Làm việc ở Liên Hợp Quốc là một trải nghiệm tuyệt vời và đầy tự hào của Hiếu. Nhưng cách đây 2 tháng, cô gái ngồi xe lăn có quyết định bất ngờ.
Cô gái ngồi xe lăn làm việc cho Liên Hợp Quốc
Lưu Thị Hiếu (sinh năm 1990) – người sáng lập dự án Chạm Vào Xanh
Lưu Thị Hiếu (quê Bắc Ninh) là một trong số những người khuyết tật (NKT) xuất sắc trong cộng đồng của mình.
Ít ai biết rằng để đạt được những thành tựu đó, bản thân cô và gia đình đã nỗ lực, hi sinh rất nhiều trong những năm tháng tuổi thơ. “Gia đình đóng vai trò rất quan trọng trong những bước đi của tôi và giúp hình thành nên tôi ngày hôm nay” – Hiếu kể.
Phát hiện bệnh năm 2 tuổi, đến năm 7 tuổi, Hiếu mới được đến trường. Bất chấp những lời từ chối và e ngại, Hiếu chứng minh cho các thầy cô mình có khả năng học tập bất kể những hạn chế về thể chất. Suốt những năm học phổ thông, cô luôn nằm trong tốp những học sinh xuất sắc nhất lớp.
Sau 4 năm học chuyên ngành tiếng Đức (Trường ĐH Hà Nội), ngày tốt nghiệp, Hiếu gọi cho mẹ thông báo sẽ bay vào Đà Nẵng làm việc – trước ngày đi chỉ vỏn vẹn 1 tháng. Làm được 1 năm, cô xin được học bổng thạc sĩ ngành Chính sách công ở Malaysia.
Từ Malaysia trở về, Hiếu làm việc cho tổ chức phi chính phủ Rồng Xanh (Blue Dragon Foundation), sau đó lại xin học bổng một khóa học dành cho lãnh đạo trẻ người khuyết tật tại Nhật Bản.
Trong 18 tháng ở Nhật Bản, cô được trải nghiệm cách NKT sống, làm việc cũng như học cách các doanh nghiệp nước này hỗ trợ NKT.
Về Việt Nam, Hiếu trở thành nhân viên ngồi xe lăn làm việc cho Liên Hợp Quốc (LHQ). Cô là người trải nghiệm, đánh giá và tư vấn để LHQ hoàn thiện các chiến lược hỗ trợ NKT hòa nhập cộng đồng.
“Bây giờ khi vào tòa nhà của LHQ tại Việt Nam, bạn sẽ thấy có những gờ nổi dành cho người khiếm thị, những nút bấm thang máy thấp hơn, nhà vệ sinh thuận tiện hơn cho NKT… Tất cả những chi tiết đó được cải tiến nhờ tư vấn và góp ý của tôi và các đồng nghiệp là người khuyết tật” – Hiếu tự hào chia sẻ.
Làm việc ở LHQ là một trải nghiệm tuyệt vời và đầy tự hào của Hiếu. Nhưng cách đây 2 tháng – tháng 3/2024, Hiếu xin nghỉ việc.
Cô gái sinh năm 1990 quyết định rằng: Với cuộc đời ngắn ngủi của một người sống chung với chứng bại não (CP), cô không muốn chờ đợi thay đổi đến từ chính sách mà muốn tạo ra những thay đổi trực tiếp cho cộng đồng NKT. Niềm vui của Hiếu lúc này chỉ đơn giản là những người bạn khuyết tật của cô có việc làm, cuộc sống của họ vui vẻ, khỏe mạnh và bớt khó khăn.
Đó là lý do và động lực để Hiếu sáng lập Chạm Vào Xanh – một dự án hỗ trợ Sống độc lập dành cho NKT.
“Hiện tại, chúng tôi đang giúp cho khoảng 20 NKT có thu nhập bằng cách bán các sản phẩm đan móc, tranh vẽ, thiệp… Dù họ mới chỉ kiếm được 1-2 triệu đồng/tháng nhưng như thế cũng đủ làm tôi vui rồi”.
Hiếu và các đồng nghiệp xác định rằng các sản phẩm của Chạm được bán ra thị trường cần có giá trị thẩm mỹ cao, mẫu mã độc đáo. “Đó là cách Chạm Vào Xanh định vị sản phẩm. Chúng tôi muốn khách hàng mua sản phẩm vì chất lượng, vì sản phẩm đẹp và độc đáo, thay vì chỉ là sản phẩm của NKT”.
