HLV Kim Sang-sik chọn thủ quân mới
Dù mới huấn luyện đội tuyển Việt Nam nửa năm, nhưng HLV Kim Sang-sik đã trao vinh dự đeo băng thủ quân cho… 4 cầu thủ. Đó là Đỗ Hùng Dũng, Nguyễn Tiến Linh, Quế Ngọc Hải và hiện tại là Đỗ Duy Mạnh.
Như vậy, cũng giống thời HLV Philippe Troussier, tấm băng đội trưởng đã được sang tay liên tục. Đây là điều dễ hiểu bởi trong giai đoạn chuyển giao, không ai là không thể đụng đến. Mọi cầu thủ đều có thể đá chính và ngược lại.
Thời HLV Kim Sang-sik, cuộc cạnh tranh còn gắt gao hơn. Hãy nhìn vào chi tiết: ông Kim sẵn sàng gạch tên cả hai đội trưởng Ngọc Hải và Hùng Dũng, vì không đáp ứng tiêu chí thể lực và phong độ.
Tuy nhiên, việc trao băng đội trưởng cho Duy Mạnh vẫn là quyết định bất ngờ. Trung vệ sinh năm 1996 không thi đấu thường xuyên trong 4 năm qua do ảnh hưởng của chấn thương. Giai đoạn từ năm 2018 đến cuối 2019, Duy Mạnh đá 45 trận ở V-League. Nhưng sau chấn thương dây chằng ở trận Hà Nội gặp TP.HCM tại Siêu cúp quốc gia 2019 (diễn ra hồi tháng 1.2020), trung vệ 28 tuổi không còn duy trì mật độ ra sân liên tục. Mùa giải 2023 – 2024 mới là lần đầu tiên sau 5 năm, Duy Mạnh cán mốc 20 trận ở V-League.
Tương tự ở đội tuyển quốc gia, Duy Mạnh chỉ đá… 5 trận từ đầu năm 2023 đến nay. Anh không phải hạt nhân khi HLV Troussier còn nắm quyền, và khi ông Kim thế chỗ, Duy Mạnh cũng chưa được sử dụng thường xuyên.
Vậy lý do nào khiến HLV Kim Sang-sik chọn Duy Mạnh làm đội trưởng?
Yếu tố đầu tiên vẫn là kinh nghiệm. Khi Ngọc Hải và Hùng Dũng không được triệu tập, Duy Mạnh trở thành một trong những tuyển thủ quốc gia dạn dày nhất còn trụ lại đội tuyển Việt Nam. Duy Mạnh cùng Quang Hải là hai cái tên đá chính còn lại trong trận chung kết lượt về AFF Cup 2018 vẫn tiếp tục dự AFF Cup 2024.
Ngót nghét 7 năm sau kỳ tích Thường Châu, Duy Mạnh đã trải qua nhiều biến động như chấn thương, mắc sai sót… nhưng vẫn trở lại.
Thứ hai, phần lớn các HLV trưởng chọn thủ quân là cầu thủ chơi ở hàng phòng ngự hoặc tiền vệ trung tâm, bởi đây là vị trí cần tầm nhìn bao quát cùng khả năng phối hợp. Băng đội trưởng từng được trao cho Ngọc Hải (trung vệ) và Hùng Dũng (tiền vệ giữa) là ví dụ.
So với Quang Hải, Duy Mạnh trội hơn ở khả năng hô hào, khích lệ đồng đội. Quang Hải là mẫu thủ lĩnh trầm lặng và kín tiếng, còn Duy Mạnh “gắt” và nhiệt hơn trong khâu giao tiếp. Trong con mắt thầy Kim, một cầu thủ giỏi hô hào như Duy Mạnh sẽ hợp hơn ở vai trò đội trưởng.
Cuối cùng, theo một cựu tuyển thủ, người đeo băng đội trưởng đội tuyển Việt Nam phải “máu”, biết khơi dậy tinh thần đồng đội và chơi hết sức, hết mình. Trong chuyến tập huấn tại Hàn Quốc, Duy Mạnh thuyết phục HLV Kim Sang-sik nhờ lối chơi nhiệt huyết và tinh thần thi đấu máu lửa. Bàn thắng phút cuối vào lưới Jeonbuk là ví dụ, khiến ông Kim mạnh dạn đặt niềm tin.
Thử thách
Duy Mạnh có ưu thế trong tranh chấp, lối chơi lăn xả và dũng mãnh. Tuy nhiên, anh từng mắc nhiều sai lầm cũng vì cách đá “nhiệt” quá mức khi khiến đội nhà chịu phạt đền.
Đơn cử ở trận gặp Oman tại vòng loại World Cup 2022, cánh tay thừa của Duy Mạnh đã vung vào mặt đối thủ. Khi VAR gia nhập cuộc chơi bóng đá, mọi tiểu xảo dù là nhỏ nhất đều dễ bị trừng phạt.
Dù vậy, Duy Mạnh đã thay đổi. Mùa trước, trung vệ 28 tuổi đá 20 trận, nhưng không phải nhận bất cứ thẻ phạt nào. So với thời trẻ, Duy Mạnh đã điềm tĩnh và biết kiềm chế hơn. Đó cũng là điều ông Kim mong muốn ở học trò: máu lửa song cần tỉnh táo, trái tim nóng phải đi cùng cái đầu lạnh.
Gác lại quá khứ sau lưng, hy vọng Duy Mạnh sẽ thể hiện tốt ở tấm băng đội trưởng. Thi đấu trách nhiệm, bản lĩnh và cứng cỏi hơn, để tạo nên bức tường vững chãi che chắn cho đội tuyển Việt Nam.
Asean Mitsubishi Electric Cup 2024 được trình chiếu trực tiếp và trọn vẹn trên FPT Play, tại: http://fptplay.vn
Nguồn: https://thanhnien.vn/quyet-dinh-chon-doi-truong-tao-bao-cua-hlv-kim-sang-sik-185241207144746168.htm