/1953, tại huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Ông kể: “Trung đoàn Pháo cao xạ 367 gồm có 6 Tiểu đoàn. Trong đó, có 2 Tiểu đoàn là 383 do anh Vũ Thanh Giang làm Tiểu đoàn trưởng, anh Đỗ Văn Loan làm Chính trị viên và Tiểu đoàn 394 của tôi, do anh Trịnh Duy Hậu là Tiểu đoàn trưởng, anh Phạm Đăng Ty là Chính trị viên.
Tất cả nhận lệnh lên Tây Bắc để tham gia chiến dịch “Trần Đình” mật danh Điện Biên Phủ.
Ngày 24/12/1953, Tiểu đoàn 394 chúng tôi hành quân lên Tây Bắc, xe pháo rất cồng kềnh nhưng lại phải giữ bí mật tuyệt đối; lên đến nơi đúng hạn, đảm bảo an toàn cho cả người và xe pháo. Trong khi địa hình hiểm trở, dốc cao, vực sâu, đi theo đường rừng, khẩu pháo nặng… trên đường di chuyển luôn gặp phải gián điệp, biệt kích quấy phá ngăn cản bước hành quân. Trên cao máy bay địch săn lùng, kiểm soát oanh tạc, bắn phá ác liệt. Mỗi khi qua được một chặng, một địa danh là thở phảo nhẹ nhõm…
Trên đường ra trận lần ấy, còn có rất nhiều đơn vị khác gồm: Công binh, bộ binh, pháo binh, hậu cần, quân y, tiền phương và các đoàn dân công phục vụ chiến trường; đầy đủ các thành phần dân tộc, phụ nữ, thanh niên, nam nữ đủ cả. Người khênh, người thồ, người gánh vừa đi vừa hò reo, hát hò vui vẻ, khí thế bừng bừng như nước thủy triều lên. Chúng tôi trên đường cùng hành quân vì thế cũng vui lây.
Qua 27 ngày đêm di chuyển, Tiểu đoàn 394 của chúng tôi đã đến được khu vực tập kết, tại một khu rừng của huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên); cách Cứ điểm quân Pháp khoảng 17 – 18km.
Lúc ấy là cuối tháng 1/1954, các đơn vị Công binh ngày đêm mở đường cho Pháo binh và Bộ binh tiến vào lòng chảo Mường Thanh. Chúng tôi được nhận lệnh để lại xe, kéo pháo vào trận địa bằng sức người. Tiểu đoàn 383 của anh Vũ Thanh Giang kéo pháo và chiếm đóng ở sườn núi phía Đông Nam lòng chảo. Tiểu đoàn 394 của chúng tôi kéo pháo và chiếm đóng ở phía Tây Nam. Theo kế hoạch 2 tiểu đội được bố trí theo hình cánh cung ôm trọn lòng chảo Mường Thanh, hình thành lưới lửa phòng không, khống chế vùng trời Điện Biên Phủ để chiến đấu với quân địch để bảo vệ cho lực lượng Bộ binh.”
Kéo pháo vào trận địa hôm trước, hôm sau nhận lệnh kéo pháo ra
“Kế hoạch lúc bấy giờ của quân ta có chủ trương xây dựng cơ động 41 trận địa pháo, với phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” trong 2 ngày 3 đêm.
Toàn bộ pháo kéo vào trận địa bằng sức người, mỗi khẩu pháo cao xạ 61k – 37ly, nặng 2,4 tấn, phải có 80 đến 100 người kéo, đẩy, chèn bánh… Trong khi địa hình hiểm trở, dốc cao, mưa dầm lầy lội, chúng tôi phải chặt cây rừng rải chống lầy cho pháo kéo qua. Để không bị lộ, kéo pháo ban đêm chúng tôi không được phép soi đèn, chỉ cử 2 chiến sỹ mặc áo dù trắng đi trước làm tiêu… Nếu chỉ sơ suất một li thì cả người và pháo đều văng xuống vực. Mỗi đêm chúng tôi chỉ kéo được 1 cây số. Mọi người dép ai cũng mòn hết, chân không đạp đất, máu và bùn trộn lẫn vào nhau.