Những sản phẩm của Chạm Vào Xanh
Hiếu cũng chia sẻ rằng việc tạo thu nhập cho người NKT không phải là mục tiêu duy nhất. Khi NKT có thu nhập, họ sẽ được gia đình và cộng đồng ghi nhận, và niềm vui khi được ghi nhận sẽ giúp họ thấy cuộc đời của họ có giá trị hơn, có ý nghĩa hơn – “đó mới là điều quan trọng”.
Bên cạnh đó, Chạm Vào Xanh cũng dành toàn bộ lợi nhuận khiêm tốn của mình cộng với nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài để tổ chức các hoạt động, lớp học dạy ngôn ngữ, kỹ năng mềm, kỹ năng sống độc lập, tham vấn đồng cảnh,… và tạo điều kiện để NKT tham gia hoạt động xã hội.
“Tạo thu nhập chỉ là bước đầu và là một trong số những mục tiêu của chúng tôi. Giúp NKT sống độc lập mới là mục tiêu lâu dài” – Hiếu nói.
Một buổi đi chơi của các thành viên trong nhóm ở công viên Thống Nhất
Sống độc lập là mục tiêu cuối cùng
Nguyễn Thị Thúy Vinh (quê Hà Nội) và Lường Thị Kim Hồng (quê Bắc Kạn) là 2 trong số những NKT đang nỗ lực sống độc lập nhờ tham gia dự án của Hiếu.
Thúy Vinh gặp Chạm Vào Xanh sau hơn 40 năm “nhốt mình” trong nhà. Chị sống trọn đời với chứng bại não (CP) – một căn bệnh có di chứng suy giảm giác quan và vận động tứ chi.
Mẹ chị, một bà mẹ đơn thân, kiếm tiền nuôi con nhờ công việc giao hàng cho người dân quanh khu bằng xe đạp. Bà luôn lo sợ mỗi khi nghĩ đến việc con gái sẽ bước chân ra khỏi nhà.
Đó là lý do 40 năm Vinh sống giữa 4 bức tường, không bạn bè, không quan hệ xã hội, không nghề nghiệp dù cơ thể chị vẫn còn khả năng lao động.
Tham gia vào cộng đồng người trưởng thành sống với CP, chị biết đến Chạm Vào Xanh – một dự án hỗ trợ Sống độc lập dành cho người khuyết tật (NKT).
Từ những ngày đầu đến với cộng đồng, chị đã bày tỏ mong muốn được học nghề và được gợi ý học móc len – một kỹ năng vốn không hề dễ dàng khi yêu cầu sự khéo léo và tỉ mỉ của đôi tay. Nhưng dường như những khao khát được lao động của 40 năm cộng lại đã giúp chị trở thành người thợ chăm chỉ và khéo léo nhất nhóm.
Sản phẩm chị làm ra được Chạm Vào Xanh “bao thầu” đầu ra. Tiền công được trả ngay sau khi sản phẩm hoàn thiện, không cần đợi đến khi bán được hàng. Đó là cách làm việc “nhận việc khó về mình” của những người đang điều hành dự án.
Những sản phẩm do chị Vinh đan móc
Cầm vài trăm nghìn đồng đầu tiên kiếm được trong cuộc đời, chị Vinh bật khóc. Chị mua cho mẹ một món quà, trả cho mẹ tiền điện nước hàng tháng. Mẹ chị, lần đầu tiên được cầm món quà từ chính sức lao động của con gái, cũng bật khóc.
40 tuổi cũng là lần đầu tiên chị Vinh được đi chơi. Để đưa được chị từ quận Hoàng Mai ra đến công viên Thống Nhất là cả một “kế hoạch” kỳ công của nhóm – từ việc thuyết phục mẹ cho tới việc hẹn chị lên xe nào, xuống ở đâu. Công viên Thống Nhất, với chị, là một không gian quá rộng lớn.
Không giống như chị Vinh, Lường Thị Kim Hồng, 29 tuổi có khát khao sống độc lập ngay từ khi còn trẻ.
Xuống Hà Nội, Hồng ở trong một mái ấm dành cho người khuyết tật và được dạy kỹ năng bán hàng tại cửa hàng của mái ấm. Khi mái ấm lâm vào tình cảnh khó khăn, Hồng phải đối diện với viễn cảnh không còn việc làm và phải trở về quê. Hồng tìm đến Chạm Vào Xanh để xin việc.
“Chúng tôi nói chỉ trả được cho bạn ấy mức lương 1,5 triệu đồng/tháng. Bạn ấy vẫn đồng ý và nói rằng cứ cho bạn bán, bạn sẽ mang thu nhập về cho cửa hàng” – Hiếu kể.
Sau hơn 2 năm, thu nhập của Hồng đã tăng nhưng cũng chỉ dừng ở mức 3 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, Hồng muốn sống tự lập bằng những đồng tiền mình làm ra, không phải phụ thuộc vào ai nên cô vẫn kiên trì làm công việc bán hàng toàn thời gian tại cửa hàng bán đồ len của Chạm Vào Xanh. Hồng thuê chung nhà trọ với một người bạn, hằng ngày bắt xe buýt đi làm như bất cứ ai.
Lường Thị Kim Hồng, 29 tuổi, nhân viên bán hàng toàn thời gian của dự án Chạm Vào Xanh
Học cách nói lên nhu cầu của mình
Mục đích của Chạm Vào Xanh là giúp những người khuyết tật có khả năng sống độc lập giống như Hồng, như chị Vinh.
“Sống độc lập bắt đầu từ những chuyện đơn giản như hôm nay bạn thích ăn gì, thích mặc áo màu gì, bạn muốn đi đâu, bạn làm thế nào để đề nghị sự giúp đỡ từ những người xung quanh…
Có những bạn khuyết tật từ nước ngoài sang Việt Nam hỏi tôi rằng, tại sao theo thống kê, Việt Nam có tỷ lệ NKT cao mà ra đường ít khi gặp. Đó là bởi vì hầu hết các bạn không được khuyến khích đi ra ngoài. Các bạn bị phụ thuộc vào người chăm sóc mình rất nhiều và không tự chủ được trong nhiều việc” – Hiếu nói.
Bản thân Hiếu cũng là một người sống với chứng bại não, hiện phải ngồi xe lăn. Cô cho rằng con đường ngắn nhất để NKT hòa nhập cuộc sống chính là con đường giáo dục.
Tuy nhiên, để NKT được học hành đến nơi đến chốn là một con đường dài mà không nhiều gia đình ở Việt Nam làm được. Hiếu thừa nhận, “tôi là một người may mắn”.
Hiếu ở Nhật Bản, khi vẫn còn đi lại bình thường
“Năm tôi 2 tuổi, mẹ tôi gọi cho bố tôi đang công tác ở Hà Nội, nói rằng ‘con mình không ngồi được như những đứa trẻ khác nhưng nó rất thông minh’. Ngày ấy, các bác sĩ chưa xác định được tôi mắc chứng bại não. Trong sổ y bạ chỉ ghi tôi bị vận động kém phát triển”.
Hiếu đi học muộn 1 năm so với các bạn, gặp vô vàn khó khăn của một NKT. Nhưng bố mẹ cô chưa từng có ý định cho con gái nghỉ học.
“Năm tôi học lớp 3, bố quyết định xin chuyển công tác, đưa cả nhà từ Bắc Ninh ra Hà Nội để tôi có môi trường học tập tốt hơn. Ở quê, mẹ tôi có thể buôn bán nhỏ nhưng ra Hà Nội, mẹ chỉ tập trung ở nhà chăm sóc và tập vật lý trị liệu cho tôi. Thu nhập của cả nhà phụ thuộc hoàn toàn vào bố”.
“Đó là sự hi sinh của bố mẹ dành cho tôi – một đứa con khuyết tật – mà không phải ông bố bà mẹ nào cũng làm được. Bởi, khi họ chọn con đường giáo dục và chiến đấu vì nó tức là họ đang chọn con đường vất vả thay vì để đứa trẻ khuyết tật ở nhà, để mặc nó sống cuộc đời phụ thuộc”.
Cô nhớ, cứ mỗi lần chuyển trường, chuyển lớp, bố mẹ lại dẫn cô lên gặp thầy cô trình bày hoàn cảnh “để xin cho tôi được ngồi bàn đầu, xin cho tôi được dùng nhà vệ sinh của giáo viên”. Và “tôi học được cách luôn nói lên nhu cầu của mình và sẵn sàng đề nghị được giúp đỡ chính là từ những cuộc gặp đó. Bố mẹ dạy tôi cách yêu thương bản thân mình nhiều nhất có thể”.
Hiếu mong rằng, tất cả NKT ở Việt Nam đều biết cách nói lên nhu cầu của mình thay vì cố gắng làm mọi việc để giống như người bình thường. Cô cũng mong gia đình họ sẽ khuyến khích, chắp cánh cho họ giống như bố mẹ đã từng làm cho cô.
Ảnh: Nguyễn Thảo, NVCC
Vietnamnet.vn
Nguồn:https://vietnamnet.vn/quyet-dinh-bat-ngo-cua-co-gai-ngoi-xe-lan-lam-viec-cho-lien-hop-quoc-2283703.html