Qua 5 đêm, tôi gặp anh Phạm Đăng Ty, Chính trị viên trưởng Tiểu đoàn trên dãy núi PuPhaXông cao 1.150m. Tôi hỏi: “đường xấu thế này chừng nào ta đưa pháo được vào trận địa?” Anh Ty nhìn tôi rồi nói: “Khó khăn lắm đấy! Nhưng ta phải quyết tâm, cần động viên bộ đội hãy cố gắng..!”
Chúng tôi dồn hết sức, sau 9 đêm thì kéo được pháo vào trận địa.
Người chiến sỹ Điện Biên bỗng trầm giọng kể: Chúng tôi nghỉ chưa lại sức, vừa kéo pháo vào hôm trước, hôm sau ngày 26/1/1954 lại đột ngột nhận lệnh kéo pháo ra. Chúng tôi bàng hoàng cả người. Anh Phạm Đăng Ty, Tiểu đoàn trưởng phân tích: “Tinh thần chiến dịch không thay đổi, quân địch có âm mưu và động thái mới, nên chúng ta phải thay đổi chiến lược đánh.”
Và có lẽ, đây là quyết định khó khăn nhất của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Nhưng vì chủ trương “đánh nhanh, thắng nhanh” trong vòng 2 ngày, 3 đêm không thể giải phóng được Điện Biên Phủ, nên phải thay đổi chiến lược “đánh chắc, tiến chắc” mà Bác Hồ đã giao cho Đại tướng “tướng quân tại ngoại” quyết định mọi sự thắng bại là ở Đại tướng.
Tôi nhìn đồng đội, khuôn mặt ai cũng buồn, đôi mắt trũng sâu, gày gò vì thiếu ăn, thiếu ngủ. Chân tay ai cũng sứt sát, áo quần xộc xệch. Mỗi ngày, người được 2 nắm cơm ăn với mắm kèm. Lòng tôi cũng nặng trĩu xót xa, trào nước mắt. Cực nhất là trời mưa dốc trơn, đường lầy người đi còn khó vậy mà vẫn phải kéo theo khẩu pháo nặng 2,4 tấn.
Song cái khó đã ló cái khôn, chúng tôi chặt cây rừng dựng dàn tời trên các đỉnh dốc để kéo hỗ trợ cho sức người. Và cũng trong đợt kéo pháo ra lần này Tiểu đoàn 394 ai cũng ghi nhớ mãi đêm ngày 01/2/1954, đồng chí Tô Vĩnh Diện, Khẩu đội trưởng Đại đội 827 đã hy sinh cứu pháo khỏi rơi xuống vực sâu. Ai nấy đều ứa nước mắt thương nhớ anh và càng căm thù quân giặc, quyết tâm lại càng thêm lớn.
Và ở chiến trường Điện Biên Phủ, tôi đã tham gia 3 lần kéo pháo bằng sức người. Những người lính pháo cao xạ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, cả đời tôi chưa khi nào quên.” – Cựu Chiến binh Phạm Đức Cư, nói.
Binh chủng pháo cao xạ trên chiến trường Điện Biên Phủ
“Tối ngày 13/3/1954, “cánh màn” chiến dịch đã mở. Pháo binh, Bộ binh của quân đội ta ào ạt tiến công đánh chiếm lên điểm cao khu vực tiền tiêu quan trọng Phân khu 1 của quân địch ở Him Lam, chỉ trong vòng 7 tiếng quân ta làm chủ thế trận, quân địch bị tiêu diệt hoàn toàn. Trong trận đánh này anh Phan Đình Giót đã lấy thân mình lấp lỗ châu mai của địch cho đồng đội tiến lên.
Các đơn vị pháo cao xạ được lệnh sẵn sàng chiến đấu ngay từ 5 giờ sáng ngày 14/3/1954, chúng tôi đã công khai đối đầu với địch trên không. Tiểu đoàn 394 cách đồi Độc Lập 400m, nhưng địch không hay biết đã bảo vệ cho lực lượng Bộ binh bao vây tiến công vào đồi Độc Lập. Ngay đêm 15/3, quân ta đã làm chủ đồi Độc Lập trước 5 giờ sáng ngày 16/3/1954, (trong khi quân địch ở khu đồi bản Kéo cách đồi Độc Lập 600 – 700m).
Thấy mất đồi Độc Lập, chúng lũ lượt cắm cờ trắng ra hàng quân ta. Có một số quân giặc tháo chạy về hướng sân bay bị vấp phải mìn nổ tan xác. Chiến dịch mới có 3 ngày đầu, quân địch đã bị mất 3 vị trí tiền tiêu quan trọng của phân khu 1 ở phía Bắc. Chúng cay cú điên cuồng nã pháo, ra những trận mưa đạn pháo 105ly và 155ly. Chúng huy động rất nhiều loại máy bay ở các nơi lên thành nhiều tốp, nhiều tầng, nhiều hướng, bắn phá ác liệt, liên tục. Nhất là ngày 16 và 17/3/1954.
Lúc đó, những người lính pháo cao xạ đầu đều phải đội mũ sắt 3,2kg. Tất cả đều không sợ hy sinh, chiến đấu anh dũng, kiên cường trên mâm pháo, nhằm thẳng máy bay giặc chiến đấu. Bom đạn nổ ầm ầm rung chuyển, xé đất, xé trời… giữa ban ngày mà khói bom đạn và bụi đất đá mù mịt tối sầm cả một vùng trời, không nhìn thấy gì chỉ nghe tiếng gầm rít của máy bay địch trên đầu và các tầm đạn bay. Với tinh thần và yếu lĩnh sẵn có, chúng tôi vẫn bắn, có một số máy bay địch trúng đạn cao xạ bốc cháy đỏ rực trên không và nhiều chiếc khác bị thương. Đến trời tối hẳn thì chúng bỏ cuộc.
Nhưng… cũng thật đau buồn. Đại đội 827 của Tiểu đoàn 392, bị 2 quả bom trúng vào trận địa, Đại đội trưởng Dương Bá Xanh, Đại đội phó Bùi Văn Phú và một số đồng chí pháo thủ đã hy sinh. Một số đồng chí khác bị thương, hỏng mất 2 khẩu pháo. Khi ấy, đồng chí Đặng, Chính trị viên, Phó tiểu đoàn và các cán bộ có mặt ở trận địa đã kịp thời củng cố, tổ chức lại đội hình chiến đấu, khẩu hiệu lúc này là: “Còn một người, một khẩu pháo, một viên đạn cũng quyết tâm chiến đấu đến cùng.” Cả Tiểu đoàn chúng tôi lặng thinh bên nhau, bùi ngùi thương nhớ đồng đội đã hy sinh.
Trong suốt 56 ngày đêm chiến đấu oanh liệt, các đơn vị bạn và đơn vị tôi đánh thắng không lực của quân Pháp và sự can thiệp của Mỹ, cắt đứt đường tiếp tế cầu hàng không của quân dịch trên vùng trời Điện Biên Phủ. Bắn rơi 52 chiếc máy bay các loại, trong đó có cả loại pháo đài bay B24, làm bị thương 117 chiếc máy bay các loại khác, góp phần quan trọng vào chiến thắng chung của quân ta ở chiến trường Điện Biên Phủ.”
Nguồn: https://www.congluan.vn/mot-quyet-dinh-ban-linh-sang-suot-cua-dai-tuong-vo-nguyen-giap-post293340.html